Có lúc tôi sợ mình chết khi làm “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”

Khôi Nguyên 2014-12-18 09:21
- Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm kể sau những bỡ ngỡ ban đầu khi thâm nhập đoàn ca hát Bích Phụng chị dần quen với môi trường và cuộc sống của họ. Nhưng, khi chứng kiến cả đoàn hát vật lộn trong đám cháy chị không giấu được lo sợ, rất có thể mình sẽ chết nếu có gì bất trắc xảy ra.
Sinh năm 1984, đam mê với phim tài liệu trước Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Nguyễn Thị Thắm từng có một số tác phẩm đầu tay được chú ý: “Chào con chào baby”, “Hai ông cháu”, “Xe ôm”… Ấp ủ và thực hiện dự án này suốt 5 năm ròng, gặp muôn vàn khó khăn nhất là về kinh phí Thắm cho hay quyết định làm phim trước hết vì thích, được làm những gì mình muốn làm. Khi phim ra mắt và nhận được nhiều phản hồi tích cực chị mới tạm thở phào nhẹ nhõm vì tất cả những ấp ủ của chị đã thành hiện thực. 

Đạo diễn Nguyễn Thị Thắm

Có tiền đến đâu thì làm đến đó

- Quyết định thực hiện một đề tài khó và khá mạo hiểm như “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” có phải là sự thôi thúc từ quá khứ hay nó xuất phát từ lý do nào đó của hiện tại?
Nếu nói lý do từ quá khứ có lẽ là không đúng bởi khi đó mình còn quá nhỏ. Tôi chỉ nhớ mình từng xem rất nhiều những hội chợ như thế khi ở quê nhưng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm gì liên quan đến nó. Quá khứ chỉ là ký ức mình biết, mình nhớ đến họ chứ không phải là một tiềm thức liên quan chặt chẽ đến các đoàn hội chợ. Tôi nghĩ cái quan trọng nhất chính là hiện tại bởi những tiếp xúc, va đập với những con người như thế mới là thôi thúc lớn. 

- Thực hiện bộ phim trong vòng 5 năm trong đó suốt 13 tháng ghi hình, chị có nhớ hết được bao nhiêu lần phải gián đoạn quá trình thực hiện vì khó khăn về kinh phí?
Bây giờ nếu hỏi, thú thực tôi không thể nhớ hết được vì cứ đến đâu thì làm đến đó. Nếu tính cặn kẽ thì tổng thời gian để thực hiện phim chỉ mất 2 năm, 3 năm còn lại là đi xin kinh phí để thực hiện mặc dù nó không được liên tục. Tôi còn nhớ suốt từ năm 2011 đến 2013, mỗi năm dự án chỉ nhích thêm được một chút và đến đầu năm 2014 công việc mới dứt điểm được. 

- Vậy kinh phí như chị nói, được tài trợ từ những nguồn nào?
Ban đầu khi đi quay cùng đoàn tôi tự bỏ tiền túi ra để làm. Sau đó, tôi nhận được một phần kinh phí từ Varan Việt Nam - quỹ của các nhà làm phim tài liệu độc lập của Việt Nam. Mặc dù số tiền quỹ của nhóm không có nhiều nhưng mỗi tháng họ hỗ trợ tôi một phần để mình có kinh phí thực hiện quá trình quay không bị gián đoạn. Sau này, Viện Geothe và một quỹ làm phim ở Pháp: Atelier Varen, André Van In và Ina-Sylvie Blum… cũng đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong công đoạn làm âm thanh cho bộ phim, in ấn thành băng, đĩa. 
Đặc biệt nhóm làm phim ở Paris, Pháp tất cả mọi người đều hỗ trợ không công. Ai làm được gì đều chung tay giúp đỡ tôi hết mình. Có những người hỗ trợ về phần dịch, có người phụ trách dựng, biên tập... Từ những công đoạn như thế cuối cùng bộ phim đã hoàn thành. Nếu nói có đủ tiền để làm một mạch cho hoàn thành phim là hoàn toàn không có.

- Có khi nào chị tính toán được một con số ước chừng về kinh phí làm phim?
Tôi chắc chắn là không thể rồi.

Nguyễn Thị Thắm (ngoài cùng bên trái) từng giành giải thưởng về phim tài liệu ngắn
- Chị kể 13 tháng gắn liền với đoàn phim để ghi hình, có lúc nào chị cảm thấy sợ hãi nhất?
Sợ hãi ban đầu đó là khi nhập đoàn tôi không biết mình sẽ bắt đầu từ đâu, phải làm như thế nào? Sau khoảng một tháng thì mọi chuyện đã trở nên dễ dàng hơn. Nhưng, nỗi sợ lớn nhất đó là đám cháy ở cuối bộ phim. Phải nói thật lúc đó là sợ chết vì tôi ở trong tình thế vô cùng nguy hiểm. Tôi chỉ sợ nhỡ đâu có chuyện gì xảy ra, mình sẽ chết. 

- Vậy có phải khi nhập đoàn chị mới lên toàn bộ kịch bản mình sẽ quay cái gì, còn trước đó hoàn toàn là không?
Trước khi tiến hành quay tôi đã có một thời gian khảo sát, chọn nhân vật cho câu chuyện của mình mà trung tâm là chị Bích Phụng và chị Hằng. Tôi cũng lên ý tưởng mình sẽ quay hoạt động ăn uống, sinh hoạt, di chuyển, biểu diễn của họ. Tuy nhiên, tôi chưa hình dung hết là nó sẽ được diễn ra như thế nào? Sau này, trong quá trình vừa quay mình vừa khám phá.

Nhờ bộ phim tôi thấy mình vị tha hơn

- Khi phim đã hoàn thành chị làm như thế nào để đưa nó đi quốc tế?
Bộ phim này được thực hiện bởi Varan Việt Nam, Atelier Varen, André Van In và Ina-Sylvie Blum của Pháp. Bởi vậy việc phim được tham dự các Liên hoan phim ở khu vực châu  u do Atelier Varen đứng ra thực hiện. Trong khi đó, với các Liên hoan phim ở châu Á, Đông Nam Á sau khi phim tạo được những hiệu ứng nhất định, đơn vị tổ chức thường viết email để mời mình nên giai đoạn sau mọi chuyện dễ dàng hơn phần nào. Một số trường hợp khi mình biết thông tin sẽ tự gửi hồ sơ tham dự.

- Chị chia sẻ khi tiếp xúc và thực hiện dự án này không có bất kỳ sự kỳ thị nào với những con người trong các đoàn hát. Vậy, bản thân chị nhận thấy mình có sự thay đổi nào đó trong suy nghĩ hay nhận thức?
Với tất cả các chị, tôi thấy mình vẫn như thế. Nhưng, khi đối diện với tất cả những gì đã trải qua tôi thấy mình thực sự nhỏ bé. Nhờ quá trình đó mà tôi thấy mình được trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn. Tôi cũng có cảm giác mình sống vị tha và biết nghĩ cho người khác nhiều hơn cho bản thân mình. 

- Có điều gì chị nuối tiếc mà chưa thực hiện hoặc làm chưa tới trong dự án này?
Đối với tôi phim độc lập là phim cá nhân và nó thể hiện con người của mình tại một thời điểm nào đó. Bây giờ khi nhìn lại tôi thấy được Thắm của ngày đó. Ít khi nào tôi có sự so sánh Thắm của ngày đó và bây giờ nó như thế nào. Điều quan trọng nhất là mình nhìn thấy đó chính là con người mình và không có gì phải hối tiếc.

Nguyễn Thị Thắm xác định phim tài liệu là con đường sự nghiệp của mình

- Xác định con đường này chắc chắn là khó và rất dài với một nhà làm phim trẻ như chị?
Tôi rất sợ nói ra những điều gì đó to tát bởi khi thực hiện dự án này tôi chỉ nghĩ đó là cái mình thích và nó thực sự có ý nghĩa. Tôi cảm thấy mình được làm một công việc mang đến cho mình cảm giác dễ chịu. Tôi không dám nói rằng sản phẩm của mình sẽ đóng góp gì đó cho nền điện ảnh Việt Nam hoặc nó là bước ngoặt cho sự nghiệp của mình.

- Tiếp xúc với nhiều nhà làm phim độc lập ở nước ngoài, chị thấy những người làm nghề như mình thiệt thòi như thế nào?
Theo tôi có hai thành phần vô cùng quan trọng trong một bộ phim tài liệu đó là nhà sản xuất và dựng phim. Ở Việt Nam cả hai yếu tố đó đều thiếu và yếu. Nhà sản xuất sẽ là người đứng ra lo kinh phí, giúp bạn bảo vệ dự án trong khi người dựng phim sẽ cùng bạn đưa ra bản phim cuối cùng. Riêng tôi quan niệm với phim tài liệu dựng còn quan trọng hơn quay. 
Riêng về mặt kinh phí ở nước ngoài họ có nhiều quỹ dành cho các bộ phim độc lập trong khi ở Việt Nam thì chưa. Tôi chỉ đơn cử như ở Pháp thông thường tiền bán vé sẽ được trích ra một phần nào đó để dành cho các quỹ, giúp các nhà làm phim độc lập. 

- Sau “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng”, chị đã có kế hoạch gì cho dự án tiếp theo?
Về mặt cá nhân, tôi cùng Varan Việt Nam trong thời gian tới sẽ tổ chức một số khóa học dành cho những bạn yêu thích thể loại phim tài liệu. Hiện tại, chúng tôi đang xin tài trợ kinh phí và nó sẽ được thực hiện trong năm 2015.
Tôi cũng hy vọng sau dự án này khi mình ít nhiều nhận được nhiều sự chú ý thì những bộ phim tiếp theo mình sẽ đỡ khổ hơn về mặt kinh phí. 

Cảm ơn chị về những chia sẻ!
 
Khôi Nguyên
(Theo Congluan.vn)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Con gái thời nay: Ngoài miệng thì than ế nhưng trong lòng thì ngại yêu