Các ca sĩ trẻ đang làm gì với nhạc cách mạng?

Lê Đức 2015-10-11 13:55
- Các ca khúc cách mạng phong cách thính phòng luôn được xem là một trong những thách thức lớn đối với những ca sĩ trẻ.
Giọng hát tốt, tư duy âm nhạc hiện đại, phong cách trình diễn chuyên nghiệp là “yếu tố đủ” để một ca sĩ trẻ “làm mưa, làm gió” trong thị trường nhạc nhẹ nhưng với nhạc cách mạng thì điều đó chỉ mới dừng lại ở “yếu tố cần”. 

Người trẻ hát nhạc cách mạng - chuyện không đơn giản

Người trẻ thể hiện các ca khúc cách mạng dẫu có hay đến đâu vẫn có người nhận xét là hát chưa tới hoặc không truyền tải được thông điệp của thời đại. Một số bản phối mới ngay sau khi trình diễn đã bị giới chuyên môn cho là không thích hợp, thậm chí là xa lạ về cảm xúc. “Giai điệu tự hào”, một chương trình chủ trương làm mới các ca khúc đi cùng năm tháng cũng thường xuất hiện những ý kiến trái chiều, bất đồng quan điểm từ hai phía hội đồng già và trẻ. Người lớn tuổi thì khăng khăng bảo vệ cảm xúc một thời với những giọng ca gạo cội, trong khi người trẻ lại muốn “mới, mới và mới hơn nữa”. Một nghệ sĩ lão thành thì cho rằng, mỗi bài hát có một hoàn cảnh ra đời của nó và “vinh dự ấy nhiều khi chỉ dành cho cái thời cuộc ấy”.  
Các ca sĩ trẻ đang làm gì với nhạc cách mạng?
Hội đồng bình luận lớn tuổi tỏ ý không hài lòng khi các ca khúc cách mạng được phối mới. 
Hát nhạc cách mạng không phải là nhiệm vụ hay yêu cầu bắt buộc đối với thế hệ ca sĩ 8X, 9X. Nhưng là con dân của một nước, là thế hệ hậu sinh được thừa hưởng thành quả cách mạng, các ca sĩ trẻ luôn nhận thức rõ vai trò của mình trong việc gìn giữ và tiếp nối âm nhạc cách mạng. Người trẻ không sống trong thời cuộc mưa bom bão đạn nên họ không thể sở hữu ký ức như thế hệ cha anh. Và tất nhiên không có kỷ niệm dẫn đến khó hình dung, khó cảm nhạc và khó chuyển tải cho người nghe. Do vậy, ca sĩ trẻ trở nên dễ bị chê trách, thậm chí còn bị lên án khi hát các ca khúc cách mạng theo phong cách mới lạ. 
Các ca sĩ trẻ đang làm gì với nhạc cách mạng?
Các nữ ca sĩ phong cách thính phòng - cách mạng trong Sao mai 2015. 
Ai cũng biết âm nhạc là một dòng chảy thời gian nhưng không phải ai cũng biết để dòng chảy ấy vượt qua được thác ghềnh thì cần phải có sự đồng cảm, hy sinh của các thế hệ. Nếu như thế hệ đi trước không đặt mình ở địa vị của thế hệ đi sau và ngược lại thì việc hát nhạc cách mạng sẽ mãi là một vấn đề nan giải, không đơn giản và khó tìm được tiếng nói chung. Tất nhiên làm mới nhạc cách mạng không có nghĩa là thay đổi hoàn toàn giai điệu hay một phần nội dung của bài hát. Người nghệ sĩ vẫn phải có trách nhiệm chuyển tải tư tưởng chủ đạo của bài và tuyệt nhiên không được làm xa lạ về cảm xúc thưởng thức. Một bài hát buồn không thể phối thành vui nhộn, bài âm hưởng hào hùng không thể phối thành ủy mị, xuống xề.

Làm thế nào để khẳng định phong cách âm nhạc?

Phần lớn ca sĩ trẻ theo đuổi dòng nhạc cách mạng đều được đào tạo bài bản về thanh nhạc, nhiều người còn được thế hệ đi trước hoặc những “cây đa, cây đề” trực tiếp hướng dẫn chỉ dạy. Tuy nhiên, trong môi trường nghệ thuật chỉ học và tiếp nhận kiến thức chuyên môn thì không đủ để thành công và tạo được dấu ấn. Nghệ thuật đòi hỏi sự sáng tạo đến mức khắc nghiệt và tuyệt nhiên không chấp nhận “bản sao” của bất cứ ai. Trọng Tấn, Anh Thơ hay Đăng Dương gây dựng được tên tuổi trong làng nhạc trữ tình cách mạng vì họ khác biệt về phong cách, tư duy âm nhạc so với thế hệ gạo cội đi trước như NSND Trung Kiên, NSND Tường Vy, NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, NSND Thanh Hoa hay NSND Thu Hiền. Do vậy, những tên tuổi mới như Bảo Yến, Bích Ngọc, Tiến Hưng, Lê Dung trong Sao Mai năm nay cũng chỉ có thể đi được đường dài khi họ ý thức được sự khác biệt nghệ thuật với các thế hệ đàn anh, đàn chị trong nghề.
Các ca sĩ trẻ đang làm gì với nhạc cách mạng?
Lê Thị Dung thể hiện "Cô gái vót chông" trong Sao mai 2015. 
Công bằng mà nói, phong cách thính phòng trong Sao Mai năm nay có nhiều đột phá so với các mùa giải trước thể hiện ở cách hát, cách trình diễn và cả cách chuyển tải cảm xúc âm nhạc. Trong đó, Tiến Hưng là một giọng hát đẹp, nội lực và hiếm có trong làng nhạc Việt. Phần trình diễn của Tiến Hưng không quá “lột xác” nhưng được cho là dừng lại ở mức an toàn và xứng đáng với giải nhì của phong cách thính phòng. Lê Thị Dung cũng là một ca sĩ trẻ được đánh giá cao với giọng hát kỹ thuật và yếu tố bản năng còn giữ. Tuy nhiên trong đêm Chung kết xếp hạng, nữ thí sinh tỏ ra quá sức với một ca khúc kinh điển “Cô gái vót chông”. Đây là một sáng tác nổi tiếng Hoàng Hiệp, đóng đinh với giọng ca của NSND Tường Vy. Trong phần trình diễn của Lê Thị Dung, không khó để nhận ra nhiều đoạn lỗi nhịp và ngay cả đoạn staccato giả tiếng chim hót trong bài cũng chưa thực mượt mà và tròn trịa. 
Câu chuyện làm mới nhạc cách mạng một lần nữa lại đặt ra vì nếu không làm mới các ca sĩ trẻ sẽ không thể có được phong cách của riêng mình. Một giọng hát tốt, một tư duy âm nhạc hiện đại, một phong cách trình diễn chuyên nghiệp là yếu tố đủ để một ca sĩ trẻ làm mưa, làm gió trong thị trường nhạc nhẹ nhưng với nhạc thính phòng, nhạc cách mạng đó chỉ mới là yếu tố đủ. Ca sĩ muốn thể hiện thành công các ca khúc quen thuộc cần phải hiểu được bài hát và tâm thế của người viết nhạc. Phong cách âm nhạc chỉ có thể được khẳng định khi người nghệ sĩ nhận thức được hành động và mục đích của hành động.
Lê Đức
Ảnh: Sưu tầm
(Theo Congluan)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

6 bí quyết vàng giúp nàng mèo lười giảm mỡ bụng, mỡ đùi mà chẳng cần tập luyện vất vả