Nhà sư bị hiểu lầm vẫn cúi đầu xin lỗi: Một bài học quý về đức tính nhẫn nhịn và vị tha

I Am NGA 2022-06-27 09:21
- “Nhẫn một chút sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Nhẫn nhịn không phải là yếu đuối, nhu nhược, để cho cái ác lên ngôi. Hành xử của những người tu hành đứng trên một nhân sinh quan khác.

Không phải ai cũng có thể thực hành tính nhẫn nhịn và vị tha trước những tình huống thực tế trong cuộc sống. Khi bị hiểu lầm, bị nhục mạ trước đám đông, phản ứng của một người cho thấy phẩm chất và sự rèn giũa nội tâm của họ.

Nhà sư bị nữ diễn viên tát và nhục mạ trước đám đông

Hồi đầu tháng 6, tờ The Nepali đưa tin vụ việc nữ diễn viên người Nepal Miruna Maga đã lớn tiếng mắng chửi và tát một nhà sư tên là Furba Tamang vì cho rằng người này đã lợi dụng đám đông hỗn loạn để sàm sỡ, động chạm cơ thể cô. Nhà sư đã lập tức xin lỗi và nhanh chóng rời đi nhưng Miruna không dễ dàng bỏ qua, cô đuổi theo và tiếp tục nhục mạ nhà sư trước đám đông.

Vụ việc ồn ào đã khiến nhà sư bị bắt tạm giam. Tại cơ quan cảnh sát, nhà sư Tamang phải ký tên vào biên bản thừa nhận toàn bộ tội lỗi của mình và xin lỗi diễn viên Miruna. Nữ diễn viên chấp nhận lời xin lỗi và hứa không truy cứu sự việc.

Nhà sư bị hiểu lầm vẫn cúi đầu xin lỗi: một bài học quý về đức tính nhẫn nhịn và vị tha

Nhà sư bị hiểu lầm vẫn cúi đầu xin lỗi: một bài học quý về đức tính nhẫn nhịn và vị tha

Nhà sư chấp nhận xin lỗi diễn viên Miruna ở cơ quan cảnh sát. Ảnh: The Nepali.

Sau đó, một video với góc quay rõ nét hơn được đăng tải trên mạng đã cho thấy người cố ý động chạm Miruna là một người đàn ông khác. Nhà sư Tamang vô tình đi ngang qua đúng lúc đó nên đã bị hiểu lầm và đổ oan. Một số nhà sư và người ủng hộ tại Sikkim (Ấn Độ) đã tiến hành họp báo, lên tiếng đòi lại công bằng cho nhà sư và yêu cầu từ Miruna một lời giải thích rõ ràng. Tuy nhiên, phía Miruna vẫn một mực giữ im lặng, khóa bình luận và xóa hết những bình luận đòi công bằng cho nhà sư.

Nhà sư bị hiểu lầm vẫn cúi đầu xin lỗi: một bài học quý về đức tính nhẫn nhịn và vị tha

Đoạn video cho thấy người động chạm nữ diễn viên là một người đàn ông khác.

Ở Nepal, làn sóng phẫn nộ của công chúng bùng lên mạnh mẽ. Nhiều người xuống đường thể hiện sự phản đối hành động của Miruna, xé poster, tẩy chay nữ diễn viên cũng như bộ phim Kabaddi 4 mà cô đóng chính. Bởi lẽ, hành động của cô đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, uy tín của một nhà sư và cộng đồng Phật giáo nói chung. Cư dân mạng cho rằng việc nhà sư xin lỗi trước đó là do sự ép buộc từ phía Miruna, nếu không sẽ đệ đơn kiện.

Mới đây, dân mạng tiếp tục lan truyền clip nhà sư Tamang lên tiếng sau vụ việc: “Tôi không nghĩ mọi chuyện lại được lan truyền nhanh đến vậy, chỉ mong mọi người ngừng nóng giận lại, đừng chấp nhất nữa rồi mọi thứ sẽ ổn thôi. Đúng sai bây giờ không quan trọng nữa. Quan trọng là chúng ta hãy yêu thương và tha thứ cho nhau.”

Nhà sư bị hiểu lầm vẫn cúi đầu xin lỗi: một bài học quý về đức tính nhẫn nhịn và vị tha

Trên mạng lan truyền video nhà sư kêu gọi cộng đồng mạng ngừng nóng giận và yêu thương nhau.

Nhận lỗi dù biết mình không có lỗi là bài học gì?

Nhiều người đã bình luận rằng tại sao nhà sư phải xin lỗi dù biết mình vô tội? Làm như vậy chẳng khác gì tiếp tay cho cái xấu, cái ác lên ngôi.

Trước một sự việc như vậy, ở vị trí của nhà sư bị đổ oan, người ta sẽ bất bình và không thừa nhận, đây là phản ứng bình thường. Còn với cộng đồng mạng, họ sẽ thấy thương cảm cho nhà sư, bức xúc và muốn tẩy chay cô diễn viên, đó cũng là phản ứng thông thường của đám đông. Chúng ta không thể lấy cảm xúc nhất thời của đám đông để đo lường trí huệ của người tu hành. Một nhà sư không thể phản ứng theo cái cách mà người bình thường phản ứng.

Thời Phật Thích Ca còn tại thế, Ngài được nhiều người tin theo khiến các giáo phái khác ganh ghét, tìm cách hãm hại. Họ cử một cô gái tên là Cinca Manavika giả vờ mang thai và vu khống Đức Phật. Cô ta đã tìm đến chửi mắng Đức Phật giữa đại chúng. Đức Phật khi ấy đang thuyết pháp bèn dừng lại, điềm nhiên, bình thản nói: “Này chị, những gì chị nói đúng hay sai, chỉ có tôi và chị biết thôi”. Đức Phật cũng từng bị những kẻ ngoại đạo vu khống việc sát hại nàng Tôn-đà-lỵ. Ngài vẫn chọn im lặng, không giải thích, cuối cùng Ngài đã được minh oan.

Nhà sư bị hiểu lầm vẫn cúi đầu xin lỗi: một bài học quý về đức tính nhẫn nhịn và vị tha

Trong vở chèo Quan Âm Thị Kính, nàng Thị Kính bị hàm oan tội hãm hại chồng nên bị đánh mắng và đuổi về nhà bố mẹ đẻ. Phẫn chí, nàng giả trai đi tu và được ban pháp danh Kính Tâm. Xuất gia rồi vẫn không yên, Kính Tâm lại bị Thị Mầu quyến rũ và đổ oan là tư thông với ả. Kính Tâm bị đuổi khỏi chùa và bị ép phải nhận nuôi đứa con rơi, vốn là sản phẩm của Thị Mầu và tên hầu trong nhà. Vài năm sau, Kính Tâm vì lao lực mà qua đời, lúc hấp hối còn kịp để lại một bức thư cho cha mẹ. Xem thư, người ta mới vỡ lẽ Kính Tâm là phận nữ và biết những oan khiên mà bà phải chịu. Đức Thích Ca xét Kính Tâm đã tu thành chính quả nên đã cho bà siêu thăng thành Quan Âm.

Không chỉ Phật giáo mà nhiều tôn giáo khác cũng đề cao đức tính nhẫn nhịn, bao dung, tha thứ cho người khác. Theo Kitô giáo, Chúa Jesus phải chịu cực hình đóng đinh và chết trên cây thập giá để cứu rỗi và chuộc tội cho lỗi lầm của loài người. Khi chỉ còn chút hơi tàn, Chúa Jesus vẫn cầu nguyện: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm.”

Kitô giáo cũng có điều răn rằng: “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa”. Lời dạy này thể hiện thái độ ứng phó trước sự xúc phạm mà không trả thù, đồng nghĩa với câu “hãy yêu thương kẻ thù” và là nghịch đảo của câu “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Quan niệm trả thù sòng phẳng là một tàn dư của tập quán nguyên thủy và không còn phù hợp khi con người đạt đến trình độ nhận thức cao.

Nhà sư bị hiểu lầm vẫn cúi đầu xin lỗi: một bài học quý về đức tính nhẫn nhịn và vị tha

Hầu hết các tôn giáo đều khuyên con người sống bao dung và vị tha.

Những người tu hành có trí huệ cao thường chấp nhận gánh chịu tội lỗi do người khác gây ra, họ luôn nhìn thấy lỗi của mình chứ không đổ lỗi cho điều gì khác. Họ không bực tức, nổi giận khi bị đổ oan mà còn thương xót cho những kẻ vô minh mà hành xử sai lầm. Sự cố của nhà sư bị tát oan cũng như một thử thách, một bài học trên con đường tu tập mà sư phải vượt qua. Sư đã học được bài học nhẫn nhịn, yêu thương và tha thứ. Còn chúng ta, một khi vẫn còn bức xúc với cô nữ diễn viên thì bao giờ mới hết sân si và học được những bài học của mình?

“Nhẫn một chút sóng yên bể lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Nhẫn nhịn không phải là yếu đuối, nhu nhược, để cho cái ác lên ngôi. Hành xử của những người tu hành đứng trên một nhân sinh quan khác. Phật giáo, cũng như những tôn giáo khác, không chấp nhận sự bất công, suy đồi đạo đức. Họ hiểu rằng mỗi cá thể là một thành phần tạo nên một vũ trụ hợp nhất. Để thay đổi một thế giới bất công, tàn ác, sân hận, trước hết mỗi người cần thay đổi chính mình, bắt đầu từ thế giới nội tâm bên trong.

Để nhẫn nhịn mà không bạc nhược, con người phải hiểu thấu mình chấp nhận oan trái vì điều gì. Vì muốn che đậy sự yếu đuối, hèn nhát, vì muốn tránh phiền phức hay là sự thấu hiểu, bao dung, nhìn rõ nhân quả?

Làm sao để rèn luyện tính bao dung và tha thứ?

Bài thiền Ho’oponopono của người Hawaii bản địa nay đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới trong việc luyện tập sự tha thứ và chữa lành. Bài thiền này gồm bốn câu đơn giản: “I’m sorry. Please forgive me. Thank you. I love you” (Tôi xin lỗi. Hãy tha thứ cho tôi. Cảm ơn. Tôi yêu bạn!”

Người Hawaii cổ tin rằng việc giữ những cảm xúc cực đoan như giận dữ, thù hận chỉ khiến ta thêm tổn thương. Việc xin lỗi ở đây không bàn đến tính đúng sai mà là nghi thức mang tính biểu tượng, mang đến một nguồn năng lượng chữa lành gửi vào thinh không.

Ho’oponopono cũng được phổ nhạc với cả phần lời tiếng Anh và tiếng Việt, giúp dễ nhớ, dễ nhẩm theo. Bản tiếng Việt có hai sáng tác của Minh Tịnh là Thương thươngTha thứ. Trong đó phần lời bài Tha thứ gần như bám sát ý nghĩa gốc của bài thiền Ho’oponopono. Còn bài Thương thương có những câu hát hơi khác một chút, nhưng vẫn giữ được ý nghĩa và tinh thần của Ho’oponopono.

“Tôi xin tha thứ, tha thứ cho chính tôi

Và tôi xin tha thứ, tha thứ cho mọi người

Tôi xin yêu mến, thương hết tâm tính trong tôi

Và tôi xin yêu mến, thương hết tâm tính mọi người

Ai sai ai đúng, thì cũng đau đớn thân tâm

Vậy thôi ta tha thứ, hạnh phúc cho suốt cuộc đời”.

Bạn có thể dễ dàng tìm nghe những bản nhạc thiền này trên YouTube và có thể nghe thường xuyên mỗi ngày để giúp tĩnh tâm và rèn luyện sự bao dung, tha thứ.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Loạt người đẹp hết lộ ngực đến 'vùng cấm địa' trên đấu trường nhan sắc quốc tế