Tết xưa là gì thế nhỉ, mà chúng ta ai cũng quý cũng yêu?

2023-01-21 13:00
- Tết xưa là những háo hức mong chờ manh áo mới ngày chợ phiên cuối năm, là nồi bánh chưng chờ luộc bên bếp hồng đỏ lửa đêm 30. Là cả những thức bánh kẹo ngon vùng miền được người đi xa quê trở về trao tặng...

Tết xưa có thể không đủ đầy về vật chất, nhưng quá đỗi thân thương và thành dấu ấn của bao thế hệ con người. 

Năm nào cũng như năm nào, tôi hay những người đi làm bận rộn quanh nắm thường ném mình vào guồng quay công việc vẫn hay tự hỏi: “Tết năm nay sẽ như thế nào nhỉ?” Đâu đó câu trả lời có phần tùy hứng: “Ừ, thì lại như Tết năm ngoái và chắc là sẽ giống cả Tết năm sau!”

Khi con người ta trưởng thành, khái niệm về Tết nhuốm màu lo toan hơn với thời còn thơ bé. Nào là Tết năm nay được thưởng bao nhiêu, có đủ để gửi bố mẹ ở quê ít tiền tiêu ngày Tết? Có đủ để lì xì xấp nhỏ, đàn em thơ? Có đủ để mua thêm chút quà ngon về nhà để cả nhà quây quần bên nhau cùng thưởng thức? Tết với người trưởng thành đúng là va vào “cơm áo gạo tiền” và khó có thể nào thoát ra nổi. Ví như mua cành mai, cành đào hay chậu quất trong nhà cũng không phải xem nó đẹp bao nhiêu mà vì nó đắt như thế nào.

Tết xưa là gì thế nhỉ, mà chúng ta ai cũng quý cũng yêu?

Còn khi là những đứa trẻ, phong vị Tết thường vô tư lự, màu sắc tươi tắn như hoa mai, hoa đào của mùa Xuân vậy. Tôi còn nhớ suốt một triền tuổi thơ của mình, năm nảo năm nào cũng cứ háo hức được đi chợ Tết ngày cuối năm cùng mẹ. Biết lịch được nghỉ Tết rồi, săm sắn dọn dẹp nhà cửa gọn gàng sạch đẹp, sau đó hí hửng tót lên sau yên xe mẹ ngồi và được mẹ đèo đi chợ Tết.

Phiên chợ ngày Tết chao ôi là đẹp, là bát ngát mệnh mông những thứ đầy màu sắc. Với một đứa trẻ như tôi, Tết mang nhiều ý nghĩa về sự trù phú, sung túc. Dù nhà có giàu hay nghèo, bố mẹ chúng ta dường như bao giờ cũng cố gắng hết mình để đem về cho các con của mình một cái Tết đủ đầy nhất có thể. Nhà tôi hồi ấy, Tết đủ đầy là có bánh chưng nhân thịt, có thịt kho tàu, hành muối, dăm ba con gà, một bồ bánh kẹo (dù loại cũng thường thôi không ngon lắm). Và nhất là nhé, phải có một tấm áo mới. Cứ Tết đến Xuân về nhất định bọn trẻ trong nhà phải có một tấm áo mới. Cái mùi vải mới nó thơm và khiến lũ trẻ chúng tôi xao xuyến lạ kỳ.

Tôi không rõ Tết trong trí nhớ của lũ trẻ thành thị sẽ có hình dạng như thế nào. Đối với một đứa trẻ nông thôn như tôi, Tết là những ngày họ hàng kéo nhau đi chúc tụng rôm rả, tay bắt mặt mừng, nói chuyện về gốc rơm gốc rạ và câu chuyện cố gắng chăm chút, đầu tư cho lũ trẻ được thoát ly, đi xa lũy tre làng. Chính là những đứa trẻ vẫn thức chong mắt chờ bố mẹ thắp hương đúng thời khắc giao thừa, rồi lon ton đi theo mẹ bê mâm lễ lên chùa thắp hương, xin quẻ đầu năm cầu bình an cho cả nhà.

Tết xưa là gì thế nhỉ, mà chúng ta ai cũng quý cũng yêu?

Tôi nhớ mùi hương của đình chùa nhiều tới mức khiến người ta cay xè mắt, nhưng một đứa trẻ ngây thơ như tôi vẫn không dám nhỏ giọt nước mắt nào chỉ vì sợ… giông ba ngày Tết!

Tết nay ngồi nghĩ lại Tết xưa, mới thấy chao ôi là kỷ niệm. Và quan trọng là những nét hồn nhiên, vô tư lự trong những cái Tết xưa đã không còn nữa. Nó làm cho vị Tết xưa trở nên trong trẻo hơn, đáng yêu hơn. Tết nay đã lớn rồi, nhìn cái Tết với nhiều góc cạnh khác từ cuộc sống. Ừ thì cũng vẫn còn vui đấy, nhưng đâu đó đã không còn sự hồn nhiên vô tư lự để mà thấy Tết là chuỗi ngày “sướng như tiên” giống thời còn trẻ thơ.

Thêm một cái Tết nữa ở ngưỡng tuổi trưởng thành, tôi bỗng nhớ và muốn trở về cái Tết xưa!  

Hạc Xanh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


4 cung hoàng đạo càng yêu xa càng yêu sâu đậm, dù có thế nào vẫn giữ trong tim lòng chung thủy