Phim 'Tấm Cám' gây tranh cãi về chất lượng

2016-08-23 09:36
- Hình tượng quái vật dễ gây cười, cảnh chiến tranh sơ sài, lời thoại ngô nghê... là các chi tiết được mổ xẻ ở bộ phim giả tưởng 20 tỷ vừa ra rạp.

Phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể ra rạp từ hôm 19/8. Sau ba ngày công chiếu, tác phẩm do Ngô Thanh Vân đạo diễn nhận luồng ý kiến khen - chê mạnh mẽ.

So với nhiều phim Việt trước đó, các ý kiến khen, chê dành cho phim này rất trái chiều. Nhiều người khen Tấm Cám là tuyệt phẩm cổ trang đáng tự hào của làng phim Việt gần đây, nhưng không ít khán giả thẳng tay chê phim dở và chỉ ra nhiều "sạn".
Khâu kịch bản yếu thường là điều đầu tiên khiến người xem chưa hài lòng ở phim Việt nói chung. Kịch bản phim Tấm Cám không nằm ngoài điều này.

Để xây dựng nội dung tác phẩm giả tưởng, một nhóm biên kịch - trong đó có Ngô Thanh Vân - đã làm việc nhiều tháng. Từ nền tảng của truyện cổ tích quen thuộc, nhóm dựng nên tác phẩm "ngoại truyện" - nơi biên độ của óc tưởng tượng được dịp phát huy. Các biên kịch đã bám chắc, bê nguyên các nhân vật, tình tiết truyện vào phim như: Mẹ con dì ghẻ độc ác luôn tìm cách hãm hại Tấm, Tấm nhiều lần chết đi sống lại, ông Bụt luôn xuất hiện mỗi khi Tấm khóc, Thái tử cho thử giày để tìm vợ, kết phim Thái tử và Tấm hạnh phúc trọn đời...

Ở phần "chuyện chưa kể", họ xây dựng thêm các nhân vật mới, tô đậm hình tượng Thái tử giữa cuộc chiến chống thù trong, giặc ngoài để giữ sự bình an cho muôn dân, đưa vào nhân vật thừa tướng để làm bật tuyến phản diện...

Phim 'Tấm Cám' gây tranh cãi về chất lượng

Poster phim Tấm Cám.

Tuy vậy, cách xử lý tình huống kịch bản lại dễ dãi, dễ đoán. Phim có tham vọng xây dựng hình tượng thái tử như một người hùng đứng lên lãnh đạo ba quân, bảo vệ bờ cõi trước giặc ngoại xâm. Nhưng lý tưởng yêu nước này lại nhạt nhòa về sau vì cao trào phim được giải quyết trong cuộc giao tranh mang màu sắc thần bí giữa hai quái vật đại diện hai phe thiện - ác. Trong đó, phe ác - thừa tướng - gây chiến tranh chỉ vì muốn có đủ linh hồn để tu luyện thành người.

Phim ôm đồm nhiều màu sắc: lãng mạn, ngôn tình, thần thoại, giả tưởng, hành động... nhưng chưa lột tả được màu sắc nào đến nơi đến chốn nên càng về cuối, mạch phim càng đuối dần.

Trên trang cá nhân, độc giả Thảo Nghi chia sẻ cảm nhận "khó có thể tha thứ" cho nội dung phim khi dễ dàng đưa quái vật vào để giải quyết mọi xung đột của kịch bản. Nhiều khán giả cũng đồng lòng với ý kiến hai quái vật được cài vào phần cuối đã làm hỏng phần nội dung được xây dựng liền mạch từ đầu.

Chia sẻ trên mạng xã hội, độc giả có nickname Mr. True cho rằng nội dung truyện cổ ít chặt chẽ, thiếu tình tiết nhưng có thể chấp nhận được vì là tác phẩm dân gian. "Còn khi đưa lên màn ảnh rộng, người xem cần những nhân vật được khắc họa có chiều sâu về tâm lý, tính cách và các tình huống đưa ra phải hợp lý hơn. Phim Tấm Cám chưa làm được điều này do phần 'chuyện chưa kể' khá nhạt nhòa".

Khán giả này cho ví dụ, trong truyện mỗi lần gặp thử thách, Tấm có thể ngồi khóc để chờ Bụt hiện ra. Nhưng theo anh, khán giả cần một nàng Tấm ở phim có hồn hơn, được xây dựng đầy đặn và thuyết phục hơn về số phận, tính cách.

Lời thoại của nhiều nhân vật trong phim cũng bị chê sáo rỗng. Các hạt sạn lời thoại kiểu như: Tấm đợi cho Thái tử nuốt trót lọt viên ngọc thần mới cảnh báo chàng sẽ bị biến thành quái vật, Tấm nức nở bên quái vật nói tiếng người với lời yêu đương ngôn tình... gây phản tác dụng. Các tình tiết đáng lẽ gây xúc động, cao trào lại làm khán giả bật cười.

Phần kịch bản còn điểm yếu khiến diễn xuất của nhiều diễn viên chưa tạo được màu sắc trọn vẹn cho nhân vật.

Bên cạnh sự chắc tay của các nghệ sĩ gạo cội như NSƯT Thành Lộc, Hữu Châu, NSND Ngọc Giàu, nhân vật Tấm của Hạ Vi và Thái tử của ca sĩ Isaac bị nhận xét chỉ chạm được bề nổi của nhân vật, chưa đào sâu vào nội tâm.

Phim 'Tấm Cám' gây tranh cãi về chất lượng

Hạ Vi diễn cảnh nàng Tấm trèo cây cau bị mẹ ghẻ chặt cây.

Cơ mặt, ánh mắt của Tấm khi vui, hạnh phúc hay khi đau khổ, gặp nguy nan đều đều như nhau, chuyển biến tâm lý và cảm xúc không rõ nét. Isaac phải gắng chạy theo mạch phim - vốn khoác lên anh "chiếc áo rộng" về diễn xuất - khi vừa là Thái tử chung tình, vừa là người hùng của đất nước.

Các thành viên nhóm 365 - học trò của Ngô Thanh Vân - và diễn viên Ngọc Trai được đưa vào phim ở các tuyến nhân vật phụ. Trong đó, chỉ có Jun với vai Thuận Nô tạo được dấu ấn, còn Trần Bằng (ca sĩ Will), Thạch Biền (S.T) hay Nguyễn Lực (Ngọc Trai) chưa tạo được nét riêng để khán giả nhớ đến.

Trong quá trình thực hiện, đoàn phim đã thành công khi thu hút khán giả, nhất là người trẻ, chú ý vào từng nhân vật. Khán giả dồn tình cảm dành cho các diễn viên như Ninh Dương Lan Ngọc, Ngô Thanh Vân, Hạ Vi, Isaac... Nhiều người dành hết lời khen diễn xuất của Ngô Thanh Vân trong vai dì ghẻ, Lan Ngọc trong vai Cám khi xem trailer. Nhưng khi phim chiếu, hai diễn viên nhận luồng ý kiến trái chiều cho rằng họ cường điệu nét diễn không cần thiết khiến vai mẹ con Cám quá ồn ào, gây mệt mỏi cho người xem.

Trong số kinh phí 20 tỷ đồng, Ngô Thanh Vân chi khoảng hai tỷ để thực hiện phần trang phục của các nhân vật - mảng gây tranh cãi nhiều nhất từ khi phim chưa chiếu.

Đội ngũ thiết kế của phim đã biến tấu tà áo tứ thân thành những dạng váy áo cách điệu cho nhân vật nữ trên màn ảnh, đi kèm các phụ kiện sặc sỡ. Trang phục cho các nhân vật nam cũng được đầu tư không kém, với áo dài, áo giáp cầu kỳ. Nhiều người bày tỏ phần phục trang của phim đã góp phần giới thiệu những nét đặc trưng, hiện đại của thời trang Việt trong xu thế đi lên và kế thừa các giá trị truyền thống nên đây được xem là điểm sáng cho phim.

Tuy nhiên, không ít khán giả nhận xét váy áo, phụ kiện của Tấm, Cám, dì ghẻ... còn quá lòe loẹt. Dù gia đình Tấm, Cám ở quê, phải mò cua bắt ốc để cải thiện bữa ăn, quần áo của họ lại lượt là, quý phái, mới tinh.

Ngô Thanh Vân từng chia sẻ kinh phí 20 tỷ - một con số hạn chế - khiến cô hiểu rõ phim mình còn nhiều nhược điểm ở dàn dựng, kỹ xảo điện ảnh.

Phim 'Tấm Cám' gây tranh cãi về chất lượng

Nhiều khán giả cho rằng phim "Tấm Cám" chưa vượt qua được những "hạt sạn" thường thấy của điện ảnh Việt nói chung.

Ngoài ra còn có những lỗi không nằm ở chuyện ít hay nhiều tiền mà ở kinh nghiệm xử lý của đạo diễn và êkíp. Đây là điều họa sĩ Trương Huyền Đức chia sẻ trong bài viết khá dài đăng trên trang cá nhân sau khi xem phim.

Họa sĩ thiết kế này tự chấm cho Ngô Thanh Vân điểm 3 trong thang điểm 10 ở lần đầu cô đạo diễn phim điện ảnh. Theo anh, nếu nữ đạo diễn có kinh nghiệm hơn và có đội ngũ hỗ trợ tốt hơn ở các khâu giám sát phim trường, thiết kế, quay phim... thì có lẽ phim của cô tránh được nhiều lỗi.

"Những đám lính quơ quào, lỗi đồng bộ, mấy vết bánh xe ôtô to chảng trên đường đất khi các chàng cưỡi ngựa… là những cái đáng ra phải phát hiện được ngay trên trường quay. Cái này có lẽ không phải vấn đề kinh phí mà vẫn là vấn đề tầm nhìn", họa sĩ Trương Huyền Đức góp ý.

Các đại cảnh lễ hội chốn hoàng cung, màn chiến tranh, đánh nhau còn sơ sài khi được quay cận cảnh. Quân lính chết trong trận chiến ở phim được khán giả ví chết theo kiểu "bánh mì phết bơ" vì ai cũng nằm ngửa, chiến trường không giọt máu.

Hình ảnh, màu sắc chung của cả bộ phim được khen đẹp và rực rỡ quá mức cần thiết, khiến phim giống với các đoạn quay quảng cáo hơn là mang chất điện ảnh.

(Theo VnExpress)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


7 món phụ kiện hot trend của Gen Z, các nàng nên sở hữu vì xinh muốn xỉu