'Ôm rơm rặm bụng': Tại sao chúng ta không nên cố giải quyết vấn đề hộ người khác?
Tin liên quan
Cô bạn thân của bạn đã quay lại với người yêu cũ tới lần thứ tư trong năm nay. Hắn đã lừa dối nàng, rồi lại nài nỉ xin quay lại và một mực rằng sự phản bội tuyệt đối sẽ không tái diễn. Những tình huống này đã lặp lại không biết bao nhiêu lần. Bạn bực bội vì nàng hết lần này tới lần khác đều không nghe mình, để rồi mỗi khi có chuyện lại tìm đến bạn để than thân trách phận. Bạn cáu bẳn với suy nghĩ cô bạn thân thật mù quáng, “vì yêu cứ đâm đầu” dù biết phía trước là ngõ cụt.
Bạn ngầm phán xét cô bạn bằng những lời: “Tao đã bảo mà!”, “Tại sao không thể dứt khoát kết thúc?”, “Cố níu lấy một người không tốt để mà làm gì?”… Bạn tin rằng mình đang giúp đỡ người ta, những giải pháp của bạn có thể cứu họ chạy ra khỏi mối quan hệ tồi tệ. Bạn nghĩ mình có thể sửa chữa các vấn đề của bạn thân và khiến họ có cuộc sống tốt hơn. Nhưng những hành động ấy thực tế không giải quyết được gì cả, mà ngược lại, nó còn khiến cô bạn thân kia cảm thấy thêm tồi tệ.
Nếu thấy ai đó đang gặp khó khăn, chúng ta nhanh chóng chạy theo và cứu họ khỏi những rắc rối. Chúng ta đã được dạy rằng đây là một hành động thể hiện sự quan tâm và lòng tốt. Nhưng nó có thực sự là tốt? Hơn nữa, điều gì thực sự thôi thúc chúng ta nhảy vào vấn đề của người khác và hành động như một “vị cứu tinh”? Có thể nó liên quan đến suy nghĩ, nhu cầu và cảm xúc của chính chúng ta hơn là của họ.
Vì sao chúng ta muốn ngăn cản người khác mắc sai lầm?
Vì nhu cầu kiểm soát của chính chúng ta
Nhìn lại câu chuyện cô bạn thân ban nãy, theo bạn, tại sao chúng ta thường cố gắng giải quyết vấn đề của người khác như vậy?
Bởi vì vấn đề khiến chúng ta khó chịu. Liên tục nghe về rắc rối của người khác khiến chúng ta càng cảm thấy tồi tệ hơn.
Một vấn đề chưa có giải pháp là bản chất của sự không chắc chắn, và tâm lý con người không thích sự không chắc chắn. Chúng ta không thể chịu đựng được, bởi vì đó là cảm giác chúng ta không thể kiểm soát bất cứ thứ gì.
Vì vậy, chúng ta “phải tìm ra giải pháp”. Và thành thực mà nói, chính chúng ta mới là người cảm thấy mệt mỏi khi nói về chuyện tình cảm của cô bạn thân kia một lần, rồi một lần nữa. Không phải là cô ấy.
Thông thường, sự khó chịu này có thể đến từ sự đồng cảm. Bạn biết bạn của mình là một cô gái tuyệt vời, chu đáo, thông minh và xứng đáng có được mối lương duyên tốt hơn là một gã phụ bạc. Bạn ghét nhìn thấy nàng đau khổ, và muốn vơi bớt đi sự đau khổ ấy.
Tuy nhiên bằng cách cố gắng giải quyết vấn đề, chúng ta chỉ đang thu hút sự bực tức, nhu cầu kiểm soát cũng cảm giác buồn bã vào người, và vô tình trút lại cho người khác. Bởi thế, ngay cả khi hành động giúp đỡ này xuất phát từ lòng tốt, chúng ta cuối cùng vẫn đang cố gắng làm cho chính mình cảm thấy tốt hơn.
Vì chúng ta nghĩ rằng mình có trách nhiệm với hạnh phúc của người khác
Tự cho mình là “người sửa chữa” bởi bạn tin rằng mình cần có trách nhiệm với hạnh phúc của những người xung quanh. Nhưng tinh thần trách nhiệm đặt không đúng chỗ sẽ trở thành dấu hiệu không lành mạnh trong mối quan hệ - khi chúng ta vô tình xâm phạm ranh giới riêng tư của người khác.
4 lý do bạn không nên cố "xắn tay" sửa chữa vấn đề hộ người khác
Cố giải quyết vấn đề hộ người khác cho thấy rằng bạn không thực sự lắng nghe
Đôi khi một ai đó tỏ bày tâm sự chỉ vì họ muốn được trút nỗi lòng. Có một người bên cạnh chân thành lắng nghe là một niềm an ủi, ngay cả khi vấn đề ấy khó xử lý tới mức nào.
Khi chồng trở về nhà và kể cho bạn nghe một ngày tồi tệ của anh ấy ở cơ quan và cách ông sếp hách dịch đã mắng nhiếc anh ấy như thế nào vì những lỗi lầm nhỏ nhặt, thay vì đặt câu hỏi về cảm giác hiện tại của chồng mình, tâm trí bạn bắt đầu lướt qua tất cả các khả năng: những gì chồng bạn nên đáp lại sếp, cách chồng nên xử trí, hoặc nếu tệ hơn thì anh ấy có thể nghỉ việc và nhận một công việc khác.
Trong khi những người thân yêu đang ngồi trước mặt chúng ta và cần sự lắng nghe, tâm trí chúng ta lại đang ở một nơi khác.
Mọi người có khả năng tháo vát hơn bạn nghĩ
Nhìn thấy chú bướm đang vật lộn để thoát ra khỏi cái kén của mình, một cậu bé rất lo lắng nên quyết định giúp đỡ. Cậu bé lấy kéo và giải cứu con bướm bằng cách làm lỗ trên chiếc kén lớn hơn. Khi con bướm bay ra được, cậu vừa vui mừng lại vừa hoang mang. Nó có một đôi cánh nhỏ và teo tóp. Cậu tưởng rằng nó có thể bay, nhưng không. Nó đã phải dành phần còn lại của đời bướm để bò lổm ngổm với cơ thể sưng tấy và đôi cánh chưa hoàn thiện hoàn toàn. Con bướm đã cố gắng vượt qua lỗ nhỏ của cái kén để đẩy chất lỏng ra khỏi cơ thể. Nếu không có sự đấu tranh, nó sẽ không bao giờ có thể bay được. Nhưng ý định tốt của cậu bé đã vô tình làm hại con bướm tội nghiệp.
Trong cuộc sống, mỗi tình huống khó khăn xuất hiện trong đời chúng ta đều là cơ hội để mỗi người hoàn thiện mình. Mỗi thử thách đều chỉ xảy đến với những người đủ bản lĩnh đương đầu với nó. Bởi vậy nên, sự nhiệt tình giúp đỡ của bạn đôi khi là không cần thiết và thậm chí, còn ngăn cản người khác phát triển và học hỏi bài học họ cần đối diện.
Bạn có thực sự biết điều gì là tốt nhất cho họ?
Đây là một trong những lý do quan trọng cho thấy bạn không nên giải quyết vấn đề của người khác. Bạn có thực sự biết điều gì là tốt nhất cho họ? Bạn nhìn thế giới bằng lăng kính ghi dấu những trải nghiệm cá nhân của riêng bạn. Tuy nhiên, những người khác lại có lăng kính khác.
Điều tốt cho người này có thể không tốt cho người kia và mỗi người đều phải đi con đường của riêng mình. Giải quyết vấn đề của người khác không phải là một ý kiến hay bởi chúng ta sẽ khiến họ không còn tin vào khả năng của chính mình. Nếu bạn muốn giúp đỡ, hãy cho người đó biết rằng bạn sẵn lòng hỗ trợ song hãy để họ tự quyết định và tạo ra vận mệnh của riêng họ.
Nếu không can thiệp, vậy thì chúng ta có thể làm gì khác hơn?
Lắng nghe chân thành
Đa phần mọi người “kể khổ” chỉ vì họ muốn được lắng nghe. Vì thế, khi ai đó đang trút bầu tâm sự với bạn, hãy cố gắng ngăn bộ não ngay lập tức chuyển sang chế độ “giải quyết vấn đề” bằng cách lắng nghe thật chú tâm. Bạn có thể gật đầu, đặt câu hỏi cho họ, hỏi cảm nhận của họ về điều đã xảy ra. Trong nhiều tình huống, một câu đơn giản như: “Tôi rất tiếc, những gì bạn trải qua thực sự khó khăn” – lại trở thành một điều kỳ diệu khiến ai đó được vỗ về và đồng cảm.
Cho họ thấy sự sẵn lòng hỗ trợ của bạn, thay vì lời khuyên
Thay vì đưa ra các giải pháp, hãy cho họ thấy rằng bạn luôn ở đây để hỗ trợ khi họ cần. Điều đó sẽ khiến họ thấy rằng bạn quan tâm họ đến mức nào, và rằng bạn là nguồn an ủi đáng tin cậy. Hành động này cũng giúp bạn quan tâm và gắn bó với ai đó mà không cảm thấy phải có trách nhiệm sửa chữa vấn đề cuộc đời họ.
Tự hỏi bản thân tại sao bạn “bắt buộc phải giúp đỡ họ”?
Nếu đó hoàn toàn là vì những lý do cá nhân (bạn cảm thấy mệt mỏi khi phải nghe họ than phiền hết lần này đến lần khác), hãy điều chỉnh lại cảm xúc để không trút ngược lại sự tiêu cực lên người mà bạn đang giúp đỡ. Và ngay cả khi đó là những lý do cao cả (bạn không muốn họ phải đau khổ), hãy nhắc bản thân rằng những lời bình mang tính phán xét, áp đặt của mình cũng không khiến cho ai đó cảm thấy khá hơn.
Kết
Nếu bạn thực sự quan tâm ai đó, hãy để họ được đương đầu với cuộc chiến của riêng mình. Chúng ta chỉ là những con người bé nhỏ, không đủ năng lực sửa chữa mọi thứ ở trên đời. Hãy nhìn nhận vấn đề một cách nhẹ nhàng hơn và tôn trọng tiến trình phát triển của những người bên cạnh. Thực hành lắng nghe chân thành và đồng cảm, hỗ trợ họ nhìn vào bên trong để tự tìm kiếm câu trả lời. Bởi lẽ, trực giác của mỗi chúng ta mới hiểu rõ nhất mình cần làm gì, hơn là lời khuyên của bất kỳ ai khác.
Cẩm Mịch
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất