Đi viện ngày đại hàn: Ôm chăn bông, người nhà lỉnh kỉnh đồ chống rét

Phúc Minh 2016-01-29 08:32
- Trong sảnh các bệnh viện lớn ở Hà Nội, cảnh bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cuộn chiếc chăn bông chống chọi với thời tiết không còn là hình ảnh hiếm thấy.
Tại bệnh viện Bạch Mai, nhiều người trải chiếu, đắp chăn bông túc trực ngay trước khoa Cấp cứu. Thời tiết giá rét, khiến cho lượng bệnh nhân nhập viện tăng lên đặc biệt là trẻ em và người già do sức đề kháng kém. Trong đó, với người già tình trạng đột quỵ, huyết áp tăng chiếm số lượng đáng kể.
Hành lang khoa Cấp cứu chỉ rộng khoảng 2 mét, một số người nhà đã tận dụng để làm chỗ ngủ tạm trong lúc túc trực chăm sóc người nhà bên trong. Hình ảnh những chiếc phích nước, balo quần áo, chăn chiếu lỉnh kỉnh đặt tạm nơi hành lang không còn là chuyện hiếm thấy.
Anh Định (Kim Liên – Hà Nội) có bố hơn 90 tuổi bị đột quỵ do trời quá lạnh. Anh và người thân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mang chăn, chiếu đến đặt ngay trước cửa khoa để tiện đường xoay sở khi có việc cần đến người nhà. Anh chia sẻ: “Tôi nằm ở đây được 4 ngày rồi, trời mưa, lạnh kể cũng vất vả. Cái chiếu mỏng đôi lúc có cũng như không, nhiều khi nửa đêm cóng hết cả chân tay. Cũng may là bệnh viện cho mang theo chăn chứ không thì không biết thế nào”.
Đi viện ngày đại hàn: Ôm chăn bông, người nhà lỉnh kỉnh đồ chống rét

Anh Định và người thân luân phiên túc trực trước cửa khoa cấp cứu

Tại một khoa khác, ông Tiệp đang co ro trong chiếc chăn cũ rách nói: “Tôi từ Thanh Hóa ra đây, đưa đứa cháu trai đi mổ u gan. Chẳng may đúng đợt rét kỉ lục nên vất vả lắm. Mang được chăn chiếu ra đây rồi cứ nghĩ đủ chống lạnh, ai ngờ có ăn thua gì đâu. Dù chẳng đến mức như nhiều người bên khoa cấp cứu nhưng cũng khổ trăm bề. Nền thì lát gạch, đêm nằm ngủ có khi lạnh buốt tận xương. Ngày thì đi ăn thôi cũng cóng hết tay chân, chắc già rồi nên không chịu được rét kiểu này nữa”.
Trong mấy ngày rét đậm, khoa nhi thường xuyên ở trong tình trạng quá tải. Tiếng khóc, tiếng ho, cảnh bế bồng diễn ra gần như suốt cả ngày. Chị Nguyễn Thanh Nhàn và anh Lê Văn Dũng đưa con từ Ninh Bình ra Hà Nội từ hôm 24/1.
Rét mướt, mưa gió khiến vợ chồng anh chị mệt lả. Chị Nhàn rầu rĩ kể trong lúc chồng đang tranh thủ chợp mắt: “Con tôi được hơn 2 tuổi, mấy hôm trời trở rét cháu ho liên tục, người nóng chín, thở khò khè. Đưa lên đây mới biết bị viêm phế quản”.
Sau hơn 2 ngày điều trị, hiện tại sức khỏe con chị Nhàn đã tốt hơn, song bố mẹ lại kiệt sức do ăn uống không đúng giờ, trời lạnh thấu xương, xoay sở đủ việc giữa lúc không có ai thân thích.  “Vợ chồng tôi ra đây ăn ngủ vật vờ, trời không mưa thì còn ngả lưng được trên mấy chiếc ghế ngoài sân, chứ mưa thì chỗ nào đặt được chiếu là nằm ngay ra đó”, chị nói.
Dọc hành lang các tầng 3, 4 thuộc dãy nhà Việt - Nhật, người nhà bệnh nhân nằm co quắp trong những chiếc chiếu, chăn tạm bợ. Người ngồi dậy uống tạm cốc nước nóng cho ấm bụng, người nói chuyện dăm ba câu với những người đồng cảnh, người trùm chăn kín mít ngủ ngáy qua loa,… Bên trong phòng bệnh, ấm hơn, sáng hơn nhưng cũng chẳng đủ để làm bầu không khí bớt ảm đạm. “Bệnh viện mà, bao giờ cũng buồn” – ông Tiệp nói thêm.
Bệnh nhân nhập viện nhiều do thời tiết
Trong những ngày rét đậm vừa qua, người nhập viện do ảnh hưởng của thời tiết mỗi lúc một đông. Người tai biến, người đột quỵ, người viêm phổi, viêm phế quản, người hen suyễn… Đội ngũ y bác sĩ ở các bệnh viện lớn đều phải làm việc với cường độ cao.
Các trường hợp bệnh nhân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của thời tiết chủ yếu do sức đề kháng yếu, bị sốc nhiệt bất ngờ ra khỏi chăn ấm, sau đó gặp gió lạnh hoặc đi vệ sinh khiến cơ thể thêm một lần mất nhiệt nữa...Để tránh những sự cố không đáng có, các bác sĩ khuyến cáo, cần giữ ấm tất cả các bộ phận đặc biệt là bàn chân, ngực, cổ; mặc thêm các áo nhiều lớp mỏng để duy trì thân nhiệt; hạn chế tối đa các trường hợp thay đổi nhiệt độ đột ngột; khởi động hợp lý trước khi lao động thể lực.
Với trẻ em, khi trời lạnh nên hạn chế tối đa việc cho trẻ ra ngoài trời. Nếu bắt buộc phải ra ngoài, cần hết sức chú ý, cho mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. Ở trong nhà, cũng cần đóng kín các cửa, khe hở, tránh gió lùa. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên giữ ấm quá mức. Nhiều bố mẹ mặc quá ấm cho trẻ, khi trẻ chạy nhảy nóng bức, chảy mồ hôi phía lưng, ngực dễ thấm ngược vào cơ thể gây viêm đường hô hấp. Có gia đình dùng điều hòa nhiệt độ nhưng để nhiệt độ cao, nên khi trẻ ra khỏi phòng, sự chênh lệch nhiệt độ trong và ngoài nhà quá cao sẽ dễ bị bệnh, nên nếu dùng điều hòa nóng chỉ nên để nhiệt độ khoảng từ 20 - 250C.
Cơ thể người khi tiếp xúc với môi trường lạnh sẽ tăng chuyển hóa sản sinh nhiệt để duy trì thân nhiệt. Ở người bình thường thì gặp trời lạnh, mạch máu dưới da co lại còn mạch máu nuôi các cơ quan nội tạng sẽ giãn thêm để điều tiết lượng máu dư ra do co mạch dưới da. Nhưng những người già yếu, người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, khả năng này bị rối loạn, dễ dẫn tới các bệnh lý tim mạch như rối loạn nhịp tim, cơn tăng huyết áp gây tai biến mạch máu não...do đó phải hạn chế sốc nhiệt, giữ ấm cơ thể bằng quần áo và đồ ăn.
Phúc Minh
(Theo Congluan)
Xem thêm clip: Hoảng hồn đẻ rơi ngay trong bệnh viện

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Cách xem mật khẩu WiFi đã lưu trên điện thoại, máy tính đơn giản