Những món "phải nếm" khi đến Hải Phòng
2015-01-14 09:18
- Đến Hải Phòng mà chưa có dịp thưởng thức những “của ngon vật lạ” thì giống như bạn chỉ mới mua một cuốn sách mà chưa hề đọc nó.
Tin liên quan
Nhưng cũng giống sách có quá nhiều chương, Hải Phòng quán xá nhiều vô kể dễ khiến bạn hoang mang. Tôi may mắn khi được một cô “thổ địa” sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này dẫn đi thưởng thức các món ngon và tôi sẽ mách bạn những địa chỉ ấy.
Nhắc đến đặc sản Hải Phòng, ngay lập tức làm ta nhớ đến món bánh đa cua với cách chế biến không thể có ở nơi nào khác, có chăng chỉ là sự na ná mơ hồ trong hương vị. Một bát bánh đa cua ở quán số 20, đường Cát Dài chào ngày mới sẽ làm thức tỉnh mọi giác quan đã mỏi mệt sau chặng đường dài từ Thủ đô đến đất cảng. Bánh đa để làm nên món bánh đa cua có màu nâu đỏ, sợi to đặc trưng. Khi nấu được chần qua nước nóng cho mềm. Muốn bánh đa cua được ngon thì sợi bánh đa không được mềm quá hay dai quá, điều này tùy thuộc vào chất lượng bánh đa và thời gian chần qua nước nóng. Nước dùng phải có riêu cua mà vị cua không được gắt. Bát bánh đa cua có thể kèm theo chả lá lốt, tôm hay cá tùy theo sở thích từng người. Tôi chọn cho mình cách kết hợp với chả lá lốt vì theo bạn tôi, vị ấy là ngon và lạ nhất. Nước dùng có riêu cua ngọt ngào, điểm xuyết những cọng cần ta giòn giòn. Miếng chả lá lốt với hương vị đặc trưng hòa quyện với từng miếng, từng miếng bánh đa. Thứ bánh mềm mại lướt trên đầu lưỡi thực khách để lại dư vị đậm đà khó quên.
Món bánh đa cua Hải Phòng ăn kèm với chả lá lốt và tôm.
Nếu một bát bánh đa cua chưa đủ làm thỏa mãn cái bụng đói meo của bạn thì món bún ngan nhất định sẽ khiến bạn hài lòng. Quán bún ngan nằm cuối ngõ Đặng Kim Nở là địa chỉ quen thuộc của nhiều người sành ăn ở Hải Phòng. Cả ngõ đều là quán bún ngan nhưng điều dễ nhận thấy là quán cuối cùng luôn đông khách nhất. Bún trắng sợi nhỏ, miếng thịt ngan nạc thái lát chéo chan trong nước dùng ninh xương rất ngọt, hành hoa thái nhỏ phảng phất hương ngai ngái. Món ăn không hề cầu kì chế biến nhưng không phải ai cũng làm được một bát bún ngan hương vị vừa thanh đạm, vừa đậm đà như thế. Bún ngan đã chinh phục khẩu vị của tôi, một đứa rất ghét ăn ngan, vịt và tôi nghĩ cũng có thể chinh phục bất kì thực khách khó tính nào.
Bún trắng sợi nhỏ, miếng thịt ngan nạc thái lát chéo chan trong nước dùng ninh xương rất ngọt.
Có một món “ăn chơi” đúng nghĩa mà không phải ai đến Hải Phòng cũng biết đó là món giá bể xào. Thoạt đầu nghe tên gọi, tôi liền mường tượng đến những cọng giá đỗ quen thuộc, nhưng cầm bát giá bể trên tay, tôi mới “vỡ lẽ”. Địa chỉ duy nhất quanh thành phố có món giá bể là số 327 Tô Hiệu, chỉ bán từ khoảng 2 giờ đến 5 giờ chiều. Quán nhỏ chỉ bày 2, 3 bộ bàn ghế nhưng rất sạch sẽ. Một bát giá bể cỡ bát ăn cơm để nhâm nhi giữa chiều đông xâm xẩm quả thực thi vị. Tên gọi của món ăn bắt nguồn từ tên gọi của con giá bể - nguyên liệu chính để chế biến món ăn. Giá bể có thân hình thon dài, hai mảnh vỏ chắp lại ôm lấy mình ở giữa tựa như con hến, con trai. Nhưng điều đặc biệt của loài hải sản này là ở hai chân của nó. Đôi chân dài, trắng giống như mầm giá nên nó mới có tên là giá bể. Món ăn sẽ không chỉ làm bạn tò mò về tên gọi mà hương vị của nó cũng gợi lên rất nhiều điều.
Món lạ đất cảng: Giá bể xào.
Giá bể được làm sạch, tách chân ra khỏi mình rồi sau đó tất cả được nấu cùng bột năng pha tỏi ớt, đường, bột nghệ làm nên một thứ dẻo quẹo như bột trẻ em, màu vàng rất bắt mắt. Giá bể được ăn kèm chút rau mùi tàu thái nhỏ rắc lên trên. Mình giá bể bùi bùi, béo béo và mềm. Chân giá bể giòn, dai lại mang hương vị của cỏ cây hơn là vị của một loài sinh vật. Một bát giá bể xào ăn chơi lúc đi dạo phố thì không còn gì hợp hơn.
Mình con giá bể.
Buổi tối, sau khi đi dạo thong dong dọc quảng trường Nhà hát lớn để khám phá thành phố, thèm chút gì đó ngọt ngào ấm áp, tôi lại lê la ở một quán sủi dìn. Loanh quanh trong thành phố, không khó để bắt gặp một quán sủi dìn. Theo những người bản địa, sủi dìn ở Hải Phòng chất lượng đều như nhau nên bạn không cần phân vân khi quyết định lựa chọn một địa điểm. Sủi dìn thực chất là “anh em” với bánh trôi tàu ở Hà Nội. Vẫn là những lớp bánh trắng bọc lớp nhân mè đen hoặc đậu xanh, nấu cho chín rồi thả trong bát nước đường đun nóng ngọt thanh thanh, kèm thêm lạc, dừa. Nước đường không quá gắt khiến miếng bánh dễ ăn hơn bánh trôi tàu. Một bát sủi dìn ở đây có tới 6 viên bánh vừa với giá chỉ 15 nghìn đồng. Không phải kẻ “hảo ngọt” thì chắc chắn bạn sẽ không ăn hết một bát.
Sủi dìn - món “anh em” với bánh trôi tàu ở Hà Nội.
Nếu có nhiều thời gian lưu lại nơi này, mời bạn tiếp tục khám phá kho báu ẩm thực từ hải sản tươi ngon như: bún nem cua bể, cua bể hấp, gỏi cá song, nôm sứa, mực hấp, bào ngư nướng, ốc hương xào sả ớt… Chắc chắn bạn sẽ không thất vọng!
Nộm sứa
Thành phố tấp nập nhưng không quá ồn ào, chật chội, Hải Phòng giống như một cô nàng ẩn giấu đường cong mềm mại của những bờ biển trải dài và tính cách nổi loạn ngầm trong chính thế giới ẩm thực ở đây. Ai đó nói cái hồn của một mảnh đất còn ở ẩm thực trên mảnh đất ấy có lẽ cũng có lý của họ.
Ngọc Demon
(Theo Congluan.vn)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Quá khứ ở sau lưng, hiện tại và tương lai mới là quan trọng, mở lòng và yêu đi