Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/10 nghĩ về tinh thần tôn sư trọng đạo: Không thầy đố mày làm nên

2023-11-20 08:30
- Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/10 là ngày tri ân những người thầy.

Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/10 là ngày tri ân những người thầy.

Không thầy đố mày làm nên

Trong suốt cuộc đời con người, từ khi sinh ra đến khi mất đi, không ai là không có ít nhất một người thầy trong đời. Từ thuở mới lọt lòng ta đã được dạy dỗ bởi những người thầy đầu tiên là cha mẹ. Đến tuổi cắp sách tới trường, ta lại có thầy dạy chữ, thầy dạy kiến thức, văn hóa với nhiều bộ môn khác nhau. Cứ như thế, càng học lên lại có thêm những người thầy khác, thầy dạy chuyên môn, ngành nghề.

Thời xưa, muốn được dạy người ta còn phải tầm sư học đạo, đi tìm thầy và vái lạy xin thầy nhận mình làm đệ tử. Không phải ai cũng được các vị thầy nhận làm học trò và trong số các đệ tử, không phải ai cũng được sư phụ truyền dạy hết bí quyết, công phu. Người thầy sẽ âm thầm quan sát trong số các học trò, ai có tư chất, nhân phẩm tốt sẽ được dạy nhiều hơn. Chính vì thế nên tôn sư trọng đạo đã trở thành truyền thống muôn đời, đây là tinh thần phải có của bất kỳ người học trò nào.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/10 nghĩ về tinh thần tôn sư trọng đạo: Không thầy đố mày làm nên

Trong tiểu thuyết Tây du ký của Ngô Thừa Ân, nhân vật Tôn Ngộ Không với 72 phép thần thông quảng đại cũng phải tầm sư học đạo mới có được bản lĩnh đó. Mỹ Hầu Vương đã rời Hoa Quả Sơn, tự mình vượt ngàn dặm núi sông để bái Bồ Đề Tổ Sư làm thầy. Đây chính là người đã dạy phép thuật cho Tôn Ngộ Không. Sau khi đã chân truyền hết tinh hoa phép thuật cho đệ tử ruột, Bồ Đề Tổ Sư đã đuổi Tôn Ngộ Không đi và căn dặn sau này tuyệt đối không được tiết lộ sư phụ là ai. Một Tôn Ngộ Không ngang tàn phách lối, không sợ Trời, không sợ đất, đại náo thiên cung nhưng một lòng cung kính sư phụ.

Sau này Tôn Ngộ Không còn có thêm một người thầy nữa là Đường Tăng. Nếu như Bồ Đề Tổ Sư là vị thầy mà Tôn Ngộ Không chủ động chọn tầm sư học đạo thì Đường Tăng là người thầy mà Quán Thế Âm Bồ Tát chọn cho Tôn Ngộ Không. Một thầy dạy phép thuật, một thầy dạy Phật pháp. Nhờ có Đường Tăng có tâm từ bi mà Tôn Ngộ Không bớt dần tính nóng nảy, kiêu căng, tự mãn. Khi vừa bái sư chưa được bao lâu, Tôn Ngộ Không đã đùng đùng nổi giận bỏ đi vì bị Đường Tăng quở trách việc hắn giết mấy tên cướp (thực chất là sáu con yêu quái). Có lần hắn còn toan dùng gậy Như Ý đập cả thầy. Từ chỗ bị áp chế bởi chiếc vòng kim cô, Tôn Ngộ Không đã thật sự biết yêu thương, kính trọng thầy và nghĩ cho thầy. Điều đó thể hiện qua chi tiết Tôn Ngộ Không bị Đường Tăng đuổi đi sau ba lần đánh chết Bạch Cốt Tinh. Về Hoa Quả Sơn nhưng trong tim Ngộ Không vẫn không nguôi lo lắng cho thầy.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/10 nghĩ về tinh thần tôn sư trọng đạo: Không thầy đố mày làm nên

Một lần Tôn Ngộ Không vì nổi cơn tam bành mà đánh bật gốc cây nhân sâm nghìn năm của Trấn Nguyên Đại Tiên. Điều này khiến cả bốn thầy trò đều bị bắt phạt. Để tránh việc Đường Tăng vì mình mà chịu phạt, Tôn Ngộ Không đã đi khắp nơi tìm thuốc chữa cây tiên. Bất lực, Tôn Ngộ Không đi tìm Bồ Đề Tổ Sư, khi về lại chốn xưa, hắn không khỏi bàng hoàng, mắt ngân ngấn nước khi nơi này chỉ còn là một đạo tràng bỏ hoang, cảnh còn mà người đã không còn. Với nhiều khán giả, đây là một trong những trường đoạn xúc động nhất. Tôn Ngộ Không sau khi học được phép thuật, dù đại náo thiên cung bị trừng phạt hay phò giá Đường Tăng đi thỉnh kinh gặp bao nhiêu kiếp nạn cũng không dám quấy rầy Bồ Đề Tổ Sư. Chỉ khi thật sự bất lực, tuyệt vọng, hắn mới đi tìm sư phụ như một đứa trẻ tìm cha cầu xin giúp đỡ. Sư phụ không còn ở đó nhưng giọng thầy vẫn văng vẳng, chỉ cho Ngộ Không một con đường sáng để hóa giải kiếp nạn.

Một ngày làm thầy, cả đời làm cha. Bồ Đề Tổ Sư dạy phép thuật cho Tôn Ngộ Không, Đường Tăng dạy Đạo, giúp Ngộ Không tu tâm sửa tính. Đây là hai người thầy quan trọng nhất cuộc đời Tề Thiên Đại Thánh.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/10 nghĩ về tinh thần tôn sư trọng đạo: Không thầy đố mày làm nên

Một chữ là thầy mà nửa chữ cũng là thầy

Từ “thầy” để chỉ những người làm nghề dạy học nhưng cũng có thể hiểu theo nghĩa rộng hơn. Tuân Tử có câu: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta”, bất cứ ai dạy cho ta điều hay lẽ phải hay giúp ta ngộ ra một bài học nào đó đều xứng đáng làm thầy của ta.

Có một câu chuyện về nhà hiền triết Hồi giáo Hassan. Khi ông sắp qua đời, có người hỏi ai là thầy của ông. Ông trả lời rằng: “Những người thầy của ta nhiều vô kể. Nếu điểm lại tên tuổi các vị ấy hẳn sẽ mất hàng tháng, hàng năm mà thời gian của ta còn rất ít. Nhưng ta có thể kể về ba người thầy đặc biệt của ta”.

Người đầu tiên là một tên trộm. Một lần Hassan đi lạc trong sa mạc, khi đến được một ngôi làng thì trời đã khuya, ông xin tá túc ở nhà một người đàn ông làm nghề ăn trộm. Hassan đã ở đó một tháng. Có nhiều hôm tên trộm “đi làm” nhưng trở về tay không, khi được hỏi có lấy được gì không, hắn đáp: “Hôm nay thì chưa nhưng ngày mai tôi sẽ cố, có thể lắm chứ”.

Có khoảng thời gian nhiều năm trời, Hassan đã suy ngẫm và không ngộ ra được một chân lý nào. Ông rơi vào tuyệt vọng, đến nỗi muốn chấm dứt tất cả những điều vô nghĩa này. Rồi ông chợt nhớ đến tên trộm, một người luôn toát lên tinh thần lạc quan và tràn đầy hy vọng.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/10 nghĩ về tinh thần tôn sư trọng đạo: Không thầy đố mày làm nên

Người thầy thứ hai là một con chó. Khi Hassan ra bờ sông uống nước, một con chó cũng xuất hiện. Khi nhìn xuống dòng sông, thấy cái bóng của mình nhưng lại tưởng là con chó khác, nó bèn hoảng sợ, tru lên và bỏ chạy. Nhưng vì khát quá nên nó bèn trở lại, nhảy xuống sông và cái bóng biến mất. Hassan nhận ra bài học về việc chiến thắng nỗi sợ hãi bằng hành động.

Người thầy cuối cùng là một đứa bé. Khi Hassan đến một thành phố và thấy đứa bé cầm một cây nến đang cháy đặt trong đền thờ. Ông hỏi đứa bé: “Con có biết ánh sáng của ngọn nến đến từ đâu không?” Đứa bé cười to, thổi phụt ngọn nến và nói: “Ngài thấy đấy ánh sáng đã biến mất, vậy ngài bảo ánh sáng đã đi đâu”. Hassan nhận ra cái tôi ngạo nghễ của mình hoàn toàn sụp đổ, pho kiến thức cổ kim cũng sụp đổ theo. Lúc ấy nhà hiền triết tự nghiệm ra sự dốt nát của bản thân và ném đi tất cả niềm tự hào về kiến thức của mình.

Những điều ta biết chỉ như một hạt cát, những gì ta chưa biết lại là cả một đại dương. Câu nói ngạo mạn nhất trên đời là: “Tôi biết rồi”, chỉ một câu nói đó, ta tự chặn đứng con đường học hỏi của mình. Nếu nhìn cuộc đời dưới góc độ một trường học và những gì ta trải qua dưới góc độ bài học, ta có thể thấy “người thầy” hiện diện ở khắp mọi nơi. Chỉ có học trò có đủ tinh ý để nhận ra bài học của mình hay không mà thôi.

Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/10 nghĩ về tinh thần tôn sư trọng đạo: Không thầy đố mày làm nên

Khi học trò sẵn sàng, người thầy sẽ xuất hiện

Có những khi ta chơi vơi trên đường đời, không biết phải đi về đâu. Lúc ấy ta ước gì gặp được quý nhân phù trợ, chiếu cho ta một luồng ánh sáng giữa cuộc đời tăm tối, dắt ta đi qua lớp sương mờ. Nhưng tìm hoài không thấy, không phải ai cũng may mắn gặp được quý nhân phù trợ. Lúc ấy chỉ biết nhìn người ta mà ao ước, người ta có tìm được người thầy dẫn dắt, sao mình thì không?

Thực ra vì chưa đến thời điểm thích hợp đó thôi. Hãy tự hỏi xem mình đã thật sự thành tâm muốn “cầu sư học đạo” chưa? Hay bản thân mình đã thật sự sẵn sàng chưa? Nếu một người đủ chân thành, bằng cái tâm hiếu học mà thỉnh cầu thì cũng đến lúc Ông Trời động lòng mà cho gặp được người thầy của mình. Nhưng nếu người thầy xuất hiện lúc học trò chưa đủ căn cơ hay lòng thành thì cũng khó mà lĩnh hội những gì được dạy. Khi người ta đủ va vấp trên đường đời, ngã đau sứt đầu mẻ trán thì mới buông bớt cái tôi ngã mạn xuống để học hỏi, khi ấy người thầy mới xuất hiện.

Còn nếu người thầy chưa xuất hiện? Hãy chuẩn bị tâm thế sẵn sàng bằng tinh thần chủ động học hỏi. Như đã nói ở trên, người thầy có thể hiện diện ở bất cứ đâu, ta có thể gặp được người thầy của mình qua những trang sách, video bài giảng, một câu chuyện ý nghĩa, một câu nói sâu sắc. Tri thức sẽ đưa đường dẫn lối cho ta đến những nơi chân không thể chạm tới, mắt không thể nhìn tới. Chủ động học hỏi nhiều hơn, nhìn rõ bản thân hơn sẽ giúp bạn tự tin bước về phía trước khi không có ai để dựa vào. Những kiến thức ta học được sẽ trở thành người thầy dẫn đường.

I Am NGA

Ảnh: Sưu tầm

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

3 kiểu đồ len được gái Hàn lăng xê nhiều nhất vào mùa lạnh, học ngay Rosé, Park Min Young để sắm cho kịp