Vì sao 'ở hiền mà chẳng gặp lành'? Cùng đánh rớt giày nhưng sao cuộc đời Lọ Lem lại êm ả hơn Tấm?
Tin liên quan
Thuyết nhân quả của Phật giáo cho rằng gieo nhân nào sẽ gặp quả nấy, vì thế người ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Quy luật này cũng được thể hiện trong các câu chuyện cổ tích, khi mà người tốt sẽ được hạnh phúc mãi mãi về sau, còn kẻ xấu sẽ bị trừng phạt thích đáng. Song trên thực tế, không phải lúc nào người ở hiền cũng gặp lành. Có những người sống hiền lành, lương thiện nhưng lại phải rơi vào cảnh bất hạnh như ốm đau bệnh tật, tai nạn. Đôi khi bạn sẽ cảm thấy cuộc đời bất công, nếu ở hiền mà chẳng gặp lành thì còn ai muốn ở hiền nữa?
Khi đã hiểu về quy luật nhân quả một cách thấu đáo, bạn sẽ không còn thấy bất công, trách móc cuộc đời. Bạn lý giải được vì sao người ở hiền mà chẳng gặp lành. Bạn thấu hiểu và chấp nhận.
Tấm Cám và Lọ Lem, một mô típ hai số phận
Truyện cổ tích Tấm Cám của Việt Nam và truyện Lọ Lem (Cinderella) của thế giới đều có chung một mô típ là gái mồ côi xinh đẹp bị mẹ kế ngược đãi, sau vì đánh rơi giày mà cưới được vua/hoàng tử. Cả Tấm và Lọ Lem đều là những cô gái ở hiền gặp lành nhưng cuộc đời Lọ Lem lại suôn sẻ hơn nhiều, so với Tấm năm lần bảy lượt bị “hóa kiếp”. Sau khi xỏ chân vào đôi giày thủy tinh, Lọ Lem một bước đổi đời, trong khi chuỗi sóng gió bi kịch của Tấm mới chính thức bắt đầu.
Sau khi trở thành hoàng hậu, Tấm bị mẹ con Cám âm mưu sát hại năm lần bảy lượt và lần nào Tấm cũng hồi sinh bất tử. Lần thứ nhất ngã cây chết, Tấm hóa kiếp thành chim vàng anh. Lần thứ hai, vàng anh bị vặt lông làm thịt, Tấm đầu thai thành cây xoan đào. Lần thứ ba cây xoan đào bị chặt hạ, Tấm được tái sinh thành khung cửi. Lần thứ tư, khung cửi bị đốt thành tro, Tấm mọc lên thành cây thị. Lần thứ năm, cây thị không còn bị mẹ con Cám hãm hại nữa, Tấm được tái sinh về hình hài nguyên bản từ trong quả thị. Chưa hết, trong bản gốc của Tấm Cám, Tấm còn trở về báo oán mẹ con Cám rất khốc liệt.
Nhiều người rùng mình trước sự ra tay tàn bạo của Tấm (dội nước sôi cho Cám chết rồi làm mắm gửi cho dì ghẻ). Họ cho rằng Tấm ghê gớm, độc ác không kém gì mẹ con Cám. Hành động báo oán làm lu mờ đi hào quang tốt đẹp của nữ chính, trong khi bản thân cô đã bị giết tới 4 lần. Ở những lần tái sinh chuyển kiếp trước, lần nào Tấm cũng răn đe Cám, như chim vàng anh dạy dỗ cám “giặt áo chồng tao, thì giặt cho sạch”, hay cái khung cửi dằn mặt “kẽo cà kẽo kẹt, lấy tranh chồng chị, chị khoét mắt ra”. Chính những lời răn đe đó đã kích hoạt nỗi sợ hãi trong Cám và càng khiến mẹ con Cám ra tay tàn nhẫn với Tấm hơn, từ chặt cây, vặt lông đến đốt thành tro bụi.
Bởi vì Tấm chưa buông bỏ được chấp niệm, vẫn còn oán giận, trách móc nên số kiếp đoạn trường của cô vẫn còn đeo đẳng, mãi mới được trở lại làm người.
Trong khi đó, con đường đến với happy ending của Lọ Lem không trắc trở nhiều đến vậy, cô không bị hóa kiếp nhiều lần như Tấm. Lọ Lem có nhiều dị bản, song phiên bản nổi tiếng nhất và được đánh giá có tính nhân văn hơn cả là phiên bản của Charles Perrault (Pháp). Phim chuyển thể Cindrella (1950) của Walt Disney cũng sử dụng phiên bản này. Xem phim, ta thấy hình ảnh một cô gái tràn đầy năng lượng, dù người lem luốc, dù phải làm việc nặng nhọc, cô vẫn vui vẻ hát ca, đến nỗi chim chóc trên đầu và cả đàn chuột dưới chân cũng muốn chung vui cùng cô. Không phải lúc nào gặp khó khăn cô cũng ôm mặt khóc nức nở chờ Bụt hiện lên hỏi “Vì sao con khóc?”.
Có phải Kiều xinh đẹp, tài hoa nên bạc phận?
Một ví dụ khác là cuộc đời Thúy Kiều trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Ban đầu cụ Tố Như đổ tại Kiều hồng nhan bạc phận (trời xanh quen thói má hồng đánh ghen), và vì có tài nên mới khổ (chữ tài liền với chữ tai một vần, tài tình chi lắm cho trời đất ghen). Sau rồi chốt lại Kiều số khổ là tại định mệnh, “bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
Tuy nhiên, ngay từ nhỏ Kiều đã thường xuyên tưới tẩm vào tâm hồn mình hạt giống đau khổ sầu muộn, từ tính cách quá đa sầu đa cảm đến những bản nhạc đoạn trường buồn đứt ruột mà Kiều tự tay soạn ra. Bản thân Kiều cũng nhiều lần phạm giới khi đã chủ động xin đi tu rồi mà còn vương vấn hồng trần (than thở với Thúc sinh), hay bỏ trốn khỏi Quan Âm các và trộm đồ thờ bằng vàng bạc nhà Hoạn thư. Đến khi Kiều lên voi (cưới được Từ Hải) thì lại báo oán những người làm cô khổ.
Trong Truyện Kiều có nhân vật Hoạn thư (tức tiểu thư họ Hoạn) được biết đến là người khôn ngoan, sắc sảo và ghen tuông, người đã hành Kiều lên bờ xuống ruộng. Nhưng chính những hạt giống từ bi mà cô gieo đã khiến cô được Kiều tha bổng sau này. Một cách khôn khéo, Hoạn thư cho rằng mình “chút phận đàn bà” cho nên “ghen tuông thì cũng người ta thường tình”. Nhưng câu chốt khiến Kiều tha bổng cho cô chính là màn kể công: “Nghĩ cho ghi gác viết kinh/ Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo”. Hoạn thư kể lại việc mình cho Kiều đi tu, thoát kiếp nô tì và khi Kiều bỏ trốn, mang theo đồ đạc quý giá cũng không truy nã Kiều dù cô thừa sức làm điều đó.
Chính vì Kiều còn tham sân si nên đời cô chưa thể yên bình. Số phận có thể tác động lên đời người nhưng những hạt mầm mà chúng ta gieo mới quyết định mình khổ ít hay khổ nhiều, khổ dài hay khổ ngắn. Lẽ ra Kiều đã có thể rút ngắn được quãng đời đoạn trường của mình thay vì kéo dài đến tận 15 năm. Bởi vì cô thích tìm chỗ đoạn trường mà đi, thích buộc mình vào chữ đa sầu nên những chỗ thong dong mới “ở không yên ổn, ngồi không vững vàng”.
Kết
Đến đây, câu trả lời đã khá rõ ràng, thái độ bạn quyết định cuộc đời bạn. Ở hiền mà chẳng gặp lành vì hiền mà hay buồn, đa sầu đa cảm, hiền nhưng vẫn chưa buông bỏ được sân si, oán giận, hận thù. Chỉ khi “bỏ cái kính đen xuống”, nghĩa là ngừng nhìn đời bằng đôi mắt u ám, người ta mới thoát khỏi kiếp sống vô minh và số phận đau khổ của mình.
I Am NGA
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất