"Nghề" bán máu: Cần tiền ăn chơi lại ...đến bệnh viện

Thùy Linh 2014-11-03 14:57
- (Em đẹp) - Ngoài những người hiến máu vì cộng đồng cũng có những người hiến máu để lấy tiền bồi dưỡng.
Xoay tiền lúc cấp bách

Tìm đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương trên đường Trần Thái Tông (Cầu Giấy – Hà Nội), dù mới 7 giờ sáng nhưng đã có khá đông người đến kiểm tra máu để nếu đủ yêu cầu sẽ được lấy máu ngay trong ngày. Đa số những người đến đây đều tỏ ra rất thông thạo các thủ tục, họ nhanh chóng rút tờ giấy màu xanh (phiếu hiến máu có nhận tiền bồi dưỡng) rồi điền các thông tin cá nhân và số chứng minh thư rồi ngồi chờ đến lượt xét nghiệm máu để bán tiểu cầu (còn gọi là máu chọn).

Tiểu cầu là một loại tế bào máu được dùng trong điều trị một loạt bệnh lý, có tác dụng cầm máu mà hầu hết các bệnh viện rất cần nhưng nguồn cung không đủ. Với một đơn vị máu 250ml người hiến sẽ nhận được 140.000 đồng tiền bồi dưỡng, nhưng nếu hiến tiểu cầu thì số tiền nhận được cũng cao gấp đôi. Chính vì vậy mà hiến tiểu cầu "hút" dân "bán" máu hơn hẳn. Trong số những người đến hiến máu vì cộng đồng thì cũng có những người hiến máu hay hiến tiểu cầu chỉ vì mục đích kiếm tiền.

Ngồi ở dãy ghế xanh gần phòng xét nghiệm, H - sinh viên của một trường đại học ở Hà Nội ăn mặc khá hợp mốt, nếu không tận mắt thấy H thành thục điền thông tin vào tờ phiếu màu xanh thì khó tin được H là dân bán máu.


Cần tiền là đi rút tiểu cầu - nam thanh niên khiến người khác phải kinh hãi khi nghe lời nói quả quyết.

H cho biết đã bán máu được khoảng 2 năm nay, những ngày đầu đi bán, H tuân thủ theo chỉ dẫn có bác sỹ về khoảng cách giữa 2 lần lấy máu là 3 tháng, nhưng dần thành quen, cứ cần tiền lúc nào là H đi bán tiểu cầu lúc đó.

H cho hay: "Tôi mới bán tiểu cầu cách đây một tuần nhưng tối nay kẹt sinh nhật đứa bạn cùng lớp, mà lại đang "bí" quá nên đến đây xoay tiền". H nói thêm: "Bán máu thế này vừa có tiền lại được kiểm tra sức khỏe miễn phí, thanh niên chơi bời thì biết trước thế nào được, cứ tuần đi bán lại kiểm tra cho chắc".

Ngồi cạnh H một hàng ghế là người phụ nữ khoảng trên 30 tuổi, chị đi hiến máu để lấy tiền gửi về quê cho đứa con đang ốm nằm viện. Chị ngậm ngùi: "Trước khi đi hiếu máu, tôi cũng vay mượn khắp nơi, đồ đạc có gì giá trị cũng đã bán cả, nên bây giờ chỉ kiếm tiền được bằng cách này. Biết là rút tiểu cầu liên tục sẽ có hại sức khỏe nhưng cũng đành vì con cái mà liều vậy". Ngồi đợi kết quả xét nghiệm, gương mặt chị tỏ rõ sự lo lắng bởi nếu đủ yêu cầu chị mới có thể bán máu và nhận được tiền, còn không chị phải ra về mà không biết phải kiếm tiền từ đâu.

Những người gắn bó lâu với "nghề"


Nhiều người sau 1-2 lần đi hiến máu rồi sau đó thì đi "bán" máu và tự cho đó là một cái nghề. Anh T - người gắn bó với nghề bán "nhựa sống" của chính mình ngót nghét cũng gần 10 năm. Chính vì vậy mà anh biết rõ những "mánh" để dễ dàng qua được vòng kiểm tra.

Anh hào hứng kể: "Muốn được hiến máu thì đêm trước đó không được thức khuya, kiêng uống trà với đồ ăn có dầu, mỡ, như vậy mới qua và được rút máu ngay trong ngày, chứ không bác sỹ cho về thì mấy hôm sau mới đến kiểm tra lại được. Nếu muốn bán máu được nhiều lần ở những nơi khác nhau thì tuyệt đối không được để họ thấy dấu kim ở ven tay, nếu không họ biết là đuổi về ngay".


Nhiều người vì hoàn cảnh khó khăn mà phải đi bán máu kiếm tiền.

Ngoài bán máu anh cũng chạy xe ba gác. Trước đây, việc bán máu chỉ là nghề phụ. Nhưng đến nay, anh cũng không phân biệt được giữa bán máu và chạy chạy xe đâu là nghề chính, đâu là nghề phụ.

Phụ nữ cũng là một lực lượng đông đảo tham gia nghề này. Mặc dù đã hơn 50 tuổi nhưng bác N vẫn đi bán máu và đã có thâm niêm lâu năm trong "nghề". Bác cho biết: "Trước đây khi còn trẻ thì bác bán tiểu cầu, nhưng bây giờ có tuổi thì bác bán máu thường thôi, mà mỗi lần cũng chỉ bán được 250ml, được có 140.000 đồng nhưng có còn hơn không nên bác vẫn đi bán máu thường xuyên".

Dù cô y tá đã thông báo sức khỏe bác N không đủ yêu cầu để rút máu nhưng bác vẫn bỏ qua cảnh báo về sức khỏe mà không chịu ra về, thậm chí bác cố nài: "Cô xem lại giúp cho chứ lần trước tôi vẫn đủ hiến máu được mà".

Nấn ná một lúc lâu bác N mới chịu xách túi đi về phía cửa. Nhưng liệu bác có về nhà hay lại tiếp tục đến những cơ sở y tế khác bán cho bằng được 250ml máu để nhận được vỏn vẹn 140.000 đồng hay không, thật không ai dám quả quyết...

Bán máu, rút tiểu cầu được xem như việc bán đi một phần quý giá của cơ thể. Thế nhưng, cuộc sống của những người cần tiền đến mức túng quẫn cứ lặp đi lặp lại, cần tiền lại đi bán máu như một sự luẩn quẩn không lối ra. Nghĩ thật xót xa...

Bài, ảnh: Thùy Linh
logo smaill

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Liên tục tranh ngôi, sao Việt nào hiện sở hữu vòng eo nhỏ nhất showbiz Việt