Con học online mùa dịch: Bố mẹ 9h tối mới ăn cơm, mệt hơn đi làm vì lý do không ngờ

2021-02-24 08:15
- Học online là cách phù hợp trong bối cách dịch Covid-19 bùng phát nhưng cách dạy thế nào để trẻ có thể tiếp thu được bài lại là vấn đề khiến phụ huynh đau đầu.

Những ngày qua, các gia đình đau đầu với chuyện con học online tại nhà. Lợi ích của việc học online thấy rõ giúp phòng chống dịch bệnh, tránh ảnh hưởng sức khỏe của trẻ nhưng kéo theo đó cũng là vô số những vấn đề phát sinh.

Phụ huynh than thở

Chị Dương Minh Hương (Hà Nội) cho biết, 2 vợ chồng đều đi làm hằng ngày, nhà không có giúp việc nên không ai quán xuyến việc học của các con. Dẫu biết con gái lớn có thể lo cho em, nhưng vẫn không thể yên tâm. Chưa kể việc trẻ phải ở trong nhà suốt 8 tiếng trong bốn bức tường quả thật không đành lòng. Cho nên, chị Hương quyết định đưa con về quê gửi ông bà. May mắn là quê của chồng chị cách Hà Nội khoảng 30km nên có thể đi về mỗi ngày để gặp các con, không khiến cho các bé có nỗi nhớ nhà và bố mẹ.

Chị Minh Hương cho rằng, phụ huynh sát sao có thể giúp con học tốt, ngoài ra cha mẹ nên dành thời gian đưa các con đi chơi để cuối tuần các bé có thể được giải trí sau 1 tuần học tập vất vả với máy tính.

"Không ít gia đình cũng phải gửi con về quê vì không ai nghỉ làm ở nhà quán xuyến được, trẻ còn nhỏ, tinh thần tự giác chưa cao, học online cũng có những trục trặc về máy móc, thao tác trên hệ thống nên phải có người lớn hỗ trợ. Con trai tôi học lớp 1, dù rất tự giác và chăm chỉ nhưng chưa tự túc được nên bạn lớn phải kèm cặp nhiều. Có những lúc 2 con tôi và một đứa cháu cùng học một lúc, đứa lớn không thể hướng dẫn đứa bé được. Tôi thương các con vì phải nỗ lực gấp 2 so với học ở lớp, chuyện kết nối để vào được lớp online, sau đó là làm sao nghe giảng được vì có lúc mạng yếu hoặc bị chập chờn, màn hình thì nhỏ... cũng là cả vấn đề lớn", chị Hương kể những vấn đề mà gia đình gặp phải.

Nhiều phụ huynh ở trong hoàn cảnh như chị Hương không phủ nhận tác dụng của việc học online lúc dịch bệnh. Song một thực tế phải nhìn nhận là thiết bị học tập của từng gia đình cũng khác nhau, những nhà có điều kiện sẽ mua sắm đầy đủ, con có riêng máy tính hay điện thoại, còn không ít nhà thì bố mẹ phải nhường cho con. Ngoài ra, do đường truyền kém, việc dùng tai nghe suốt cả tiếng đồng hồ liệu có ảnh hưởng thính lực của con hay không cũng là điều mà những phụ huynh như chị Hương băn khoăn.

Với con trai của chị Minh Hương, do bé học lớp 1 nên phải có bố mẹ ở nhà, do đó buổi học được bố trí vào khung giờ tối. Thậm chí, bố mẹ đi làm về chưa kịp ăn đã phải ngồi vào bàn hướng dẫn các con học đến 21h, sau đó lại cố gắng cùng con để hoàn thành bài gửi cho cô. Do đó, sinh hoạt trong gia đình cũng có những xáo trộn nhất định.

"Phụ huynh có người vào trước, người vào sau khiến cô giáo cũng vất vả vừa dạy vừa duyệt, các cô cũng phải chuẩn bị bài học online nên mất nhiều thời gian. Nếu giáo viên chưa thạo về tin học thì sẽ gặp khó khăn", chị Hương tâm sự.

Trong khi đó, chị Tuyết Nhung (Hà Nội) than thở, chuyện học online là của con, nhưng cả gia đình cũng lao đao theo vì phải kèm cặp, hướng dẫn con dùng máy tính. Con gái chị Nhung mới học lớp 2, mỗi khi con có vấn đề về máy tính, điện thoại lại gọi lên văn phòng của mẹ nhờ hướng dẫn.

"Hằng ngày, tôi phải nhường máy tính cho con để bé học. Tính chất công việc của tôi cần máy tính mang đi, nhưng mấy ngày nay thì chấp nhận để ở nhà. Thật sự bất cập cho mẹ nhưng việc học của con cũng quan trọng. Tôi cảm nhận học online với một lớp hàng chục học sinh, thật khó để cô giáo theo sát được các con, bé nào chưa có tính tự giác mà bố mẹ không kèm cặp được chắc chắn sẽ lười và không thu được kiến thức gì", chị Nhung cho hay. 

Nhiều ý kiến cho rằng không nên dạy online với cấp tiểu học?

Nhận thấy việc dạy học trực tuyến có nhiều khó khăn, không thuận lợi cho phụ huynh học sinh, Sở GD-ĐT Hải Phòng đã có quyết định dừng việc dạy học trực tuyến đối với học sinh khối lớp 1, lớp 2 và không dạy kiến thức mới bằng hình thức trực tuyến với học sinh khối 3, 4, 5 cấp tiểu học kể từ ngày 22/2/2021.

Việc học vào buổi tối cũng khiến cho các gia đình vất vả hơn.

Thực tế, qua quá trình kiểm tra tại các nhà trường và qua báo cáo của các đơn vị giáo dục trên địa bàn tỉnh cho thấy, việc dạy học trực tuyến đối với cấp tiểu học, nhất là các lớp đầu cấp đã phát sinh quá nhiều bất cập.

Chị Thu Hà (Hà Đông, Hà Nội) ủng hộ chủ trương này. Bởi vì, những học sinh còn nhỏ như con gái chị Hà chưa tự làm được các công đoạn kết nối và xử lý khi đường truyền kém... Cho nên việc học online mất thời gian và không hiệu quả.

"Nếu học sinh cấp 2 hoặc cấp 3 và đại học học online thì không phải lo lắng, còn học sinh cấp 1 có lẽ chỉ nên ôn tập cho các con không quên kiến thức. Nếu như dạy bài mới thì các bé khó tiếp thu được hết. Ở lớp, cô giảng trực tiếp, bé nghe được hết và hiểu ngay tại chỗ, còn học online có lúc đường truyền kém, lời bị đứt quãng rất khó để tiếp thu và hiểu bài ngay", chị Hà chỉ rõ.

Chị Hà cũng cho rằng, nếu học online cùng con mới thấy, trẻ cấp 1 chưa có tinh thần tự giác cao nên ồn ào, hỏi cô nhiều lần khiến cho các bé khác không tập trung được. Cô giáo vừa dạy, vừa hướng dẫn, vừa trình chiếu hình ảnh... thật sự vất vả. Phần mềm học liên tục bị out ra ngoài nên con học nhưng chị Hà phải ngồi canh để mỗi lần như vậy sẽ giúp thao tác. 

Cùng chung quan điểm với chị Hà, chị Vân (Hà Nội) cũng cho biết, công việc hiện tại khá cơ động, không phải đến văn phòng nên có thể kèm con, nhưng việc ngồi cùng con suốt nhiều tiếng đồng hồ quả thực không đơn giản và bản thân phụ huynh mệt mỏi.

"Tôi mong ngành giáo dục xem xét lại vấn đề học lớp 1 của các bé tiểu học. Tình hình dịch đã ổn định, có lẽ các con sắp trở lại trường nhưng nếu có lần khác học online thì cần có cách dạy hợp lý với học sinh tiểu học vì trẻ chưa thể tự làm được mọi việc như các học sinh lớn hơn", chị Vân bày tỏ.

Anh Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Toner Klairs “đỉnh chóp” cho mọi chu trình dưỡng da