Người Việt trong 'cơn sóng thần' Covid-19 ở Ấn Độ

2021-04-26 09:02
- Dịch Covid-19 tưởng đã được kiểm soát ở Ấn Độ, nhưng lại bùng lên nhanh chóng trong tuần qua, với hơn 300.000 người nhiễm mỗi ngày. Nhiều người Việt ở Ấn Độ sống trong tâm trạng lo lắng, nhưng vẫn bình tĩnh thực hiện các biện pháp tự bảo vệ để đối mặt với dịch.

Tự bảo vệ khi đi làm 

Chị Huỳnh Thúy Vy ở thành phố Chennai bang Tamil Nadu là chuyên viên thẩm mỹ. Chị vẫn phải đi ra ngoài gặp khách hàng, do các dịch vụ làm đẹp, đám cưới vẫn được phép tiến hành. Sống ở Chennai đã 12 năm, chị Vy lấy chồng là người Ấn gốc Việt, mẹ chồng chị là người Việt. Chị khá lo vì ngoài mẹ chồng, chị còn 2 con nhỏ. "Tôi vẫn đi làm, sợ ra bên ngoài bị nhiễm bệnh cho gia đình nên cũng lo" – chị cho biết. "Dịch bùng phát quá nhanh, chỉ trong vòng 3 – 4 ngày mà số người nhiễm tăng gấp 10 lần, một phần vì có lễ hội đầu năm, họ không giãn cách xã hội mà mọi thứ hoạt động bình thường, trong khi virus chủng mới nguy hiểm hơn chủng cũ rất nhiều". 

Ấn Độ hiện giờ chỉ tiêm cho người trên 45 tuổi, người ở tuyến đầu tiếp xúc với bệnh, nên trong gia đình chỉ mới có mẹ chồng, anh chồng chị Vy đã được tiêm. Gia đình chị Vy rất hạn chế ra ngoài, nhất là chị luôn dặn mẹ chồng đã lớn tuổi chớ đi đâu. Chị cho biết, một vài gia đình người Việt ở cùng thành phố với chị đã bị nhiễm bệnh nên càng phải hạn chế, trong đó một gia đình chị quen có tới 4 người nhiễm bệnh, do đứa con 8 tuổi chơi với các bé xung quanh, về lây cho cả nhà. Nhưng họ cũng chỉ vào viện vài ngày, sau đó bác sĩ cho về tự điều trị để nhường giường cho người khác, trong lúc thiếu thuốc, thiếu giường bệnh, thiếu oxy.  

Ấn Độ lao đao trước làn sóng Covid chết chóc: Những thông tin và hình ảnh khiến thế giới bàng hoàng Video: Hỏa thiêu tập thể, Covid đang biến Ấn Độ trở thành “địa ngục trần gian” Bộ trưởng Y tế lo ngại đợt dịch COVID thứ 4 và biến chủng virus từ Ấn Độ vào Việt Nam 

Liên hệ với chị khi chị đang chuẩn bị đi trang điểm cô dâu, chị nói: "Lại phải tiếp xúc gần với khách, rầu quá". Nhưng chị luôn áp dụng các biện pháp đề phòng tốt nhất, chị luôn yêu cầu khách phải rửa tay sát khuẩn, đeo khẩu trang, đo nhiệt độ. Bản thân chị đeo 2 lớp khẩu trang, bên ngoài là khẩu trang thường, bên trong là N95, đeo tấm chắn giọt bắn. Trước khi từ chỗ làm về, chị tắm bằng nước sát khuẩn. Về nhà chị bỏ ngay lớp khẩu trang ngoài, quần áo và khẩu trang N95 được giặt bằng nước sát khuẩn rồi tắm rửa lại bằng nước gừng. Cố gắng tốt nhất để bảo vệ cho gia đình, còn công việc thì vẫn phải làm. 

Ấn Độ "vỡ trận" vì Covid-19 khi số ca mắc mới trong ngày 22/4 lên tới 315 nghìn ca, vượt qua Mỹ về số ca mắc mới trong một ngày, cao nhất thế giới. Liên tiếp 4 -5 ngày qua Ấn Độ giữ "kỷ lục" không vui đó. Các bệnh viện ở thủ đô thiếu giường, thiếu oxy trầm trọng. Cứ 4 phút lại có một người tử vong vì Covid-19 ở Ấn Độ. Các  cơ sở hỏa táng người chết hoạt động hết công suất và các gia đình phải chờ đợi để được thiêu người thân đã mất của họ. Tòa án Tối cao Ấn Độ gọi làn sóng dịch thứ hai này là "sóng thần Covid". 

Tuy nhiên theo xếp hạng của trang worldometers, trong 5 nước đứng đầu về số ca nhiễm bao gồm cả Mỹ, Brazil, Pháp, Nga, thì Ấn Độ vẫn có tỷ lệ số ca tử vong trên 1 triệu người thấp nhất. 

Chờ thiêu xác bệnh nhân Covid-19 tại một địa điểm hỏa táng ở New Delhi ngày 24/4. Ảnh: AP. 

Sống online 

May mắn hơn khi làm công việc văn phòng, chị Dinh Mary, một người Việt Nam sống ở thành phố Bangalore bang Tarnakata, cho biết: Khi dịch bùng lên lần 2 ở Ấn thì chị bớt hoang mang hơn vì đã "sống chung với lũ" hơn 1 năm nay, từ tháng 3 năm 2020 Ấn Độ bắt đầu phong tỏa. Chị xác định rõ đại dịch này sẽ chưa thể chấm dứt ngay được, nên kể cả lúc dịch bệnh dịu xuống thì chị và gia đình vẫn luôn tuân thủ vệ sinh, sát khuẩn và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. 

"Hàng ngày nghe tin tức số người chết lên tới hơn 2000 thì quả thật rất đau lòng" – chị nói.  "Nên tôi càng dặn bản thân và gia đình cần phải cẩn trọng hơn. Vẫn như lần trước , chúng tôi ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung nhiều vitamin C để tăng đề kháng, và tập thể dục cũng như yoga". 

Lấy chồng người Ấn Độ, chị Dinh Mary cho biết, tới thời điểm hiện tại, gia đình chị chưa có ai bị nhiễm, tuy nhiên có vài người bạn và cả đồng nghiệp đã nhiễm bệnh rồi, nhưng may mắn là họ đều có biểu hiện nhẹ và đều đã khỏi bệnh.  

Ấn Độ tiếp tục phá kỷ lục số người chết vì Covid-19 trong 3 ngày liên tiếp, lửa hỏa táng cháy ngày đêm Ấn Độ: 13 bệnh nhân nhiễm COVID-19 thiệt mạng trong vụ cháy tại bệnh viện gần Mumbai Ấn Độ: Số ca mắc mới COVID-19 tăng kỷ lục, tranh giành từng chiếc máy thở oxy tại các bệnh viện Thiếu thốn trang thiết bị y tế trầm trọng, Ấn Độ đang bị dịch bệnh COVID-19 bao vây 

Chị vẫn tích trữ các loại thuốc men cơ bản, trong đó không thể thiếu Vitamin C và 1 số loại thuốc thảo dược tăng sức đề kháng nội địa của Ấn... Do dịch bệnh nên chị hạn chế tuyệt đối việc ra ngoài. Nhưng ở Ấn Độ việc mua hàng online rất tiện, nên chị thường chọn thực phẩm và thanh toán online qua app, người giao hàng mang tới tận nơi. Để  tránh tiếp xúc thì hầu hết các gia đình quanh khu chị ở đều để thùng, rổ ngoài cửa cho người giao hàng bỏ đồ vào, họ về thì mình ra lấy thực phẩm vào và rửa sạch sẽ trước khi cho vào tủ lạnh. 

Giữa đại dịch, chị Dinh Mary vẫn cảm thấy mình rất may mắn vì có gia đình bên cạnh, vẫn có công việc làm online tại nhà và có thu nhập, có một mái ấm để "ẩn náu" an toàn. Chị chia sẻ: Ngoài kia bao người dân lao động bất chấp dịch bệnh để ra ngoài kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình, bao người mất việc do khủng hoảng kinh tế từ dịch bệnh, bao nhiêu người bị mắc kẹt không có người thân gia đình ở bên cạnh hoặc thậm chí không còn đủ tiền mà mua vé về nước... 

Cũng sống tại Bangalore, chị Vũ Thị Hòa cho biết, cuộc sống của chị đã được chuyển thành trực tuyến. Chị làm việc tại nhà, cả năm chưa quay lại văn phòng và đã rất quen, rất hài lòng, công việc vẫn chạy tốt và công ty tiết kiệm được nhiều. Các con chị học online từ năm ngoái tới giờ, nhưng may mắn vào đợt dịch bùng phát này bọn trẻ đang được nghỉ hè. 

"Ở khu chung cư của tôi cũng khá nhiều người mắc. Hàng xóm ngay trước cửa nhà tôi bị nhiễm, nên nguyên tầng của tôi đang bị cách ly, còn khu chung cư vẫn hoạt động bình thường nhưng hạn chế ra ngoài hơn" – chị cho biết. "Cả năm nay tôi khám bệnh online. Ốm thì mở app điện thoại ra đặt lịch hẹn với bác sĩ, đến giờ họ online, bệnh thông thường thì chỉ cần khám online như vậy thôi. Nếu cần xét nghiệm thì nhân viên y tế đến tận nhà lấy máu, trả kết quả online và tôi gửi cho bác sĩ. Một năm rưỡi nay tôi  không dùng tiền mặt. Mua đồ ăn, mua sữa tôi đều đặt online hết, vẫn cá tôm mực gà đầy đủ.  Thật ra dịch không có quá ảnh hưởng đến những người làm văn phòng như tôi". 

Là người lập ra và điều hành nhóm FB "Người Việt tại Ấn" từ năm 2014, chị Hòa nhìn mọi thứ khá bình tĩnh.  Ấn Độ có phong tục thiêu người chết, không sử dụng quan tài cho người chết, nên những hình ảnh thiêu người tử vong do Covid-19 trong bối cảnh này càng gây cảm giác dễ lo sợ. 

Chị cho biết, con số người nhiễm ở Ấn Độ cao nhưng tỷ lệ hồi phục cũng cao. Ví dụ con số ngày 25/4 có 367 nghìn người nhiễm, nhưng số người chết là khoảng hơn 2.700 người, nghĩa là tỷ lệ tử vong chưa đến 0,01%, thấp hơn hẳn Châu Âu trong đợt cao điểm dịch.  

Trong nhóm FB "Người Việt tại Ấn", chị Hòa đã đăng bài trấn an cộng đồng. Tình hình dịch bệnh rất đáng lo ngại, nhưng chị luôn khuyến cáo cộng đồng chớ chủ quan song cũng đừng hoang mang, và nhất là dịp lễ 30/4 – 1/5 tới không nên tụ tập đông người, đảm bảo 5K chống dịch. 

"Nhiều khi bố mẹ người thân ở nhà còn lo lắng cho tôi hơn chính tôi ở đây. Mẹ tôi một ngày gọi cả chục cuộc ấy chứ. Chúng tôi luôn cảnh giác hết mức có thể, luôn sẵn sàng, nhưng không nên để hoang mang trong lòng, bởi tự lúc đó sức đề kháng sẽ yếu đi" – chị Hòa tự tin nói. 

Theo Dân Việt

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


9 thay đổi tuyệt vời khi đang ế lâu dài thì đột nhiên có bạn trai!