Ăn xin giả: Cần lên án hành vi kiếm tiền trên sự hảo tâm

2015-04-15 18:47
- (Em đẹp) - Ăn xin giả không phải là chuyện mới, nhưng việc để phát giác không phải dễ dàng. Do vậy, người dân đặc biệt là người đi đường cần lên tiếng phản ánh với cơ quan chức năng.

Mấy ngày gần đây dư luận xôn xao với câu chuyện điều tra của một tờ báo về việc người mẹ diễn kịch xin tiền chữa ung thư cho con. Tuy nhiên, khi phóng viên của tờ báo này tìm về địa phương thì mới biết đây là đối tượng chuyên đi lừa đảo. 

Thì ra người mẹ bế đứa con khi bán bánh mỳ, khi bán nước dạo để kiếm tiền. Qua thăm hỏi thì người mẹ cho biết, đứa bé bị ung thư máu và được điều trị tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Thấy hoàn cảnh đáng thương của người mẹ trên, nhiều người buôn bán ở gần bến xe Giáp Bát (Hà Nội) cũng giang tay giúp đỡ. Tuy nhiên, khi phóng viên tìm đến viện này không hề có hồ sơ nào của bệnh nhân có tên là con của người mẹ trên.

Ảnh minh họa

Nhưng cũng có những kẻ giả danh ăn xin để kiếm tiền trên sự đùm bọc của cộng đồng. Hồi cuối năm 2014, một trường hợp mang bầu giả đi ăn xin ở Tp.HCM đã bị phát giác. Người phụ nữ 25 tuổi này nghiện ma túy nặng, ngày ngày vẫn bắt xe buýt lang thang xin tiền ở một số khu vực tại Tp.HCM. 

Hồi năm 2011, đối tượng này từng bị công an mời lên làm việc do có hành vi ngược đãi trẻ em khi bế một đứa trẻ đứng ăn xin ở ngã tư. Sau đó, đối tượng này chuyển sang giả mang bầu để xin tiền. Theo Tuổi Trẻ, mỗi ngày, đối tượng này xin được 200.000 đồng - 400.000 đồng. Sau khi xin đủ tiền mua 1 tép ma túy, đối tượng này lại đi xe buýt đến chỗ mua thuốc.

Năm 2010, báo Tuổi Trẻ Tp.HCM có bài viết “Lật tẩy một trò lừa đảo”. Đó là câu chuyện về một người đàn ông đầu quấn khăn, chân băng bó và luôn miệng rên rỉ ở cổng chợ Đồng An – xã Bình Hòa – huyện Thuận An – Bình Dương. Sáng sớm, người đàn ông này hóa thân thành bộ dạng một người đáng thương, lòng bàn chân bôi một lớp keo và bột đỏ như máu rồi nằm xuống và trườn từ từ đến cổng chợ. Khoảng gần trưa người đàn ông này lại trườn vào khu vực vắng người rồi đứng dậy, lấy điện thoại ra gọi người đến chở về..

Ăn xin giả hay giả nghèo, giả khổ trên đường để lấy lòng thương của người đi đường không phải là hiếm. Những đối tượng này tìm cách kiếm tiền từ túi những người hảo tâm. Với chiêu trò giả dạng rất tinh vi như ăn mặc rách rưới, lê lết hoặc đóng vai là người mù, người khuyết tật... đã khiến người qua đường phải chú ý. Thậm chí, ăn xin giả còn bế trẻ em đi cùng để làm tăng thêm sự thương tâm và xót xa của người qua lại. Bởi, thực tế khi nhìn thấy trẻ em tội nghiệp như vậy, không ai là không rơi nước mắt. 

Hàng ngày, chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó những con người sẵn sàng dừng xe dù cuộc sống mưu sinh vội vã để cho người ăn xin chút tiền gọi là giúp đỡ, hoặc mua đồng quà tấm bánh, manh áo để hỗ trợ lúc khó khăn. Nhưng, cũng có những câu hỏi hoài nghi luôn bủa vây lấy nhiều người là ăn xin thật hay ăn xin giả.

Chúng ta không thể phủ nhận việc, có những người tàn tật, cuộc sống quá vất vả, mang trong mình bệnh tật phải đi ăn xin để sống hoặc kiếm tiền chữa bệnh. Điều đó đâu có gì sai khi mà sức người không đọ lại được với những cơn đau hành hạ hoặc không thể kiếm đủ tiền. 

Cần sự tố giác

Đó chỉ là vài vụ việc đơn cử về vấn nạn ăn xin giả gây nhức nhối trong xã hội. Đối tượng ăn xin giả có thể không gây ra hành vi nguy hiểm với mọi người nhưng nó lại làm xói mòn sự hảo tâm của những người đi đường. Ngoài ra, chính những hành động đó thậm chí khiến người ăn xin thật cũng cảm thấy nhói lòng.

"Có nhiều khi tôi muốn giúp đỡ người ăn xin nhưng lại sợ không biết đồng tiền mình cho họ có được sử dụng đúng mục đích không, họ có nghèo thật không dù bề ngoài nhìn rất nghèo khổ. Thêm vào đó là chưa kể chứng kiến những đứa bé còn rất nhỏ mà phải lê lết ăn xin cùng người lớn. Muốn giúp đỡ nhưng đôi khi lại chột dạ", chị Ngọc Anh (Long Thành, Đồng Nai) chia sẻ.

Từ những trường hợp ăn xin giả bị phát giác, vô tình làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của nhiều người đối với trường hợp hoàn cảnh khó khăn, tàn tật thực sự phải đi ăn xin nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng.

Trong khi đó, anh Bảo (Tp.HCM) cho rằng: "Người nhận thấy hết mọi hoạt động của người ăn xin giả là người đi đường, người bán nước ở vìa hè hoặc các khu vực lân cận. Vì vậy, bất cứ ai tháy hành động ăn xin giả cũng cần vào cuộc bằng cách thông báo cho cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi sai trái".

Dù ăn xin giả hay ăn xin thật, chị Tú (Quận Hà Đông, Hà Nội) bày tỏ: "Cần có biện pháp tạo công ăn việc làm cho họ, để không phải đi ăn xin giả hay thật. Khi có việc làm hoặc kế mưu sinh lâu dài, chắc chắn họ không đi ăn xin nữa. Tuy nhiên, mỗi người dân cần có ý thức tố giác, lên tiếng để phản ánh tình trạng này với cơ quan chức năng".
Diệu Quyên
(Theo Congluan.vn)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Toner Klairs “đỉnh chóp” cho mọi chu trình dưỡng da