Sự an toàn cho trẻ ở chung cư: Ban công và mối nguy hiểm tiềm tàng

2015-04-24 22:17
- (Em đẹp) - Khi trẻ ở chung cư, phụ huynh cần phải chú ý ban công đặc biệt là chiều cao, rào bảo vệ để đảm bảo trẻ không thò đầu ra ngoài.

Thời gian qua, một số vụ việc liên tiếp trẻ em ở chung cư cùng gia đình bị ngã xuống đất hoặc chới với trên ban công khiến nhiều người thót tim. Nguyên nhân của tình trạng này chính là do sơ hở của một số phụ huynh, chưa quan tâm đúng mức đến sự an toàn cho trẻ. Đặc điểm của các căn hộ chung cư, khu vực ban công là nơi để phơi quần áo, đứng ngắm cảnh.

Lan can ở ban công được xây cao, nhưng với những trẻ từ 5-6 tuổi trở lên nếu không cẩn thận sẽ có nguy cơ xảy ra tai nạn. Bởi vì, trẻ đã có chiều cao nhất định sẽ cố gắng trèo lên. Mặt khác, tại một số chung cư hiện nay, các lan can không được xây tường gạch mà chỉ là các nan sắt dày nhưng giữa các nan sắt lại có khoảng cách nhất định. Chỉ cần một phút bất cẩn, trẻ có thể chui qua nan sắt và rơi xuống đất.

Điển hình như vụ việc xảy ra ngày 24/4/2015, khi một cháu bé ở tầng 12, tòa chung cư CT3 (Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội) ngồi trên lan can ở ban công khóc tìm bố, mẹ. Khi phát hiện sự việc, những người dân sống trong khu chung cư hết sức hoảng loạn, thậm chí đã phải dùng tấm biển quảng cáo khổ lớn và đặt chăn, nệm lên trên đề phòng cháu bé ngã xuống đất.

Tuy nhiên, rất may, nhiều người đã phá cửa căn hộ trên và lúc đó cháu bé cũng đã đi vào trong nhà. Được biết, vào thời điểm xảy ra sự việc, bố mẹ cháu bé đi vắng khóa cửa để con ở trong nhà. Đây là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người dân có con nhỏ nói chung và đặc biệt là những hộ sống tại chung cư cao tầng.

Hồi tháng 3/2015, một bé trai sống tại khu CT19 - chung cư Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) bị ngã từ tầng 6 xuống đất. Vào thời điểm xảy ra sự việc không có phụ huynh ở nhà. Hàng xóm và bà con trong khu vực đã đưa cháu bé lên Bệnh viện Đức Giang cấp cứu sau đó chuyển lên Bệnh viện Việt Đức.

Hồi tháng 6/2013, một bé gái sống ở chung cư Linh Đàm cũng bị ngã từ tầng 11 xuống đất. Người dân sống trong khu vực hét có người ngã, nhiều người chạy ra nhưng nạn nhân đã tử vong. Bé gái này quê ở Bắc Giang, được bà đưa lên chơi cùng họ hàng ở khu Linh Đàm. Vào thời điểm xảy ra sự việc, bà ngoại đi vắng, cháu bé ngủ dậy không thấy ai ra ban công thì không may bị ngã xuống đất.

Một sự việc đau lòng khác xảy ra vào tháng 12/2012, bé trai 5 tuổi ở nhà một mình khi mẹ đi chợ bị ngã xuống đất tử vong. Sự việc xảy ra sau khi mẹ và bé trai này mới tiễn đưa ông họ qua đời. Trước đó, một số người dân thấy cháu bé chơi ở ban công nguy hiểm định báo với gia đình nhưng chưa kịp thì đã xảy ra vụ việc.

Đề phòng tai nạn xảy ra

Có thể thấy, sự mất an toàn đối với trẻ ở chung cư là điều đáng báo động. Bởi chung cư thường là những khối nhà cao tầng, chỉ một phút sơ sẩy, không có người lớn kèm cặp, trẻ đã nhoài người theo ý thích sẽ bị rơi xuống đất.

Chuyên gia tâm lý Hải Anh cho hay, đối với trẻ nhỏ, đặc biệt trẻ dưới 5 tuổi đang ở trong lứa tuổi thích đùa nghịch, hiếu động và khám phá thế giới xung quanh. Trong khi đó, trẻ chưa ý thức được việc mình làm cũng như sự nguy hiểm khi chơi ở ban công. "Mặt khác, phụ huynh không phải không lo cho sự an toàn của trẻ mà chính họ đôi khi cũng lơ là hoặc bận công việc mà không giám sát trẻ thường xuyên nên có thể xảy ra sự việc đau lòng bất cứ lúc nào", chuyên gia này nói.

Bên cạnh đó, một số phụ huynh dù biết là ban công thấp, có kẽ hở, trẻ hoàn toàn dễ bị rơi xuống song vẫn chủ quan, không lắp đặt thêm thiết bị để rào chắn hoặc mức rào chắn quá lỏng lẻo. Ngoài ra, chưa quan tâm đến dạy cho trẻ từ 4-5 tuổi kỹ năng mềm khi ở nhà một mình.

"Phải nói cho trẻ sự nguy hiểm khi chơi đùa ở ban công, lan can ban công. Không chỉ có nói về ban công mà phải cảnh báo cả ổ cắm điện, sờ tay vào quạt, chạm vào các thiết bị điện nữa. Để trẻ hiểu được sự nguy hiểm, tránh để tình trạng nguy hiểm gặp với trẻ do thiếu hiểu biết", chuyên gia nói.

Khi trẻ ở nhà một mình phải có người lớn giám sát hoặc tắt các thiết bị điện, đóng cửa ban công. Cửa sổ cũng phải có thanh chắn, song sắt, giằng dây thép nếu song sắt thưa.

Anh Đức Tuấn (Kỹ sư cơ khí) đưa ra lời khuyên, với các hộ dân ở chung cư, cần chú ý đo chiều cao ban công để ước lượng chiều cao của trẻ. "Đo như vậy phải tiến hành thường xuyên, bởi trẻ 2-3 tuổi có thể không trèo được nhưng trẻ 5-6 tuổi lại có thể trèo qua dễ dàng. Nếu lan can quá thấp, phụ huynh phải xây cao hơn một chút làm sao để ngoài tầm với của trẻ", anh Tuấn nói.

Cũng theo anh Tuấn, với ban công là sắt có nan thưa nên dùng thép chằng kín làm sao để trẻ không chui lọt đầu ra bên ngoài. Nếu thanh nan sắt không chắc chắn cần gia công với loại sắt chống gỉ, chịu lực tốt. Với những lan can làm bằng kính cần kiểm tra độ cường lực, tránh việc trẻ đập vỡ cũng có thể gây chảy máu, rách tay.

"Sàn ban công là nơi thường để phơi đồ, để các đồ ướt cho nên bạn cần phải lau sạch để trẻ không bị trơn trượt, ngã gây nguy hiểm tính mạng", anh Tuấn nói thêm.

Diệu Quỳnh
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Thực hiện 3 bài tập này sau 2 tuần chân cột đình sẽ thon gọn ngay