Ước mơ đôi mắt sáng của ông cụ mưu sinh trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Thành Đạt 2015-06-01 07:24
- Lặng lẽ từ sáng sớm đến chiều tối, ông miệt mài vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè để kiếm từng đồng tiền cho cuộc sống mưu sinh giữa thành phố.

Mưu sinh giữa dòng kênh

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè dài 8,7 km chảy qua các quận Tân Bình, 3, Phú Nhuận, Bình Thạnh. Đây từng là con kênh ô nhiễm nặng trước khi được chính quyền thành phố cải tạo và khánh thành vào tháng 8/2012.

Giờ đây, con kênh trở nên sạch đẹp và là nơi mưu sinh của một người đàn ông hàng ngày lênh đênh trên dòng nước kiếm tiền từ rác thải. Chúng tôi gặp ông Phan Văn Tấm (SN 1955, ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) giữa một buổi trưa nắng như đổ lửa. Vẫn miệt mài công việc, ông chèo chiếc xuồng ba lá của mình qua từng ngóc nghách của con kênh để kiếm từng chai nhựa bỏ đi và những thứ bán được rồi nhặt về.

Người đàn ông mưu sinh trên dòng nước của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè
Ông Tấm với những dòng tâm sự của mình.

Nghỉ trưa, ông bước lên bờ rồi ngồi nghỉ giữa hai hàng cây xanh ven kênh. Những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt và ướt đẫm cả chiếc áo dài tay cũ kỹ. Thấy chúng tôi, ông nở nụ cười rồi tâm sự về công cuộc mưu sinh của mình trên dòng kênh hôi thối một thời này.

Ông cho biết, mình bắt đầu hành nghề lượm ve chai trên kênh từ năm 2009. Mới đầu ông chỉ nghỉ đây là công việc tạm thời. Nhưng vì không kiếm được việc khác nên vẫn tiếp tục với công việc này đến tận bay giờ.

 “Không ngờ thời gian thấm thoát trôi qua nhanh quá. Hàng ngày chú bắt đầu công việc từ lúc 6h sáng, rồi kết thúc công việc từ 15h đến 17h chiều hàng ngày. Cũng có khi là tới tối khuya nếu hôm ấy nhặt được ít.”, ông Tấm nói.

Lao động vất vả giữa trời nóng là thế, nhưng hàng ngày ông chỉ ăn hai ổ bánh mì. Rồi cần mẫn làm việc cho tới khuya nếu như ngày hôm ấy không vớt được nhiều. Đến tối, khi về nhà ông mới được bữa cơm ấm áp cùng với gia đình của người chị gái. “Một ngày làm việc chú kiếm được 50 đến 100 nghìn đồng. Không vợ, không con chừng ấy với chú cũng đủ sống qua ngày. Nhưng những lúc mưa gió thì đành phải nghỉ ở nhà, thì ngày đó như không có đồng nào”. Ông tâm sự.

Cũng như bao người, ngày mới đi làm ông thấy mọi thứ đều bỡ ngỡ và có chút ái ngại. Đồng thời, nhiều người cũng tỏ ra lạ lẫm rồi hỏi chuyện về mình. Nhưng sau nhiều năm làm việc, sự hiện diện của ông được mọi  người dần quen. “Ngày  mới đi làm, nhiều người thấy lạ nên hay nhìn chú. Nhưng sau một thời gian, mọi người luôn động viên và rất ủng hộ công việc của mình. Vì họ nói, nhờ mình mà rác trên kênh bớt đi phần nào”, ông vui vẻ tâm sự.

Qua lời kể, chúng tôi được biết vào những năm 80 ông đã từng làm nghề bán dép dạo. Ngày ấy, tuy cuộc sống mọi người còn khó khăn nhưng công việc bán dép dạo cũng đủ nuôi sống ông và gia đình. Nhưng sau nhiều năm, nghề bán dép dần bị mai một đi vì người dùng kén chọn hơn và buôn bán không còn có lời như trước nữa.

Rồi những biến cố trong gia đình xảy ra, ông và người vợ đành chia tay. Lúc này, khi thấy kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hoàn thành lại có nhiều rác vứt xuống nên ông quyết định đi hành nghề vớt rác giữa dòng nước trong sạch mới này.

Chỉ muốn sức khỏe

Ở cái tuổi 60, đối với nhiều người chắc đã được hưởng niềm vui bên con cháu. Thế nhưng, ông vẫn một mình và lặng lẽ với cuộc sống. Nhưng sau nhiều năm mưu sinh giữa dòng kênh, đôi mắt của ông đã không con thấy rõ nữa khi cái tuổi già đang gõ cửa ông từng ngày.

“Giờ già rồi, mắt không còn tỏ như ngày trước nữa. Hiện tại, một con mắt của chú đang bị cườm. Ban ngày thì thấy còn rõ, nhưng khi tới đêm thì phải lại gần mới thấy được. Hàng ngày, mỗi lần lao động chú lại phải đeo kính để tránh dị vật bay vào mắt “, ông nói.

Hàng ngày ông Tấm lênh đênh trên mặt nước để mưu sinh kiếm sống qua ngày.

Ông cho biết thêm, giờ chỉ mong được một tổ chức từ thiện nào đó mổ giúp con mắt cho mình và sức khỏe luôn dồi dào để tự kiếm sống nuôi thân để không làm phiền đến gia đình của mình. Khi được hỏi ông có ước mơ gì không, thì ông chỉ vội cười và nói: “Giờ còn ước mơ gì nữa hả em, ở cái tuổi này chú chẳng có gì để phải ước mơ cả”.

Sau những dòng tâm sự, ông lại vội chào tạm biệt chúng tôi để tiếp tục công việc của mình. Xuống chiếc ghe nhỏ của mình, ông lại tung mái chèo xuôi theo dòng nước rồi len vào từng khúc kênh. Khi màn đêm buông xuống, dòng người đang vui chơi thì ông vẫn lạc lõng giữa dòng nước của trốn đô hội thành phố với bao nỗi vất vả trong cuộc sống.

Thành Đạt
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Một số điều con gái không bao giờ nói ra