Sức sống của xương rồng
Tìm về làng bão Chanchu - thôn Bình Tịnh (xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam) hỏi đến câu chuyện “cổ tích đời thường” đầy cảm động về hành trình gieo chữ của cô gái tật nguyền Vương Thị Dung (SN 1991) ai cũng hết lời khen ngợi.
Vừa đến đầu cổng ngôi nhà nhỏ nằm nép mình khiêm tốn sau những hàng dừa, tôi đã nghe thấy tiếng ê a đọc bài của lũ trẻ nhỏ. Bước vào nhà, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là khoảng 20 đứa trẻ đang vây quanh một cô gái bị bại liệt để học bài một cách say sưa.
Bằng nghị lực phi thường, Dung đã có thể ngồi dậy, cử động được tay và dạy học miễn phí cho những đứa trẻ trong làng
Thấy khách đến nhà, Dung nở nụ cười phúc hậu chào khách. Sinh ra trong một gia đình ngư dân nghèo khó, có 6 anh chị em nên từ nhỏ Dung đã sớm chịu nhiều thiệt thòi. Người anh cả của Dung bị bệnh tim bẩm sinh, lúc tỉnh lúc mê nên mỗi tháng đều phải đi viện cấp cứu… Ông Vương Mai Công (SN 1950, cha Dung) dù sức khỏe ốm yếu nhưng hằng ngày vẫn phải đi đánh cá thuê để mưu sinh.
Hiểu được sự vất vả của các bậc sinh thành nên Dung rất chăm chỉ và năm nào cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ngay từ những năm học cấp 2, ngoài thời gian học tập, Dung tranh thủ xin làm thêm đủ mọi việc để đỡ bớt gánh nặng cho gia đình. Vào dịp lễ Tết, người ta đi chơi còn em thì bắt xe ra Đà Nẵng xin phụ quán cà phê, rửa chén bát cho quán ăn kiếm tiền trang trải việc học.
Cuộc sống cứ thế trôi đi, cho đến năm Dung học lớp 11 thì tai họa bất ngờ ập đến. Chỉ sau một đêm thức dậy, em bỗng bị liệt toàn thân, mọi cử động đều không thể, chỉ ú ớ gọi được mẹ vài tiếng yếu ớt. Thấy đứa con gái út bỗng dưng mắc bệnh lạ, bà Trần Thị Đào (SN 1952) hốt hoảng đưa con đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Thăng Bình.
Dung vượt qua bệnh tật để chinh phục cuộc sống bằng nghị lực của mình.
Thấy Dung có triệu chứng lạ lùng hiếm gặp, các bác sĩ đã chuyển em đến bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, rồi đến bệnh viện Trung ương Huế… Tại đây các bác sĩ kết luận, Dung mắc phải căn bệnh "viêm tủy cắt ngang", khiến em bị liệt nửa người. Đây là một bệnh nan y và dường như cơ hội chữa khỏi là không thể.
Từ một cô gái xinh đẹp, phút chốc Dung trở thành người bại liệt, bao nhiêu ước mơ, hy vọng bỗng tan biến hết chỉ sau một đêm bởi căn bệnh quái ác kia. Cứ ngỡ rằng, căn bệnh nan y sẽ làm Dung gục ngã, nhưng không, bằng nghị lực phi thường, Dung bắt đầu luyện tập cử động chân tay, lật, trườn… như những đứa trẻ. Và rồi, cuộc đời không phụ người bền chí, sau nhiều năm miệt mài luyện tập, đôi bàn tay của Dung đã có thể cử động trở lại. Những con chữ khó nhọc cũng dần “hiện hình” dưới đôi bàn tay của cô gái tật nguyền sau những tháng ngày rời xa sách vở.
Lớp học đặc biệt của cô giáo bại liệt
Không đầu hàng số phận, Dung đã tự vươn lên bằng nghị lực tuyệt vời của mình để làm một cây “xương rồng” giữa vùng đất cát khô cằn. Vốn ước mơ làm cô giáo từ khi còn nhỏ nên Dung đã mở lớp dạy kèm miễn phí cho những đứa trẻ làng chài quê mình, đồng thời tìm niềm vui cho bản thân.
Lớp học của Dung lúc đầu chỉ có vài ba học sinh nhưng về sau biết Dung mở lớp dạy học miễn phí, học sinh khắp nơi kéo đến mỗi lúc càng đông. Lớp học đặc biệt này đầy đủ mọi lứa tuổi, ngày bình thường vài chục em, còn kỳ nghỉ hè lên đến hàng trăm em.
Những đứa trẻ tìm đến nhà Dung học bất kể mưa nắng, sáng chiều. Lúc nào trong ngôi nhà ấy cũng ríu rít tiếng trẻ thơ, tiếng chỉ bảo ân tình của cô giáo trẻ. Những lúc rảnh rỗi, Dung lại tự tay làm gấp hạt giấy, làm hoa giấy tặng cho các em học sinh để khích lệ tinh thần học tập của chúng.
Nụ cười tỏa nắng của cô giáo tật nguyền.
Cô giáo đặc biệt này dạy chủ yếu các môn Toán, Văn, tiếng Anh từ chương trình lớp 10 trở xuống. Cách dạy học của Dung cũng rất sáng tạo, không áp dụng theo khuôn mẫu. Do đó giúp các học trò phát huy được tư duy sáng tạo của mình. Nhiều em nhỏ sau khi tìm đến lớp học của Dung đã tiến bộ lên thấy rõ, có em còn đỗ vào các trường đại học, cao đẳng với số điểm khá cao…
“Nói là dạy chứ thật ra là em biết gì thì chỉ bảo cho các em cái đó thôi. Những đứa trẻ ở đây hầu hết có hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ làm nghề đi biển ít có thời gian theo sát việc học hành của con cái. Nhiều em trong làng đã mồ côi từ sau cơn bão Chanchu năm 2006, không có điều kiện đi học, tội nghiệp lắm. Em phải dạy để tụi nó biết con chữ, biết đọc, biết viết để có cơ hội thoát khỏi cái nghèo”, Dung trải lòng.
Dù mang trong mình bệnh tật nhưng “cô giáo làng” này vẫn luôn giữ trong mình một tâm hồn lạc quan, mạnh mẽ và yêu văn chương. Đến nay em đã sáng tác được hàng trăm bài thơ, bài văn, trong đó, nhiều tác phẩm đã được đăng tải trên các báo.
Đặc biệt, hiện nay ở nhà, Dung có cả một thư viện sách mini với hàng trăm cuốn sách để “phục vụ” các em nhỏ trong làng. Tủ sách không nhiều nhưng với Dung thì đó là tài sản mà em quý nhất.
Nói về ước mơ của bản thân, Dung chỉ vào tủ sách của mình rồi khiêm tốn bộc bạch: “Đó là những cuốn sách em được bạn bè gửi tặng và sách em dành dụm tiền để mua. Em muốn chia sẻ cho các em nhỏ cùng đọc để mở mang kiến thức. Em ước mình có thể mua thêm được nhiều sách nữa để các em nhỏ có thêm nhiều cơ hội được đọc hơn. Em chỉ mong các em nhỏ nơi đây học hành thành đạt để sau này có một tương lai tốt đẹp hơn”.
Dù chưa từng qua trường lớp sư phạm, nhưng Dung vẫn được những đứa trẻ ở vùng biển nghèo gọi thân thương là "cô giáo Dung".
Khi được hỏi về đứa con gái của mình, đưa đôi mắt nhìn xa xăm về phía biển, bà Đào trải lòng: “Dung là đứa con rất ngoan ngoãn và hiếu thảo với cha mẹ. Dung học giỏi lắm, năm nào cũng có giấy khen, lại được đi thi học sinh giỏi tỉnh. Nhưng không ngờ số phận hắn lại éo le như vậy. Thấy con bệnh tật nhưng mở lớp dạy học cho tụi trẻ tôi cũng thấy vui lắm. Dung làm được việc tốt như vậy nên người dân ở đây ai cũng thương Dung".
Rời khỏi vùng biển khó nghèo chưa hết nỗi đau Chanchu, trên đường về mà trong đầu tôi vẫn hiện nguyên hình ảnh cô gái đầy nghị lực và những dòng thơ mà Dung đã viết về mình như một lời tri ân với cuộc đời: “Em như hoa xương rồng/ Mọc trên triền cát trắng/ Không e sương ngại nắng/ Hiên ngang đứng giữa trời/ Em đâu được rạng ngời/ Và nào đâu hương sắc/ Nhưng điều em dám chắc/ Là mạnh mẽ vô cùng/ Em loài hoa ung dung/ Dám vươn lên tất cả/Dù phong ba vật ngã/ Em vẫn trả ơn đời/ Em sống khắp mọi nơi/ Gieo thêm niềm hy vọng/ Những bài học lắng đọng/ Là nghị lực niềm tin/ Ai đó thích van xin/ Em không hề muốn thế/ Lựa chọn của Thượng đế/ Gian khổ em xin giành/ Giữa dòng đời cạnh tranh/ Em loài hoa sống khác/ Vẫn nghêu ngao ca hát/ Trên miền cát ân tình…”
Đọc thêm bài về nghề giáo
Bài, ảnh: Ly Na_Khương Mỹ
(Theo Congluan)
Quá khứ ở sau lưng, hiện tại và tương lai mới là quan trọng, mở lòng và yêu đi