Số ca mắc tay chân miệng đang có xu hướng gia tăng, cha mẹ lưu ý điều này

2024-04-08 08:32
- Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong 3 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn thành phố ghi nhận 300 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 75 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023).

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 29/3 đến 5/4, địa bàn ghi nhận 124 trường hợp mắc tay chân miệng (tăng 47 trường hợp so với tuần trước đó).

Bệnh nhân phân bố rải rác tại 26 quận, huyện, trong đó, một số nơi có nhiều bệnh nhân như Bắc Từ Liêm ghi nhận 10 ca, tiếp đến là Mê Linh, Nam Từ Liêm mỗi nơi có 9 ca, Hà Đông, Hoàng Mai mỗi nơi có 8 ca.

Cũng trong tuần qua, Hà Nội phát hiện thêm 1 ổ dịch tay chân miệng tại xã Vân Hòa, huyện Ba Vì với 2 ca bệnh.

Phụ huynh không nên chủ quan khi thấy con có các biểu hiện như lên mụn nước, bọng nước ở niêm mạc miệng, bàn chân, bàn tay, mông, gối; hoặc những dấu hiệu như sốt cao liên tục không đáp ứng thuốc hạ sốt, quấy khóc vô cớ, nôn nhiều, giật mình nhiều, run, yếu chi.

Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế tái khám để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể dẫn đến các di chứng thần kinh, tim mạch, thậm chí tử vong. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng có nguy cơ chuyển độ bất cứ lúc nào.

Vì vậy, ngay cả khi trẻ đã được khám, có chẩn đoán theo dõi bệnh mức độ nhẹ, được kê đơn điều trị ngoại trú, cha mẹ cũng cần theo dõi sát.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra với biểu hiện đặc trưng là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước.

Các nốt phỏng nước này xuất hiện tập trung ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và bên trong miệng của trẻ, đầu gối và mông. Thủ phạm gây bệnh này là nhóm virus đường ruột, điển hình là virus Coxsackievirus A16 (nhóm A16) và Enterovirus 71 (EV71).

Trong đó, virus Coxsackievirus A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng, thường tự khỏi. Còn EV71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm tới thần kinh, tim mạch, phổi; thậm chí có thể gây tử vong.

Hầu hết các ca bệnh tay chân miệng đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, bệnh diễn biến nhanh, chỉ nửa ngày đã chuyển sang cấp độ nặng hơn, làm tăng nguy cơ suy hô hấp và biến chứng. Chính vì vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi trẻ mắc bệnh.

Việc phát hiện sớm bệnh tay chân miệng ở trẻ là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc điều trị được thuận lợi. Trẻ bệnh được chăm sóc và theo dõi sát, hạn chế những rủi ro có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe của trẻ nếu phát hiện và điều trị quá chậm.

Thu Trang (tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Serum phục hồi “Ngon - bổ - rẻ” được chị Hà Linh đánh giá cao