Tâm sự của người thầm lặng giúp đỡ người nghèo
2015-12-22 09:12
- Là một thiếu tá quân đội, sau khi về hưu, ông tình nguyện mở phòng khám “tại gia” để chữa bệnh, bấm huyệt miễn phí cho hàng chục nghìn lượt bệnh nhân trên khắp mọi miền đất nước…
Tin liên quan
Từ chiến sỹ đặc công xuất sắc…
Tìm về làng Khương Mỹ (xã Tam Xuân 1, Núi Thành, Quảng Nam) để gặp thiếu tá Đoàn Tất Thắng (SN 1927) vào một ngày đông lạnh lẽo, ấn tượng đầu tiên của tôi về lão chiến sỹ U90 này là dáng người rắn rỏi cùng gương mặt phúc hậu và dễ gần đến lạ kỳ.
Dù đến nhà ông từ lúc sáng sớm, nhưng vì bệnh nhân quá đông nên phải đợi đến trưa ông Thắng mới có thời gian dành cho chúng tôi. Rót ly nước trà nóng mời khách rồi ông Thắng bắt đầu tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở miền Trung, năm 1948, khi vừa tròn 21 tuổi ông lên đường bảo vệ tổ quốc, trong suốt hơn 36 năm trong quân đội, ông đã tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và đi tình nguyện ở Campuchia.
Với những nỗ lực cống hiến cho đất nước, ông vinh dự được bầu là chiến sỹ thi đua xuất sắc của trung đoàn 94, sư 307, quân khu V ra Hà Nội để gặp Bác Hồ và được bắt tay, trò chuyện trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thiếu tá quân đội Đoàn Tất Thắng
Từng chinh chiến trên khắp các chiến trường từ Bắc vào Nam, năm 1984 về hưu với quân hàm thiếu tá, mất 41% sức lao động. Con cháu khuyên ông nên nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già nhưng với đức tính của một anh bộ đội cụ Hồ và trên hết là nhớ lời dặn của Đại tướng nên ông vẫn làm việc.
“Vinh dự lớn nhất cuộc đời tui là được gặp Bác Hồ và Đại Tướng, được anh Văn bắt tay động viên và căn dặn: Sau này dù đất nước hòa bình, người bộ đội cụ Hồ vẫn luôn là đầy tớ trung thành của nhân dân. Phải biết chăm lo cho cuộc sống của người dân, như vậy mới xứng đáng là một chiến sỹ cách mạng”, ông Thắng chia sẻ.
Có lẽ chính vì vậy mà ngay sau ngày về hưu, chứng kiến người dân quê mình làm nông cực khổ, thường hay bị nhức mỏi cơ khớp, chạy chữa tốn kém nhiều mà có khi bệnh vẫn không hết.
Vốn là con nhà võ, lại đi lính đặc công nên trong quá trình chiến đấu, ông đã học được các thao tác bấm huyệt, xoa bóp giải mỏi của các bác sỹ quân y cộng với kinh nghiệm từ các bài thuốc tích lũy được từ dân gian, ông đã chữa bệnh cho người nghèo trong chính ngôi nhà giản dị của mình.
Kể từ đó ngôi nhà nhỏ của ông trở thành địa chỉ chữa bệnh đáng tin cậy của bà con làng xóm mỗi khi ốm đau, bệnh tật với “lệ phí” chỉ là chai rượu gạo, một ít rau xanh, một bữa cơm đạm bạc hay đôi khi chỉ cần lời cảm ơn chân thành.
Ông Thắng đang bấm huyệt chữa bệnh miễn phí cho một bệnh nhân
Hồi tưởng lại những tháng ngày cùng chiến đấu bên đồng đội ông kể: “Hồi đó anh em chúng tui hành quân cả ngày trời mỏi mệt, trong người ai nấy đều đau nhức, ê ẩm hết… Cũng may lúc đó tui biết bấm huyệt và xoa bóp nên đã giúp các đồng đội mình, sau đó dạy cho từng người để tự làm cho nhau. Nhờ vậy mà cả tiểu đội không còn thấy mỏi mệt sau những ngày dài hành quân nữa”.
…đến thầy thuốc của lòng dân
Về hưu hơn 30 năm cũng là chừng đó thời gian ông Thắng chữa bệnh không lấy một đồng tiền cắc bạc nào của người dân. Tiếng đồn về khả năng chữa bệnh của người cựu chiến binh già ngày càng được nhiều người biết đến. Bây giờ ngày nào cũng có hàng chục bệnh nhân từ khắp mọi miền đất nước tìm đến ông để được bấm huyệt, chữa bệnh miễn phí.
Nhìn những thao tác bắt mạch, xoa bóp, bấm huyệt hết sức thành thục, nhanh nhẹn của ông thì người bệnh có thể hoàn toàn yên tâm vào tài năng của vị “thầy thuốc làng” này.
Chị Nguyễn Thị Thu (29 tuổi, trú xã Tam Anh Bắc, Núi Thành, Quảng Nam) chia sẻ: “Tôi bị bệnh mất ngủ, cộng với công việc thường xuyên chịu áp lực, căng thẳng nên nhiều lúc đầu óc đau ê ẩm hết. Dù chạy chữa khắp nơi nhưng cũng không khỏi. Được một người bạn giới thiệu, mấy hôm nay tôi đến nhờ thầy Thắng bấm huyệt giúp nên giờ đỡ hẳn rồi. Thầy không lấy tiền, mà còn dạy cho mình cách chăm sóc sức khỏe nữa”.
Hơn 30 năm nay, ông Thắng đã chữa bệnh miễn phí cho hàng chục nghìn bệnh nhân trên khắp mọi miền đất nước
Thông thường, bệnh nhân sẽ tự tìm đến ông, nhưng khi họ không có điều kiện để đến, ông sẽ tìm tới tận nhà để chữa trị giúp họ mà không hề than vãn hay đòi hỏi một đồng tiền công nào. Cứ thế chiếc xe đạp cà tàng của ông đã lăn qua không biết bao nhiêu vòng trên khắp các con đường làng như một người chỉ mong giúp đỡ cho người dưng mà không hề nghĩ đến một điều gì khác.
Đối với những bệnh nhân ở gần thỉnh thoảng ông lại đến tận nhà để thăm khám và theo dõi bệnh tình của họ một cách tận tình, còn những người bệnh ở xa tới, nếu không về kịp thì ông mời ở lại ăn uống và nghỉ ngơi như người thân trong gia đình.
"Tôi bị đau khớp, cứ mỗi lần trời chuyển là trong người tôi lạ đau nhức kinh khủng, tôi chỉ sống một mình lại không đi xe cộ được nên hàng ngày ông Thắng thường đến tận nhà để bấm huyệt cho tôi. Ông chữa bệnh giúp tôi gần 2 tháng nay rồi mà không chịu lấy tiền, hôm bữa tôi biếu ổng chai rượu gạo tưởng ổng nhận ai ngờ ổng mang về ngâm thuốc rồi hôm sau mang sang lại đưa cho tôi bảo dùng mà bóp chân tay cho đỡ nhức mỏi. Bà con tụi tôi ở đây ai cũng thương, cũng quý ông Thắng hết nứ", chú Nguyễn Hồng thật thà cho biết.
Mỗi lần chữa trị cho một bệnh nhân là ông lại ghi vào sổ đầy đủ tên tuổi, bệnh tình, ngày đến khám và cả số điện thoại của họ để tiện theo dõi. Cho đến bây giờ ông đã ghi được 6 cuốn sổ dày cộm như thế.
Khi tôi hỏi tại sao ông lại làm vậy, ông cười phúc hậu nói: “Tui may mắn hơn các đồng đội vì được trở về với gia đình sau những ngày chiến đấu trong mưa bom, bão đạn nên tui muốn tiếp tục cống hiến một ít công sức nhỏ bé cho quê hương, đất nước”.
Nói đoạn, ông dừng lại nhấp chén trà, cười khà khà và chỉ vào những tấm bằng khen dán đỏ rực trên vách tường rồi nói tiếp: “Tui làm việc có nhà nước biết, có dân thương, như vậy chẳng phải là động lực đáng để tiếp tục cống hiến hay sao”.
Những cuốn sử do chính tay ông Thắng Viết
Ngoài việc chữa bệnh miễn phí cứu người, ông Thắng còn nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội của địa phương. Ông thường xuyên cùng với các đồng đội tổ chức những buổi họp mặt hội cựu chiến binh để ôn lại những kỷ niệm của một thời kháng chiến gian lao nhưng hào hùng và tích cực kêu gọi, vận động các đồng chí có điều kiện kinh tế cùng sẽ chia, giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn trong thôn xóm.
Không những thế, niềm vui tuổi già của ông còn là việc chép sử. Mỗi ngày, ông thường dành ít nhất 3 tiếng đồng hồ cho công việc này. Khoe với tôi cuốn sử thứ 3 mới vừa viết xong, ông bảo đó là tâm huyết của cả cuộc đời, là gia tài lớn nhất mà ông để lại cho con cháu.
Với những đóng góp của mình, ông đã được nhà nước ghi nhận với nhiều huân chương, bằng khen cao quý. Năm nay ông đã gần bước sang cái tuổi “xưa nay hiếm”, con cháu nhiều lần khuyên ông nghỉ ngơi để an dưỡng tuổi già. Nhưng ông nhất quyết không chịu, ông bảo ngày nào còn sức, đầu óc còn minh mẫn thì ông vẫn tiếp tục giúp đỡ cho những người nghèo quê mình.
Bài, ảnh: Thanh Hằng
(Theo Congluan)
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Phụ nữ hãy mạnh mẽ