Hàng ngàn sĩ tử đổ về Văn Miếu sau khi hoàn tất thủ tục dự thi

Hoàng Sa 2015-06-30 18:03
- Sau khi làm thủ tục dự thi kỳ thi THPT Quốc gia, hàng nghìn sĩ tử đã đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) thắp hương và cầu mong may mắn.
Đội nắng thắp hương cầu công danh
Ngày mai (1/7), hơn 1 triệu sĩ tử trên cả nước sẽ bước vào kì thi THPT Quốc gia. Để giảm bớt không khí căng thẳng, lo lắng; ngay sau khi làm xong thủ tục dự thi, sĩ tử ùn ùn đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) cầu may khiến nhiều tuyến đường ùn tắc. Để tránh tình trạng chen lấn; tại đây, Ban quản lý tăng cường lực lượng sinh viên tình nguyện làm công tác phân làn và hướng dẫn khách.
Hàng ngàn sĩ tử và người nhà đổ về Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) để cầu may mắn sau khi làm xong thủ tục dự thi.
Theo thống kê, vào các đợt tuyển sinh đại học, lượng khách đến khu di tích luôn tăng đột biến, cao điểm có ngày ước khoảng 30.000 - 40.000 học sinh và khách tham quan. Tại khu vực đền thờ và phía ngoài hương án, Ban quản lý di tích phải dùng hệ thống loa phát thanh cảnh báo tình trạng kẻ gian trà trộn vào đám đông, móc túi trộm cắp. 
Để đề phòng cháy nổ, lực lượng sinh viên tình nguyện cũng rất vất vả, liên tục nhắc nhở thí sinh và người nhà chỉ thắp một nén nhang nhưng nhiều người vẫn đốt hàng bó hương, chen nhau khấn vái. Giảm bớt không gian mù mịt khói hương, các tình nguyện viên thay nhau rút bớt chân hương sau khi các sĩ tử vừa thắp xong.
Nhiều sĩ tử được cả bố và mẹ đưa đi làm lễ cầu may mắn.
Trên tay cầm theo giấy báo dự thi, thành tâm đứng lễ ở khu vực chính điện, Nguyễn Thu Trang (quê ở Giao Thủy, Nam Định) dự thi tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, nghe mọi người bảo tới Văn Miếu thắp hương sẽ gặp nhiều may mắn nên sau khi làm thủ tục dự thi Trang cùng mẹ tới đây. “Hy vọng sau khi làm lễ xong, ngày mai em sẽ làm bài thuận lợi. Tới Văn Miếu, em không chỉ cầu công danh mà còn tìm hiểu được rất nhiều thứ liên quan tới trường đại học đầu tiên của Việt Nam để từ đó làm mục tiêu phấn đấu”, Trang nói.
 Nguyễn Thu Trang (Giao Thủy, Nam Định) thành kính thắp hương mong đỗ đạt cao trong kì thi sắp tới.
Phía bên ngoài, các gian hàng đồ lưu niệm, xin chữ cầu đỗ đạt có khá đông thí sinh bởi nhiều người quan niệm đã vào Văn Miếu phải mua một đón đồ gì đó mới gặp may mắn. Trần Duy Hải (Ý Yên, Nam Định) dự thi tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chia sẻ, trước khi vào thắp hương, em ra mua một bức thư pháp để lát vào bên trong làm lễ. “Nghe nói xin chữ ở Văn Miếu rất thiêng, không biết có đúng hay không nhưng em vẫn muốn thử. Dù biết việc thi cử đạt kết quả cao hay không đều do năng lực của bản thân nhưng khi tới đây em thấy bản thân đã bớt căng thẳng hơn rất nhiều”, Hải cho biết.
Lập hàng rào sắt ngăn sĩ tử sờ đầu rùa
Hàng năm vào cuối tháng 6 đầu tháng 7, Thủ đô Hà Nội lại đón hàng vạn sĩ tử và người nhà về dự thi đại học. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những địa điểm không thể bỏ qua trước kì thi của thí sinh. Để  hạn chế, ngăn chặn việc sĩ tử sờ đầu rùa, Ban quản lý Văn Miếu đã lập hàng rào bằng sắt bảo vệ bia tiến sĩ, thay cho hàng rào bằng lụa đỏ như vài năm trở về trước.
Hàng rào sắt được lập lên phía trong Văn Miếu ngăn sĩ tử sờ đầu rùa. Nhờ có hàng rào này, lực lượng sinh viên tình nguyện làm việc cũng đỡ vất vả.
Vũ Huy Hoàng – Sinh viên năm thứ hai Đại học Bách Khoa Hà Nội cùng một nhóm tình nguyện viên khoảng 10 người tổ chức đứng bảo vệ xung quanh các tấm bia tiến sĩ. Hoàng chia sẻ: “Mỗi khi có sĩ tử đi vào và ngỏ ý muốn sờ đầu rùa, em phải liên tục giải thích, việc làm này không giúp cho sĩ tử đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới. Việc đỗ đạt hay không đều do năng lực học tập ở bản thân mỗi con người. Đa số khách tham guan sau khi nghe em nói đều tỏ thái độ hợp tác”, Hoàng nói.
Mồ hôi nhễ nhại dưới thời tiết nắng nóng, Nguyễn Thị Phương Hoa (Sinh viên năm thứ hai Học viện Hành chính Quốc Gia) chia sẻ: “Suốt mấy ngày nay, chúng em phải phân chia theo từng nhóm để canh gác khu vực đặt các tấm bia tiến sĩ. Dọc tuyến đường vào bên trong khu chính điện, luôn có hai hàng rào bảo vệ. Hơn nữa, lượng thí sinh năm nay đổ về Hà Nội không đông như mọi năm nên công việc của chúng em cũng bớt vất vả hơn”, Hoa cho biết.
Một phụ huynh mua bút vào thắp hương hy vọng con sẽ làm bài tốt trong các môn thi sắp tới.
Theo khảo sát của phóng viên, những ngày này dịch vụ ăn theo mùa thi đại học cũng nở rộ như bán hương, viết sớ, trông xe,… Mỗi thẻ hương có giá 7.000 đồng – 10.000 đồng cao hơn 3.000 đồng so với ngày thường. Vàng mã có giá từ 15.000 đồng - 25.000 đồng/tập, một gói bút 6 chiếc (gồm 5 bút bi, 1 bút chì) có giá dao động từ 20.000 đồng – 25.000 đồng…
Hoàng Sa
(Theo Congluan)
 
 
 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Đi tìm 'thiên thần hộ mệnh' âm thầm bảo vệ cho 12 cô nàng Hoàng đạo