Sử dụng chả cá tẩm hóa chất có thể gây ngộ độc cấp tính?
Tin liên quan
Triệt phá hàng loạt cơ sở sản xuất chả cá “chui”
Ngày 5-7 vừa qua, các trinh sát thuộc Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (CA quận Thủ Đức) đã phối hợp với Phòng Y tế quận Thủ Đức kiểm tra xe khách 72B-003.79, do ông Lý Minh Hoàng điều khiển lưu thông trên xa lộ Hà Nội (hướng từ Bà Rịa - Vũng Tàu về Sài Gòn).
Tại gầm xe, cơ quan chức năng phát hiện có nhiều thùng xốp, bao tải bốc mùi chứa 1.256kg chả cá đã qua chế biến, 288kg thịt ghẹ làm sẵn bốc mùi hôi nồng nặc. Tại thời điểm kiểm tra, ông Hoàng đã không xuất trình được bất cứ giấy tờ liên quan đến các lô hàng trên.
Kết quả điều tra cũng cho biết, những lô hàng trên là vận chuyển thuê cho 8 chủ hàng từ thị trấn Long Điền, huyện Long Điền (Bà Rịa – Vũng Tàu) về TP HCM sẽ có người ra nhận. Cũng theo lời khai của ông Hoàng thì ông nhận chở thuê chả cá cho những cơ sở trên từ tháng 2-2016 đến nay với giá 1.000 đồng/kg.
Qua xét nghiệm nhanh cho thấy chả cá này dương tính với chất formol. Đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính và lấy 3 mẫu chả cá đi xét nghiệm, kết quả dương tính hàn the và nhiễm vi sinh. Cùng với đó, cơ quan chức năng đã làm việc với ba chủ cơ sở sản xuất chả cá tại huyện Long Điền gồm: Nguyễn Văn Tòng (43 tuổi), Nguyễn Thanh Hoàng (46 tuổi) và Nguyễn Quốc Phương (34 tuổi), thì cả 3 người này cho biết sản xuất chả cá từ nhiều năm nay.
Những người này cũng khai nhận mua nhiều loại cá khác nhau từ các chợ hải sản, sau đó mang về xay nhuyễn hòa với gia vị, ướp chất bảo quản hàn the, formol đưa về TP HCM tiêu thụ. Chả cá thành phẩm được bỏ trong các bịch ni lông (1 - 3 kg/bịch) chất vào thùng xốp, thuê xe chở về TP HCM bán cho ông Lê Văn Hưng tại hẻm 332 Phan Văn Trị (phường 11, quận Bình Thạnh) và ông Phạm Ngọc Tân (khu phố Thuận Đức 2, phường Bình Hòa, huyện Thuận An, Bình Dương).Làm việc với cơ quan chức năng, ông Hưng, ông Tân khai nhận mua chả cá từ huyện Long Điền với giá từ 25.000 - 28.000 đồng/kg về bán lẻ tại các chợ và bỏ mối tại các quán ăn, quán nhậu.
Đây là một trong số những đường dây sản xuất, vận chuyển chả cá được sản xuất theo “công nghệ” hóa chất có quy mô lớn đã được các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian gần đây. Từ lời khai của những đối tượng này khiến cho mọi người rùng mình, đó là việc đường dây này từng hoạt động trong một thời gian khá dài, và hàng tấn chả cá được sản xuất theo công nghệ trên đã được tiêu thụ. Trong khi đó, chính những chủ cơ sở sản xuất đều thừa nhận rằng biết những chất bảo quản này bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm, cũng như tác hại của nó tới sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, do sử dụng nguyên liệu cá kém chất lượng (cá ươn, cá dạt...) nên những chủ cơ sở vẫn cố tình dùng hàn the, formol để làm cho sản phẩm không trương phình, giữ được lâu và khiến cho chả được dai, giòn hơn.
Trước đó, dư luận tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từng xôn xao trước việc sử sụng chất formol, hàn the trong sản xuất thực phẩm trên địa bàn. Thậm chí, chiều 5-5, bà Nguyễn Thị Bạch Ngân, Phó Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu chủ trì buổi họp bàn rút kinh nghiệm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trên địa bàn TP trong 4 tháng đầu năm đã phải thốt lên rằng chưa bao giờ vấn đề về ATVSTP nóng như hiện nay. Đa số mẫu thử hải sản ở Vũng Tàu đều chứa formol, hàn the. Những thực phẩm “ngậm” chất bảo quản này được vận chuyển tới các tỉnh thành tiêu thụ và đầu độc người tiêu dùng.
Nguy cơ ngộ độc cấp tính?
Món chả cá được truyền miệng là đặc sản vì dễ ăn, dễ chế biến, giá lại rẻ… thu hút nhiều người ưa chuộng. Nhưng nếu ăn phải chả cá làm từ nguyên liệu ươn, thối, đang trong quá trình phân hủy… hoặc bảo quản bằng hóa chất để vận chuyển, giữ tươi ngon có thể gây nguy hại đến sức khỏe người sử dụng. Thực tế, việc sử dụng chất bảo quản trong sản xuất chả cá không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, cũng ít người biết được những tác hại của những chất này tới sức khỏe như thế nào? Theo BS Trần Văn Ký (chuyên gia về VSATTP Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam), nếu ta ăn phải loại chả cá làm từ cá ươn và các phụ gia chứa hóa chất có thể gây ra ngộ độc cấp tính như rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, tiêu chảy… Về lâu dài hóa chất ngấm trong cơ thể gây ra các bệnh mãn tính phá hủy vào gan, thận, phổi, thần kinh.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục ATVSTP TP HCM cho biết, hàn the và formol là hai chất không được dùng trong thực phẩm vì rất độc hại cho người sử dụng. Cũng theo bác sĩ Mai, Khi sử dụng hàn the sẽ tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây nên những triệu chứng cấp tính và mạn tính. Với tiêu hóa, nó gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy, với da thì gây ban đỏ dẫn đến tróc vẩy. Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não, thay đổi nhiệt độ cơ thể. Với đường niệu, nó gây hư hại đặc biệt cho thận và toàn thân, gây rối loạn chức năng, yếu ớt, bất lực, rối loạn kinh nguyệt, rụng tóc.
Điều đáng nói, hầu hết những cơ sở sản xuất chả cả sử dụng hàn the đều là loại hàn the công nghiệp lẫn nhiều tạp chất độc hại như asen, chì… Trong khi đó, formol gây hại đường hô hấp, gây dị ứng, những người tiếp xúc với hàm lượng formol cao sẽ có khả năng mắc những bệnh như ung thư mũi, họng và ung thư bạch cầu dạng tủy.
Cách phân biệt được chả cá có hóa chất?
Nhiều người cho rằng, chả cá làm từ cá ươn rất khó phân biệt khi được xử lý bởi các chất phụ gia, chiên ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, việc xác định được chá cả này có “ngậm” chất bảo quản hay không thì lại hoàn toàn không khó.
Thứ nhất, người tiêu dùng có thể tự “sản xuất” ra giấy phát hiện hàn the. Hàn the có tính kiềm nên khi tác dụng với giấy nghệ thì làm giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ. Có thể tự sản xuất giấy nghệ để phát hiện nhanh hàn the. Giã nhỏ nghệ, ngâm trong cồn từ 3 – 4 giờ, sau đó gạn lấy dung dịch nghệ. Tiếp đến ngâm giấy lọc trong dung dịch nghệ khoảng 1 giờ.
Sau đó, vớt ra để se mặt và ngâm tiếp giấy lọc trong dung dịch nghệ khoảng 1- 2 giờ rồi vớt ra phơi khô trong gió. Cắt nhỏ thành từng miếng (1,5 – 2cm) đựng trong hộp kín dùng dần. Muốn thử xem chả cá có hàn the không, có thể lấy miếng giấy nghệ ấn vào bề mặt sản phẩm thử . Sau một phút quan sát, nếu thấy giấy nghệ chuyển từ màu vàng sang đỏ thì kết luận chả cá hàn the.
Cách thứ hai, phân biệt bằng thị giác. Chả cá được gọi là ngon khi cắt ra có màu trắng ngà, bề mặt có nhiều lỗ rỗ, nhìn miếng giò mịn và hơi ươn ướt. Chả cá được làm từ thịt cá phi lê, khi được quếch thì quánh dẻo lại và bọc lớp không khí bên trong nên lúc luộc hoặc hấp giò không khí ấy sẽ nở ra và tìm cách chui ra ngoài tạo ra những lỗ rỗ bên trong miếng chả. Nếu chả cá không có những lỗ rỗ này tức là chả cá đã bị pha lẫn bột và làm bằng thịt không đảm bảo chất lượng.
Cách thứ ba, phân biệt bằng khứu giác. Chả cá ngon là loại có mùi thơm thoang thoảng của thịt cá hòa quyện với mùi của gia vị. Nếu thấy một miếng chả cá có mùi thơm nồng, thơm sực thì nên thận trọng bởi đó là loại chả cá đã được tẩm chất phụ gia hương thịt cá. Mùi vị của chả cá do chất lượng thịt cá phi lê và gia vị tạo nên, nếu thấy miếng chả có mùi ôi, thiu, bị rữa, dính nhớp tay hoặc có triệu chứng của nấm, mốc thì nên bỏ hoặc tiêu hủy ngay lập tức.
Theo PLXH
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất