Từ chuyện trượt đại học của Jenny Huỳnh: Thất bại ở môi trường tầm trung không có nghĩa là bạn không thể đạt thành tựu lớn lao hơn
Tin liên quan
Trượt trường top 80 nhưng đỗ đại học top 3 thế giới
Jenny Huỳnh (tên thật là Huỳnh Việt Hoàng Vy, sinh năm 2005) là một YouTuber trẻ tuổi sở hữu kênh YouTube với hơn 3 triệu lượt đăng ký - một thành tích đáng nể ở tuổi 18. Tuy là một “rich kid” chính hiệu nhưng các video của Jenny Huỳnh không khoe khoang độ giàu có mà thường chỉ xoay quanh cuộc sống đơn giản: một ngày đi học, ăn vặt trước cổng trường, ngủ lại trong trường... Chính sự giản dị này đã giúp Jenny Hùynh ghi điểm tích cực trong mắt người hâm mộ Việt Nam.
Vào ngày 23/4, một video được Jenny đăng tải khiến người hâm mộ không khỏi lo lắng, trong đó cô bạn vừa lái xe vừa khóc và phải đi ăn để cho trôi nỗi buồn. Jenny sau đó cho biết nguyên nhân là vì bị trường đại học từ chối, cô bạn chia sẻ: “Bây giờ thì mình quá là ổn rồi nên các bạn đừng có lo. Tại tốc độ chỉnh video của mình rất lâu nên mới như vậy. Cuối cùng, mình chỉ muốn nói bây giờ mọi thứ quá là ổn rồi”.
Tuy cuối video Jenny đã cười trở lại song người hâm mộ vẫn tỏ ra lo lắng vì đôi khi một nụ cười chưa chắc đã bằng mười thang thuốc bổ, nhất là khi trước đấy Jenny tiết lộ mình đang ở trong trạng thái “trầm cảm”. Phải đến vài ngày sau khi khắp mạng xã hội rộn lên tin cô bạn đã được nhận vào đại học Stanford (Mỹ) - ngôi trường nằm trong top 3 đại học tốt nhất thế giới - thì người hâm mộ mới an tâm và xúc động chúc mừng cô gái trẻ đầy tài năng.
Jenny Huỳnh đỗ đại học Stanford
Thất bại ở môi trường tầm thấp và tầm trung không có nghĩa là bạn không có năng lực đạt thành tựu lớn lao hơn
Không phải ngẫu nhiên mà người ta xếp hạng các môi trường học tập và làm việc. So với đại học top dưới, đại học hàng đầu có cơ sở vật chất tốt, giảng viên sở hữu chuyên môn cao, học bổng hấp dẫn, sinh viên được tiếp cận với nguồn tài nguyên khổng lồ, có cơ hội tiếp xúc với những người ưu tú và nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp lớn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường...
Công ty cũng vậy, một môi trường làm việc tốt là môi trường có nền văn hóa lành mạnh, lãnh đạo tâm lý, các cá nhân được tạo điều kiện để phát triển, chính sách tiền lương rõ ràng...
Ai cũng ước có một môi trường tốt để học tập và làm việc
Tuy nhiên, để đánh giá một người giỏi hay kém thì không đơn giản và dễ dàng như vậy. Với câu chuyện của Jenny Huỳnh, khi hay tin cô bạn bị trường đại học top 80 thế giới từ chối, liệu trong số chúng ta có ai nảy sinh suy nghĩ “xem ra cô bé này học hành chẳng giỏi như làm YouTuber” không? Tôi cho rằng đây là một phản ứng vô thức dù có thể chúng ta không hề có ý xấu. Bởi trong nhận thức đã được định hình của mỗi người, năng lực của cá nhân sẽ được phản ánh thông qua môi trường họ học tập và làm việc.
Thi cấp 3, học sinh giỏi đỗ các trường top đầu, học sinh kém trượt công lập thì vào trường tư hoặc bổ túc. Khi đăng ký nguyện vọng đại học cũng tương tự, người giỏi hướng đến Big4 còn người dốt thì chỉ cần đỗ vào trường “làng nhàng” là đã đủ thỏa mãn. Như thế, trong ấn tượng xưa nay của chúng ta, người tài giỏi sẽ làm ở vị trí cao còn người ít năng lực thì đương nhiên yên phận vị trí dưới.
Điều ấy có thể đúng trong nhiều trường hợp, tuy nhiên không thể phản ánh chính xác hoàn toàn năng lực của mỗi người. Đôi khi, thất bại trong một môi tầm thấp hoặc tầm trung không có nghĩa là vì chúng ta thiếu năng lực, mà có thể do thiếu chút may mắn hoặc phía công ty cảm thấy chúng ta không hợp với văn hóa của họ.
Trở lại câu chuyện trên, khi nói về sự thành công của mình, Jenny Huỳnh cho biết: “Các trường Mỹ luôn muốn tìm kiếm ứng viên có khả năng lãnh đạo và đóng góp cho cộng đồng bên cạnh thành tích học thuật và nghiên cứu. Đó có thể là lý do em được lựa chọn”. Nhìn vào những hoạt động tình nguyện của Jenny từ trước đến nay, chúng ta có thể hiểu được vì sao cô bạn lọt vào sự chú ý của ngôi trường danh giá thế giới này: Họ đánh giá cao những đóng góp cho xã hội của ứng viên - điều mà có thể môi trường đã từ chối Jenny Huỳnh không đặt nặng.
Không phải lúc nào môi trường học tập và làm việc cũng phản ánh chính xác năng lực của con người
Tôi từng đọc một câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên Facebook thế này: Một cô gái đi xin việc và bị từ chối dù cô rất tự tin vào CV của bản thân. Điều đó làm cô rất buồn và thất vọng. Để rồi nhiều năm sau cô mới biết thì ra lý do khi ấy mình không được nhận là vì... quá giỏi, công ty nghi ngờ cô là gián điệp do đối thủ gài vào, bởi một người xuất chúng như thế thì không lý gì lại apply công việc lương ba cọc ba đồng cả.
Nhìn chung, có nhiều hơn một lý do khiến chúng ta gặp khó khăn trong cuộc sống ngoài việc bản thân không đủ năng lực. Vậy nên đừng vội bỏ cuộc khi mới chỉ thất bại lần một lần hai. Không ngừng nỗ lực hoàn thiện, thành công tự khắc sẽ đến với bạn.
Vivian
Ảnh: Sưu tầm
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất