Rơi nước mắt cụ già không muốn ra viện vì... không biết về đâu
2014-11-04 12:05
- (Em đẹp) - Gần 10 ngày qua, ở Khoa cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), có 1 cụ ông ở độ tuổi xế chiều vẫn một mình nằm trên chiếc giường bệnh phía cuối hành lang.
Tin liên quan
Thông tin giả... tình người thật
Chúng tôi đến gặp cụ ông Nguyễn Văn Đức (tên được khai trong bệnh án) vào một buổi chiều đầu đông se lạnh. Cụ ông có dáng người mảnh khảnh, miệng móm mém và sức khỏe suy kiệt vì lâu ngày không được ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ. Đôi mắt cụ nhắm nghiền, có lẽ đang ngủ và không hề biết có người đang đứng bên cạnh nhìn mình.
Trò chuyện với các bác sĩ và điều dưỡng ở Khoa cấp cứu, phóng viên Emdep.vn được biết, khoảng 8 giờ tối ngày 27/10, cụ được một thanh niên trẻ tuổi đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê. "Người thanh niên đó nói rằng anh ta là hàng xóm của cụ. Anh ta còn nói con cái cụ đang đi du lịch, chỉ có mình cụ ở nhà thôi. Sau đó, anh ta cho tên, tuổi, địa chỉ nhà của cụ và số điện thoại liên hệ rồi ra về và không thấy quay lại nữa. Bệnh viện đã nhờ bên công an xác minh nhưng địa chỉ người thanh niên kia cung cấp là giả, số điện thoại cũng không liên lạc được", chị Doãn Thị Nguyệt – Điều dưỡng trưởng (khoa Cấp Cứu - Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương) cho biết.
Cụ ông lưu lạc ở Hà Nội đã hàng chục năm nay.
Cụ ông lưu lạc ở Hà Nội đã hàng chục năm nay.
Cũng theo chị Nguyệt, cụ được chở vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê, sốt nhẹ và huyết áp tăng cao. Trong người cụ lúc đó có khoảng 500.000 đồng gồm nhiều tờ tiền lẻ. Thương cụ không có người thân, lại rách rưới, khổ sở. Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền – Phó trưởng Phòng khám đã bỏ ra 1 triệu đồng để giúp cụ nhập viện. Sau 2 ngày cấp cứu, cụ tỉnh lại và được các điều dưỡng viên cắt tóc, tắm gội, chăm sóc tận tình. "Lúc mới vào bệnh viện, cụ có mùi đặc biệt lắm, đứng xa cũng không ai ngửi được, tóc thì bết vào, dày cộp cả trước cả sau...", chị Nguyệt kể lại.
Thế nhưng, có lẽ do tuổi cao, sức yếu và suy kiệt lâu ngày nên cụ trở nên lú lẫn từ lâu. Cụ nói với các bác sĩ và điều dưỡng viên rằng, là người gốc Huế, ở Hà Nội chừng 20 năm nay và không hề có người thân. Hàng ngày, cụ lang thang bán báo ở ga, tối cũng ngủ ở ga.
Nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, cụ lại nói rằng tên Ân, 80 tuổi chứ không phải là Đức, 69 tuổi như trong bệnh án. Cụ đã ở Hà Nội được 50 năm, không có con và cũng không có họ hàng thân thích. Duy chỉ có giọng nói đặc trưng của người miền Trung khiến chúng tôi không thể không tin rằng cụ là người gốc Huế.
Các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Nhiệt đới tận tình chăm sóc cụ.
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, nước mắt cụ ròng ròng, ánh mắt nhìn đầy bi thương. Thật không kìm được nước mắt khi một người đã đến tuổi gần đất xa trời phải thốt lên rằng: "Suốt mấy chục năm qua tôi làm không nghỉ ngày nào. Tôi khổ lắm cô ơi!”.
Các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Nhiệt đới tận tình chăm sóc cụ.
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, nước mắt cụ ròng ròng, ánh mắt nhìn đầy bi thương. Thật không kìm được nước mắt khi một người đã đến tuổi gần đất xa trời phải thốt lên rằng: "Suốt mấy chục năm qua tôi làm không nghỉ ngày nào. Tôi khổ lắm cô ơi!”.
Theo bác sĩ Ngô Thanh Hà, người trực tiếp điều trị cho cụ, hiện tại sức khỏe của cụ đã khá hơn. Duy chỉ còn 2 cẳng chân bị nhiễm trùng nặng và hoại tử cần phải điều trị thêm. "Bệnh viện sẽ xét nghiệm để kiểm tra lại, kết hợp với khám lâm sàng hàng ngày để đánh giá tình trạng của cụ và có hướng điều trị tiếp theo. Nếu mấy ngày nữa mà đỡ hơn thì bệnh viện sẽ chuyển cụ lên Trung tâm Bảo trợ Xã hội. Đồng thời, ở đây có mấy chị em điều dưỡng hoạt động trong các tổ chức từ thiện đang kêu gọi xem có ai cung cấp thức ăn miễn phí hay hỗ trợ cho cụ một phần nào đó thì sẽ tốt hơn", bác sĩ Hà chia sẻ.
Được biết, tính đến ngày 3/11, chi phí điều trị của cụ đã lên đến 5 triệu đồng. Thức ăn, nước uống, sữa và bỉm đều do các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện và những người có mặt ở bệnh viện ủng hộ. Hiện tại, cụ chỉ có thể ăn cháo và uống sữa. Tuy nhiên, theo các điều dưỡng, cụ không ăn được nhiều và uống sữa rất ít.
Ra viện biết về đâu?
Là người vô gia cư, không giấy tờ tùy thân, không nơi nương tựa nên bệnh tình đã thuyên giảm nhưng các bác sĩ và điều dưỡng tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vẫn không dám để cụ xuất viện. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng Khoa cấp cứu cho biết: "Bệnh viện đang cố gắng tìm cho cụ một trung tâm nào đấy để cụ sống tiếp những năm tháng tuổi già. Nhưng vì giấy tờ không có, thủ tục lại rắc rối nên chưa thể làm được".
Chân của cụ đang được điều trị tích cực.
Theo chị Doãn Thị Nguyệt (Điều dưỡng Khoa cấp cứu), ngày 3/11, bệnh viện cử anh Hà Anh Minh, nhân viên phòng Kế hoạch – Tổ chức, đến UBND phường Phương Mai để làm việc về trường hợp của cụ. Anh Minh chia sẻ: "Công an phường Phương Mai cho biết, bệnh viện phải chuyển một bộ hồ sơ gồm có bệnh án và công văn đề nghị của bệnh viện lên sở Lao động Thương binh và Xã hội của Thành phố. Hà Nội. Lúc đó, cơ quan chức năng sẽ giải quyết trực tiếp và đưa ô tô xuống đón bệnh nhân về trung tâm".
Thật may mắn rằng dù phòng cấp cứu chỉ dành cho những trường hợp khẩn cấp nhưng các bác sĩ tại khoa cấp cứu vẫn dành cho cụ một chiếc giường phía cuối hành lang, chờ ngày có nơi nhận cụ về nuôi dưỡng bằng cả lương tâm và trách nhiệm. Mặc dù, con đường tìm kiếm chốn nương thân cho người lang thang như cụ còn rất xa nhưng chúng tôi tin rằng tấm lòng của các y bác sĩ, nhân viên tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương sẽ được đền đáp. Và cụ sẽ không còn phải chịu cảnh đói rét, cực khổ như suốt mấy chục năm cụ đã phải trải qua...
Tâm Trí
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
1001 câu chuyện 'tự cắt mái' của chị em phụ nữ