Blues - giai điệu của những câu chuyện buồn
2014-05-29 13:55
- Thế giới vẫn không ngừng rung động trước những giai điệu da diết của nhạc blues, cùng giọng ca đầy sức mạnh của người nghệ sĩ da đen kể lại những câu chuyện buồn tuyệt đẹp.
Thế giới biết ơn những người da đen vì họ đã mang đến món quà của Thượng Đế. Âm nhạc của họ vừa da diết vừa đầy sức mạnh, vừa đơn giản vừa phong phú. Họ vừa lao động vừa ca hát, nhảy múa ngợi ca tình yêu và cuộc sống. Blues, Jazz, Soul, R'n'B... âm nhạc của người da đen là cái nôi của những dòng nhạc về sau, góp phần làm mờ ranh giới lãnh thổ và màu da, làm dày thêm lịch sử âm nhạc, văn hóa thế giới và mang đến những cảm xúc cho cuộc sống.
Blues là dòng nhạc xuất hiện gần như sớm nhất trong cộng đồng người da đen sống tại Mỹ. Đơn giản, trữ tình, thi vị, nhiều khoái cảm, có khi là hài hước và châm biếm, blues là tấm gương phản chiếu những tính cách đặc trưng và quan điểm của những người Mỹ-Phi trong ba phần tư của thế kỷ trước. Không một cá nhân nào được công nhận là đã sáng tạo ra blues. Tuy nhiên, rất nhiều nghệ sĩ từng tự nhận là người đã khám phá ra dòng nhạc này. W.C. Handy tự phong mình là "Cha đẻ của nhạc blues", ông nhấn mạnh rằng blues đã tìm đến ông vào năm 1903 qua một nghệ sĩ lưu động đang biểu diễn guitar trên con phố cạnh nhà ga ở Tutwiler, Mississippi. W.C. Handy cũng là một trong những nghệ sĩ ảnh hưởng nhiều nhất đến nhạc sĩ Mỹ cho đến tận bây giờ.
W.C. Handy (1873-1958), nghệ sĩ tự phong là "Cha đẻ của nhạc blues"
Lịch sử nhạc blues tôn vinh rất nhiều tên tuổi tiên phong từ thời kỳ đầu những năm 1920. Charlie Patton, âm nhạc của ông còn pha trộn âm hưởng của country và gospel, tuy không tự xưng nhưng được nhiều người nhận định là "Cha đẻ của nhạc blues". Robert Johnson - nghệ sĩ hát rong đã "bán cả linh hồn mình trên các ngã tư phố" và trở thành huyền thoại sau khi chết ở tuổi 27. "Thánh" Eric Clapton gọi Johnson là "ca sĩ blues quan trọng nhất từ trước đến nay". Ngoài ra là những tên tuổi nghệ sĩ khác: Son House, Blind Lemon Jefferson, Leadbelly, Muddy Waters... B.B. King, nghệ sĩ blues của Mississippi được tôn vinh nhạc sĩ blues có ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại, và người ta gọi ông là "Ông vua nhạc blues".
"Cha đẻ của nhạc blues", Charlie Patton (1887-1934)
Huyền thoại nhạc blues, Robert Johnson
"Ông vua nhạc blues", B.B.King (sinh năm 1925)
Tên gọi "blues"
"Blues đơn giản là khi một người tốt đang cảm thấy thật tệ". Thuật ngữ "blues" là cách viết ngắn gọn cho cụm "blue devils" - "những tên quỷ buồn bã", mang nghĩa là u sầu và buồn bã, xuất hiện lần đầu trong tên tác phẩm Blue Devils (1798) của George Colman. Tên gọi blues có lẽ đã được người Mỹ gốc Phi sử dụng từ rất lâu trước đó. Thế nhưng, từ "blues" lại chính thức được biết đến trước trong tên và lời bài hát của những nghệ sĩ da trắng. Đầu tiên là vào năm 1908, trong ca khúc "I Got the Blues" của Antonio Maggio. Tiếp đó là vào năm 1912 trong ca khúc "Dallas Blues" của Hart Wand, đồng thời được ghi dấu bản quyền là sáng tác blues đầu tiên. Trong ca khúc này, Wand miêu tả "blues" là một tâm trạng chán chường và phiền muộn. Cùng năm đó, W. C. Handy, nghệ sĩ tự phong là "Cha đẻ của nhạc blues" cho ra mắt ca khúc "The Memphis Blues". Và mãi đến năm 1920 mới xuất hiện trong ca khúc của một nghệ sĩ da đen Mỹ gốc Phi, "Crazy Blues", được sáng tác bởi Perry Bradford với sự trình bày của Mamie Smith.
Bản ghi âm ca khúc "The Memphis Blues", W. C. Handy, 1912
Bản ghi âm ca khúc "Crazy Blues", Mamie Smith, 1920
Nguồn gốc phong cách nhạc blues
Thời kỳ đầu, cách thức biểu diễn call-and-response (gọi-và đáp) được coi là hình thức tiền thân của âm nhạc dạng blues, đó là phong cách biểu diễn rất hữu dụng mà không cần có đệm hay hòa âm và không bị giới hạn bởi bất cứ cấu trúc nhạc riêng biệt nào. Blues là một dạng tiến hóa từ cách hát không cần đệm và văn hóa truyền miệng của những nô lệ được chuyển đến Mỹ Tây Phi trở nên phong phú trong phong cách biểu diễn, và cũng từ đó sinh ra nhiều nhánh nhỏ. Tuy nhiên, ảnh hưởng từ những nghệ sĩ biểu diễn hát, kể chuyện hoặc ngâm thơ (griot) ở Tây Phi lại rất mong manh. Blues chỉ đơn thuần ứng dụng cách đối đáp call-and-response và kế thừa từ cấu trúc hòa âm của nhạc châu Âu. Từ đó trở thành một hình thức biểu diễn giao tiếp qua lại giữa giọng hát và tiếng guitar.
Blues cũng vay mượn một yếu tố nhạc khí và đệm hòa âm từ những gánh hát rong (minstrel shows) của người Ethiopia và nhạc tôn giáo (spiritual) của những người Phi châu bị biến thành nô lệ sống ở Mỹ.
Nhạc blues những ngày mới ra đời
Nhạc blues xuất hiện trước khi mang tên gọi này chừng vài chục năm, có thể trong khoảng năm 1890. Cũng như các dòng nhạc khác của người da đen ra đời trong thời kỳ nạn phân biệt chủng tộc rất gay gắt ở Mỹ, có rất ít tài liệu về nguồn gốc ra đời và nhạc blues những ngày đầu. Nền âm nhạc của người Mỹ gốc Phi lại phát sinh từ tầng lớp lao động, mà vốn người da đen thời kỳ đó đa phần không được học hành và không biết chữ. Bởi thế tài liệu về âm nhạc của họ càng hiếm có.
Tầng lớp lao động và nô lệ da đen ở Mỹ là những người sinh ra blues
"Blind" Blake (1896-1934), ca sĩ và guitarist nhạc ragtime thời kỳ trước khi blues chính thức ra đời
Nguyên nhân blues xuất hiện trong xã hội là điều không ai dám chắc. Nhạc blues bắt đầu được trình diễn vào thời kỳ có nhiều thay đổi trong xã hội Mỹ về vấn đề nô lệ. Đó là vào khoảng những năm 1870-1990, sau khi tổng thống Abraham Lincoln ban hành lệnh giải phóng nô lệ vào ngày 01/01/1863, và tiếp đến là sự ra đời của những "juke joint" - nơi tập trung ca hát, chơi bài, uống rượu của người da đen. Đầu những năm 1900 là mốc đánh dấu sự chuyển biến blues từ hình thức biểu diễn trong một nhóm nhỏ thành một hình thức riêng biệt hơn, bằng sự gia tăng số lượng người có ý thức học nhạc.
Juke joint của những người da đen
Nghệ sĩ blues biểu diễn trên phố
Vào thuở ban đầu ấy, âm nhạc chỉ được biết đến trong cộng đồng khai sinh ra nó. Khoảng những năm đầu thế kỷ 20 là một giai đoạn lịch sử đáng nhớ. Ghi âm, đài phát thanh sau đó là làm phim và video phát triển mang âm nhạc của người da đen đến với thế giới. Tuy nhiên, âm nhạc của người Mỹ-Phi, cụ thể là blues và ngay sau đó là jazz, mang đậm văn hóa và đặc trưng của người da đen. Bởi thế mà blues và jazz thời kỳ này được phân chia thành "race music" - hiểu nôm na là "nhạc chủng tộc". Người da trắng ban đầu cảm thấy bị xúc phạm và xấu hổ khi nghe nhạc của người da đen bởi ca từ có phần tục tĩu và điệu nhảy thiếu đứng đắn. Chủ đề tình dục được nhắc đến thường xuyên và lời lẽ thì thô thiển. Với sự xuất hiện của "hillbilly music" và hình thành nên nhạc country của người da trắng sau đó, thị trường âm nhạc chia ra làm hai mảng riêng biệt: nhạc của người da đen bán cho người da đen, nhạc của người da trắng bán cho người da trắng. Mặc dù khi đó chưa có sự phân chia rõ ràng về đặc tính âm nhạc giữa blues và country, ngoài sự khác nhau về chủng tộc và người biểu diễn.
Son House (1902-1988), ca sĩ, guitarist nhạc Delta blues và pha trộn thêm yếu tố country
Blues lớn lên tại Mississippi Delta, xuôi theo sông Mississippi là đến với New Orleans, quê hương của jazz. Blues và jazz sinh ra cùng thời và luôn ảnh hưởng lẫn nhau cho đến tận ngày nay. Tuy nhiên, khác với jazz, blues không có bước tiến mở rộng sức ảnh hưởng nào đáng kể khi di chuyển từ miền Nam đến miền Tây, cho đến tận những năm 1930s-1940s. Delta blues có phong cách du dương, sử dụng acoustic guitar, nhấn mạnh vào giai điệu. Đến khi vượt khỏi vùng lãnh thổ sông Mississippi để đến với thành thị, Delta blues được pha trộn thêm yếu tố điện tử, hình thành nên Chicago blues. Trong hành trình di chuyển đến các vùng khác nhau, nhạc blues khởi nguồn từ Delta đã sinh ra nhiều phong cách blues khác nhau, rất nhiều trong số đó là dạng lai jazz-blues. Blues cũng là được ghi nhận là sinh ra dòng nhạc rock'n'roll vào giữa thế kỷ 20.
Lead Belly (1888-1949), nghệ sỹ Delta blues tiêu biểu thời kỳ đầu
Hình ảnh điển hình của Chiacago blues thời kỳ 1920s-1960s, trong đó ca sĩ đồng thời là người thổi kèn harmonica
Henry "Son" Sims (1890-1958), nhạc sỹ delta blues, người chơi đàn fiddle và Muddy Waters (1913-1983), "Cha đẻ của nhạc Chicago blues hiện đại"
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Cách phối đồ 'xịn đét' với áo sơ mi oversize cho nàng tham khảo