Những người từng mắc COVID-19 có nguy cơ gặp vấn đề về tim mạch

2022-02-13 16:07
- Các nhà khoa học cho biết các biến chứng liên quan nguy cơ bệnh tim mạch bao gồm rối loạn nhịp tim, viêm tim, đông máu, đột quỵ, bệnh động mạch vành, đau tim, suy tim hoặc thậm chí tử vong.

Theo kết quả nghiên cứu được công bố ngày 7/2 trên Tạp chí Nature Medicine, những người mắc COVID-19 có nguy cơ phát triển các biến chứng tim mạch trong vòng một tháng đầu đến một năm sau khi nhiễm bệnh. Các biến chứng đó bao gồm các vấn đề về nhịp tim, viêm tim, cục máu đông, đột quỵ, bệnh động mạch vành, đau tim, suy tim và thậm chí tử vong.

PGS.TS Ziyad Al-Aly, tác giả cao cấp của nghiên cứu tại Đại học Washington ở St. Louis (Mỹ), cho biết: “Đối với những người rõ ràng có nguy cơ mắc bệnh tim từ trước khi bị nhiễm virus SARS-CoV-2, các phát hiện cho thấy COVID-19 có thể làm tăng nguy cơ đó. Nhưng đáng chú ý nhất, những người chưa từng mắc bất kỳ vấn đề nào về tim và được coi là có nguy cơ thấp hiện cũng đang phát triển các vấn đề về tim hậu COVID-19”.

Những người từng mắc COVID-19 có nguy cơ gặp vấn đề về tim mạch

Đây là một trong những nghiên cứu toàn diện đầu tiên theo dõi các tác động lâu dài liên quan đến Covid-19. Nhiều bệnh nhân đã báo cáo tình trạng sương mù não, mệt mỏi, suy nhược hoặc mất khứu giác kéo dài trong nhiều tháng sau khi bị bệnh. Một số nhà nghiên cứu hiện tin rằng những triệu chứng kéo dài đó có thể liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Sau khi theo dõi và phân tích dữ liệu về sức khỏe tim mạch trong khoảng 1 năm, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trường hợp mắc bệnh tim mạch - bao gồm cả suy tim và những trường hợp tử vong, xảy ra ở những người từng mắc COVID-19 cao hơn 4% so với những người chưa mắc.

So với 2 nhóm đối chứng, những người từng mắc COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn 72%, đau tim cao hơn 63% và đột quỵ cao hơn 52%.

Các nhà nghiên cứu cho biết nguy cơ gặp phải các vấn đề về tim mạch sau khi mắc COVID-19 là rõ ràng, bất kể tuổi tác, giới tính và các yếu tố dẫn đến nguy cơ tim mạch khác, bao gồm tình trạng béo phì, huyết áp cao, mắc bệnh tiểu đường và bệnh thận mãn tính. Bên cạnh đó, vấn đề này có thể gặp ở những người trước đó chưa từng mắc các bệnh về tim mạch.

Các tác giả cho biết nguy cơ trên cũng rõ ràng ở những người chưa từng nhập viện do mắc COVID-19, vốn chiếm đa số trong nhóm bệnh nhân COVID-19. Nguy cơ này cũng gia tăng theo mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID-19, từ mức độ không nhập viện cho đến phải nhập viện và cần được chăm sóc đặc biệt.

Các nhà nghiên cứu kết luận rằng xuất hiện nguy cơ đáng kể về các vấn đề tim mạch đối với những người từng trải qua giai đoạn cấp tính của COVID-19, thậm chí sau 1 năm kể từ khi mắc phải.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị chiến lược chăm sóc y tế đối với các trường hợp mắc COVID-19 nên chú ý thêm về sức khỏe tim mạch và bệnh tật.

Phó Giáo sư trường Y khoa của Đại học Washington và là tác giả chính của nghiên cứu, ông Ziyad Al-Aly, cho biết chính phủ và hệ thống y tế các nước nên chuẩn bị đối phó với “nguy cơ tác động đáng kể” của đại dịch COVID-19 đối với sự gia tăng các ca mắc bệnh về tim mạch./.

AM (tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Trấn Thành tốn hơn 100 triệu đồng khi ngồi ghế nóng cùng Hari Won