Cầu vồng không sắc: một MV ca nhạc trên màn ảnh rộng

LÊ PHAN 2015-03-20 04:14
- Cũ, gượng và thiếu tình tiết khiến “Cầu vồng không sắc” – bộ phim tiếp nối về đề tài đồng tính khiến người xem có cảm giác như một MV đèm đẹp được kéo dài và chuyển lên màn ảnh rộng.
“Cầu vồng không sắc” xoay quanh bi kịch của một gia đình tại Đà Lạt. Hùng (Vũ Văn Việt) được gia đình ông Thanh (Tùng Yuki), bà Yến (Kim Khánh) cưu mang từ nhỏ, sau khi cha mẹ của cậu qua đời trong một tai nạn. Cùng với hai người con của ông Thanh, Hoàng (MC Thanh Tú) và Lan (Việt My), Hùng có một tuổi thơ yên bình. Ngay từ nhỏ, Hoàng đã nhanh chóng nhận ra sự khác biệt của cơ thể mình và dành tình yêu cho người anh nuôi. Nếu như Hoàng mạnh dạn thể hiện tình yêu đó thì Hùng cố ẩn giấu điều đó vào trong. Ông Thanh trong một lần tình cờ, đã nhanh chóng nhận ra tình cảm “bất thường” của hai người con ông rất mực thương yêu. Nhưng ông không cấm cản và còn rất mực ủng hộ. Hùng và Hoàng như đôi chim tung tăng bên nhau. Sóng gió chỉ thực sự nổi lên trong lần cả hai theo gia đình xuống Sài Gòn, tham gia vào bar Cầu vồng, vốn dành cho các LGBT và bị bà Yến phát hiện. Không chịu nỗi cú sốc đứa con trai duy nhất, đặt nhiều kỳ vọng là người đồng tính, bà Yến miệt thị và đuổi Hùng đi. Trong cơn tức giận, bà Yến bắt Hùng mặc chiếc áo ngủ ra khỏi nhà, Hoàng chạy theo. Để cứu Hoàng, Hùng bị xe tông. Trước cái chết của người yêu, Hoàng phát điên và ngã xuống suối.

Cặp đôi Hùng – Hoàng và những tháng ngày hạnh phúc.

Vũ Văn Việt vào vai Hùng – hết lòng yêu thương và hy sinh vì Hoàng.

Hoàng hóa điên sau cái chết của Hùng.
Theo chia sẻ từ phía nhà sản xuất, họ thực hiện bộ phim này với thông điệp “đồng tính không phải là bệnh”. Trong buổi ra mắt, biểu ngữ này cũng đã được giăng cao. Tuy nhiên, với từng ấy chất liệu, và cảnh quay cặp đôi tung tăng, dễ dàng nhận thấy đạo diễn Nguyễn Quang Tuyến đang ôm ấp giấc mộng thực hiện một bộ phim lãng mạn theo mô tuýp Hàn Quốc. Nghĩa là, có tình yêu, một trong hai nhân vật chính chết. Phim chọn điểm dừng rất nhỏ trong phạm vi một gia đình và dường như đạo diễn cũng không muốn nhân vật của mình bước ra khỏi ranh giới ấy. Tuy nhiên, do vắng tình tiết trầm trọng, phim khiến người xem xoay mòng mòng trong mớ cảm xúc bị dẫn dắt rối tinh rối mù mà đáng lẽ ra không đến mức như vậy. Một bà mẹ lúc nào cũng “nổi giận”, cũng tất bật mà không hiểu tại sao khiến vai diễn của Kim Khánh gồng một cách đáng thương. Một Hoàng ngây thơ nhưng cũng vô cùng ích kỷ (không phải trong tình yêu), lúc nào cũng bắt Hùng theo hát với mình, trong khi Hùng mê vẽ. Một Hùng có tâm lý nhu nhược khi dễ dàng chiều lòng cậu em, đồng thời là người yêu và có vẻ gượng ép trước mối quan hệ với Hoàng. Đoạn Hùng và Hoàng ngã xuống hồ, tôi tự hỏi, không biết Hùng có thực sự là một người đồng tính không hay chỉ vì sự ép buộc và tình thương dành cho Hoàng mà gật đầu.

Phim có góc quay rộng cực đẹp.
Thoại phim dẫu cố chèn vào nhiều câu triết lý nhưng vẫn hẫng, có những chỗ cực thừa, lại có chỗ cực thiếu. Điển hình, đoạn Hùng vẽ cầu vồng, máy quay đặc tả, Hoàng lại hỏi, anh vẽ cái gì vậy? Đoạn bà Yến đối thoại với Hùng và Hoàng trên ban công sau khi biết chuyện, lại thiếu cái gì đó sâu thẳm trong nội tâm của người làm mẹ. Vì thiếu thoại nên Kim Khánh trong đoạn này gồng bất lực. Và cũng vì thiếu tình tiết trầm trọng nên phim, trong rất nhiều phân đoạn chuyển từ đặc tả sang kéo nhây cảm xúc của nhân vật. (Đoạn Hùng nằm mơ, đoạn bà Yến nổi giận, đoạn Hoàng hóa điên chạy lang thang trên triền dốc.) Chưa kể, có những cảnh quay cực thô, khoe thân vô tội vạ. Điển hình nhất là cảnh Hùng và Hoàng tắm chung.
Cách dẫn dắt để cả nhà biết Hùng và Hoàng là người đồng tính tại bar Cầu vồng thiếu tinh tế vô cùng. Bởi trước đó, ông Thanh đã biết tình cảm của hai cậu con trai rồi. Câu hỏi đặt ra ở đây là, có nhất thiết phải dẫn cả gia đình vào chung một chỗ, trong tình huống như vậy để biết được nổi đau giấu kín của Hùng và Hoàng không? Hơn nữa, sau khi chuyện vỡ lở, nhân vật ông bà gần như “bốc hơi”.

Kim Khánh và Tùng Yuki – hai gương mặt quen thuộc của phim ảnh.

Thu Trang dù vào vai rất nhỏ nhưng cực duyên.
Khai thác đề tài đồng tính từ lâu đã không còn mới với các nhà làm phim Việt, cũng như nhiều bộ phim trên thế giới. Tôi nghĩ rằng, ở thời điểm hiện tại, với thông điệp “đồng tính không phải là bệnh” như phim đưa ra có lẽ đã quá cũ. Cái người ta cần và muốn xem lúc này, là người đồng tính phải bươn chải, đối mặt với cuộc sống, với sự kỳ thị quanh họ và vươn lên thế nào trong cuộc sống. Chứ không phải quẩn quanh trong một mối quan hệ sướt mướt như vậy. Tôi đã rất mong, Hùng và Hoàng bước ra cuộc sống, chứng tỏ tình yêu của họ với ba mẹ họ, với người xung quanh. Và, nếu cao tay hơn, biên kịch và đạo diễn đã có thể để Hùng như cách họ dẫn dắt, ngộ nhận bản thân đồng tính vì quá thương cậu em. Thì có lẽ, 90 phút phim sẽ được sử dụng hiệu quả hơn. Tất nhiên, không thể phủ nhận, phim có những cảnh quay bằng flycame tuyệt đẹp. Đà Lạt, với những con đường và thảm hoa hiện lên lung linh. Phần nhạc phim cũng có hiệu ứng rất tốt với khán giả trẻ.
“Cầu vồng không sắc” chưa thể gọi là một bộ phim hay, vì những yếu tố như đã đề cập. Nó gợi cho người xem cảm giác coi một MV ca nhạc hơn. Song, vẫn có thể chấp nhận được bởi MV đẹp!
 
LÊ PHAN
(Theo Congluan.vn)
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Khả Ngân: Từ hot girl vướng nhiều lùm xùm đến diễn viên sáng giá