Tâm sự của người chăm bồ câu hàng ngày giữa trung tâm Tp.HCM

Anh Thư 2015-04-23 07:33
- (Em đẹp) - Đến nhà thờ Đức Bà, quận 1, TPHCM, du khách có thể ngắm nhìn đàn bồ câu tung cánh bay lượn, thỉnh thoảng lại sà xuống chơi đùa cùng mọi người. Chúng là đàn bồ câu vô chủ đang được một số người lao động tự nguyện chăm sóc chúng mỗi ngày.

Buổi trưa, gần Nhà Thờ Đức Bà - Trung tâm Tp.HCM là một khung cảnh thật bình yên. Giữa nhịp sống ồn ào của Sài thành hoa lệ, giữa dòng người, xe cộ qua lại tấp nập, một người phụ nữ đang lấy từng nắm thóc cho bồ câu ăn.

Người phụ nữ chia sẻ tâm sự là chị Nguyễn Ngọc Quang Thanh, sống tại quận 6, Tp.HCM làm nghề bán nước, là một trong những người đã chăm sóc và nuôi dưỡng bồ câu trong nhiều năm qua.

Nhiều người ngồi uống nước cạnh gốc cây, ngắm nhìn đàn bồ câu một cách thích thú và nói với tôi rằng: “Chỉ có chị Thanh mới có thể bảo bồ câu bay đi hay là gọi nó về”. Tôi hơi ngạc nhiên.

Chị Thanh như thường lệ lại vã thóc cho bồ câu ăn. Đối với chị, bồ câu là một phần cuộc sống của chị

Trong khi đó, chị Thanh cười bảo: “Có gì đâu anh, cứ tập cho nó dần dần rồi cũng quen và nó cũng hiểu là con người đang muốn nói gì với nó mà”. Chị vừa nói, vừa cho đậu xanh vào chiếc lon, mắt hướng lên bầu trời và chị bắt đầu lắc lắc chiếc lon theo nhịp điệu, âm thanh phát ra nghe thật vui tai và rồi bầy chim bồ câu sau một hồi chao lượn trên không trung lại “ngoan ngoãn” sà xuống lục tục mổ lúa, đậu trên vỉa hè một cách ngon lành “mặc” cho người qua lại. Và, khi chị vỗ tay, đàn bồ câu lại tung cánh bay đi lên bầu trời rộng lớn.

Hiện nay, đàn bồ câu đã được 400 con rồi đó”, chị Thanh khoe với tôi trong khi mắt ngắm nhìn đàn bồ câu một cách chăm chú. Đối với chị, bồ câu là một phần cuộc sống của chị. Nhắc tới bồ cầu, ánh mắt chị rạng rỡ, xen lẫn niềm tự hào.

Trước đây, thấy chồng suốt ngày mua thóc cho bồ câu ăn, tôi thấy khó chịu. Nhà đâu có khá giả gì, tất cả thu nhập trong gia đình đều trông vào việc buôn bán nước mỗi ngày. Ngoài ra, còn phải lo cho 2 đứa con đang phải đi học. Tiền không có nhiều, thế mà ngày nào cũng phải bỏ ra mấy chục nghìn đồng để mua thức ăn cho đàn bồ câu vô chủ", chị Thanh nói

Thế rồi anh bận, chị là người được anh giao nhiệm vụ chăm bồ câu mỗi ngày.  Ngày nào cũng vậy, 10 giờ sáng, chị lại cho bồ cầu ăn, chúng đậu thành từng cụm xung quanh chị, khiến chị quên hết mệt nhọc. Và rồi, chị chăm sóc hàng ngày bồ câu lúc nào không hay. Nhiều hôm mua ít thóc khiến bồ câu đói bụng, chị lại bỏ việc chạy ra chợ gần đó mua thêm gạo về làm thức ăn cho bồ câu.

Không phải tự nhiên mà xuất hiện đàn bồ câu này đâu. Để gầy được từng này tôi cùng chồng tôi và một số người khác đã mất bao nhiêu công sức”, chị Thanh chia sẻ. Rồi chị Thanh kể về lý lịch của đàn bồ câu này.

Lúc đầu chỉ có 10-15 con, sau đó bồ câu kéo về mỗi một nhiều và cho đến ngày hôm nay đã lên đến 400 con. Có được đàn bồ câu như ngày hôm nay, ngoài vợ chồng chị, không thể không nhắc đến anh Nguyễn Phi Cường (sống tại quận Bình Thạnh, TPHCM), và ông Điệp (thợ chụp ảnh tại nhà thờ) là những người tiên phong trong việc nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển đàn bồ câu này.

Giờ ông Điệp đã mất, chỉ còn anh Cường và vợ chồng tôi thay nhau chăm sóc chúng. Sáng từ 6 giờ đến 10 giờ sáng là ca trực của anh Cường, anh sẽ là người cho bồ câu ăn và chơi với nó. Còn bắt đầu từ 10 giờ đến 15 giờ mỗi ngày, tôi sẽ cho chúng ăn, quản lý chúng và ra hiệu cho chúng bay lên khi khu vực có nhiều xe cộ qua lại", chị Thanh nói.

Nhiều bạn trẻ thích thú khi ngắm những chú bồ câu mổ đậu xanh trên bàn tay mình

Ngoài việc cho bồ câu ăn, chị Thanh còn mua nước và tắm rửa mỗi ngày cho chim bồ câu. Đặc biệt, để phòng ngừa dịch bệnh, cứ 1 -2 tuần chị đều mua thuốc về pha với nước để cho chúng uống. Tất cả kinh phí đều do vợ chồng chị tự nguyện bỏ tiền ra. Và giờ đây, chị cảm thấy vui khi làm điều này. “Buôn bán tại đây có đàn bồ câu như thế này thật là thích, nhìn rất đẹp và những khi lắc chiếc lon cho bồ câu ăn, tôi cảm thấy vui. Và hơn nữa, nhờ có đàn bồ câu này mà khung cảnh nơi đây thêm đẹp và yên bình hơn”, chị Thanh cười bảo.

Vì thế, từ khi có đàn bồ câu ở đây, không hôm nào chị nghỉ bán dù mùa nắng hay mùa mưa. Vào dịp tết, trong khi mọi người đi chơi thì chị vẫn ra nhà thờ. Không phải vì chị bán hàng mà vì ở đây còn có những chú bồ câu đang chờ chị. “Bồ câu cũng như con người, nó cũng cần phải ăn mỗi ngày mới có thể sống. Vì vậy, ngày nào tôi cũng phải ra cho nó ăn, khi nào ăn no tôi mới về. Như thế, tôi mới thấy yên tâm được”, chị Thanh giải thích.

“Không phải ai cũng có thể nuôi và cho bồ câu ăn, chỉ có những người nào yêu nó thật sự và nó cảm thấy an toàn thì mới sà xuống”, chị Thanh nhấn mạnh.

Chị nuôi bồ câu một cách tự nguyện và giờ đây bồ câu đang đem đến cho chị niềm vui giữa cuộc sống đầy bon chen này. Mặt khác, nhờ có đàn bồ câu nên nước của chị đông khách. Nhiều người tới đây vì muốn xem chị gọi bồ câu xuống ăn nên mua nước uống.

Đặc biệt, có những người muốn tự tay cho bồ câu ăn nên chị bán thêm đậu xanh cho họ. Từng nắm đậu xanh chị cho vào ly nhựa và phát cho các bạn sinh viên đến gọi chim xuống để chụp ảnh.

"Nếu họ cho bồ câu ăn một lần tôi không lấy tiền, nhưng họ muốn cho ăn nhiều lần thì tôi sẽ gom số tiền này để tiếp tục mua lúa, mua đậu mang ra đãi cho chim ăn. Đặc biệt, vào mùa cưới, nhiều người muốn có một album đẹp với bầy chim câu", chị Thanh cười bảo.

Nhờ có vợ chồng chị Thanh và một số người lao động khác đã khiến thành phố trở nên đẹp và thanh bình hơn khi có đàn bồ câu. Vào cuối tuần, đi qua nhà thờ, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy cảnh các em nhỏ được cha mẹ chở đến cho chim ăn, những nhóm bạn trẻ lót dép ngồi uống cà phê ngắm ngía, chụp ảnh cùng bồ câu, nhìn những du khách dừng chân chụp tấm ảnh lưu niệm trong khung cảnh hòa bình, chợt thấy trung tâm thành phố thật thân thiện và đáng yêu biết bao.

Anh Thư
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


5 gam màu hot trend mùa thu, nàng sang chảnh như mặc đồ hiệu