Hình ảnh Tết xưa ở Hà Nội trong ký ức của con trai nhà đại gia phố Hàng Đào nức tiếng một thời

2021-02-11 14:00
- Tết xưa của người Hà Nội trong ký ức của ông Nguyễn Thái An (con trai ông chủ cửa hàng lụa Đức Lợi nức tiếng một thời là vẻ đẹp và sự rộn ràng, nhiều nét văn hóa đặc sắc.

Hiểu về không khí Tết xưa ở đất Hà Thành có lẽ không ai thạo hơn những cư dân sống lâu năm trong phố cổ. Từ xưa đến nay, cứ mỗi độ Tết đến, dù khá giả hay khó khăn, mỗi người đều cố gắng chuẩn bị  mâm cỗ tươm tất nhất trong khả năng có thể, nấu nồi bánh chưng, sum họp bên nhau. Trong hành trình tìm về ký ức Tết xưa, chúng tôi đã ghé căn nhà số 72 - phố Hàng Đào, nơi sinh sống của gia đình ông Nguyễn Thái An (sinh năm 1943). Ông là con trai của cụ Nguyễn Văn Lợi  chủ của thương hiệu lụa Đức Lợi nức tiếng một thời.

Hiện nay, gia đình ông Thái An vẫn sống trong căn nhà có diện tích 200m2, mặt tiền hướng ra phố Hàng Đào. Đây là căn biệt thự bề thế một thời và nay trở thành địa điểm rất cổ kính. Với hơn 70 năm sống và gắn bó với Hà Nội, cụ ông năm nay đã ngoài 70 vẫn nhớ như in những ngày Tết xưa ăm ắp kỷ niệm bên gia đình. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông nói nhiều về từ "mơ ước" - có lẽ từ trong sâu thẳm tâm hồn, người đàn ông này luôn đau đáu một nỗi nhớ Tết xưa, hoài niệm về những ngày đã qua khi cả nhà quây quần bên mâm cơm sum họp, hít hà mùi thơm của lá mùi già hay bánh chưng... 

Hình ảnh tranh Tết trên phố Hàng Bồ báo hiệu năm mới sắp về

Trong trí nhớ của mình, ông Thái An chưa quên được không khí của những ngày trước Tết. Khi các gia đình ở phố cổ buôn bán, kinh doanh tấp nập, người chở hàng hóa từ khắp nơi đổ về, không khí rộn ràng, náo nhiệt cho đến tận chiều 30 Tết, khung cảnh rất thơ mộng.

Hình ảnh Tết xưa trong ký ức của con trai nhà đại gia phố Hàng Đào

Cho đến bây giờ, ông Thái An vẫn đau đáu nhớ về những kỷ niệm Tết xưa.

Hình ảnh đánh dấu Tết sắp về là những hàng tranh Tết đẹp mắt được bày ra trên phố Hàng Bố. Người bán treo tranh lợn, gà dân gian khiến cho ai đi qua cũng đứng lại ngắm. Thời đó, ông An cùng chúng bạn đi học qua đây cũng không quên dừng lại.

"Ở phố Hàng Bồ còn có những ông đồ ngồi viết chữ, đó là hình ảnh đẹp, đậm chất Tết. Bây giờ không còn nữa. Nhưng tôi vẫn nhớ, ngày đầu năm theo bố mẹ đi xin chữ để mong ước một năm may mắn, hanh thông", ông Thái An kể.

Một không gian khác cũng in đậm trong ông Thái An đó là chợ hoa Hàng Lược. Đây là chợ hoa nổi tiếng và lâu đời nhất của Hà Nội. Vào những ngày cận Tết, người ta đưa cành đào, cây quất, nhiều loại hoa đến đây bán. Ông An vẫn thường cùng bạn bè ra đây để ngắm hoa và cảm nhận rõ hương vị, nét văn hóa Tết đặc trưng của đất kinh kỳ.

Tết xưa chỉ chuộng đào thắm

Chuẩn bị một cái Tết thời xưa là một sự kỳ công. Hàng hóa không dễ mua như hiện tại, nên mẹ của ông Thái An đã phải mua gạo, đồ khô (măng, miến, mộc nhĩ), vàng mã từ trước đó cả tháng. Nếu chậm chân không còn đồ ngon mà giá cả cũng đắt hơn. 

Lần theo trí nhớ, ông Thái An cho biết, thời ông còn nhỏ, bố mẹ chuẩn bị Tết rất công phu, ban thờ đủ đầy và hoành tráng hơn, chọn cây đào, cây quất để bày biện trong nhà cũng rất kỹ lưỡng. Trong đó, cành đào được chọn phải là đào thắm, không dùng đào phai vì quan niệm nhà có tang mới dùng loại đào này, bông hoa đào phải to, nở đều và người ta thường chuộng đào của đất Quảng Bá nay ở Tây Hồ, Hà Nội. "Thời đó, người ta ăn Tết nhiều hơn, còn bây giờ là vui Tết... ", ông Thái An bộc bạch.

Hình ảnh Tết xưa trong ký ức của con trai nhà đại gia phố Hàng Đào

Hình ảnh chụp gia đình ông Nguyễn Thái An thời xưa.

Tiết kiệm từ những đồng tiền mừng tuổi 

Mặc dù, sinh ra trong gia đình khá giả, có điều kiện, nhưng từ bé ông Thái An cũng đã được học cách tiêu pha tiết kiệm của cha mẹ. Người phố cổ của Hà Nội xưa mua sắm những đồ ngon nhất cho dịp Tết nhưng vẫn chú ý không lãng phí.

Ông Thái An còn nhớ, khi được người khác mừng tuổi sẽ cho vào ống tre hay con lợn đất để dành để mua sắm đồ dùng hay các thứ cần thiết. "Dù kiếm được tiền vẫn luôn tằn tiện tiết kiệm đó là nếp sống của người ở phố cổ xưa. Họ thấu hiểu được việc kiếm ra đồng tiền không dễ dàng nên rất quý trọng", ông An cho hay.

Chờ người đến xông đất rồi mới đi chơi

 

Vào ngày đầu năm, ông và anh chị em trong nhà chờ người khác đến "xông đất" rồi mới đi chơi xung quanh. Người đến chơi đầu tiên trong năm mới được xem là có thể mang đến may mắn, tài lộc nếu như họ có vẻ ngoài phúc hậu, tử tế, thành đạt... 

"Ngày mùng 1 Tết đường phố rất vắng... Thời đó, các cửa hàng không mở hàng sớm, có những gia đình đợi đến mùng 10 hay sau Rằm Tháng Giêng mới buôn bán trở lại. Buổi trưa đường phố mới bắt đầu lác đác người qua lại, cánh đàn ông thì mặc comple, các cô gái thì diện áo dài mới. Ngày xưa, mỗi khi chuẩn bị Tết, những cô gái ở phố cổ lại đi may một bộ áo dài mới để mặc trong dịp năm mới. Bây giờ, dịp năm mới, khi ra đường không thấy có nhiều người mặc như vậy", ông Thái An trầm ngâm nhớ lại.

Hình ảnh Tết xưa trong ký ức của con trai nhà đại gia phố Hàng Đào

Nhớ mùi bánh chưng Tết

Thời xưa, gia đình ông Thái An kinh doanh tơ lụa nên có 7 người làm hỗ trợ. Vào dịp Tết, mọi người cùng gói bánh chưng rồi thức trông nồi bánh chín. Mùi bánh chưng mới nấu xong khiến ông Thái An nhớ mãi khôn nguôi. Sau mấy chục năm, ông vẫn nhớ mùi thơm đó mỗi khi Tết đến xuân về. 

"Lúc bánh vừa luộc xong, những người nhỏ như tôi sẽ được cho chiếc bánh nhỏ, cảm giác cầm trên tay chiếc bánh mới và thưởng thức thật sự rất vui và thích thú. Bây giờ, có những lúc tôi vẫn mua bánh chưng chưa luộc để được cảm nhận lại mùi thơm đã đi vào tâm khảm đó", ông An chia sẻ.

Nhớ cảnh sum họp của Tết xưa

Trong cuộc trò chuyện, ông An nhắc về những giây phút sum họp trong cảnh Tết xưa. Thời đó, đi lại không có ô tô, xe máy nhưng mỗi khi dịp Tết đến, anh em họ hàng tụ họp rất đông, ai cũng tay bắt mặt mừng, quây quần ăn bữa cơm chiều 30 Tết hay sáng mùng 1. 

"Không chỉ anh em trong nhà mà họ hàng xa cũng đến với nhau. Bây giờ ai cũng bận rộn, tình cảm nhạt phai hơn. Việc chuẩn bị Tết cũng đơn giản hơn nhiều...", ông An bày tỏ. 

Một việc mà ông An vẫn làm cùng bố mẹ trong ngày đầu năm là lên chùa để cầu mong những điều tốt đẹp, sức khỏe cho cả nhà. Ông An cho rằng, thời đó, lên chùa trông ai cũng nhẹ nhàng, đơn giản... còn bây giờ ai cũng vội vã, số lượng người cũng đông hơn.

"Ngày đầu năm, còn có những người chở nước thuê đến đổ vào chum, vại cho các gia đình. Từ xưa, người ta quan niệm có nước là có phúc cả năm và phúc lộc nhiều như nước nên ngày đầu năm có nước là may mắn. Khi người chở nước đến, gia đình tôi cũng mừng tuổi động viên họ... Ngày nay hình ảnh đó có lẽ không còn", ông An nhớ lại.

Anh Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Hoạt động cả ngày dài với kem chống nắng nâng tone tiện lợi - mỏng nhẹ - hiệu quả