Người lao động là F0 được nghỉ làm bao nhiêu ngày và cần thủ tục gì để được nhận trợ cấp?

2022-02-24 17:04
- Dịch COVID-19 đang tiếp tục có những diễn biến hết sức phức tạp. Rất nhiều nhân viên mắc F0 đã phải tạm thời nghỉ làm.

Các văn bản pháp luật hiện hành không quy định về trường hợp người lao động được nghỉ làm khi mắc Covid-19. Tuy nhiên, người lao động không may trở thành F0 thì có thể nghỉ làm theo các trường hợp sau đây:

1. Nghỉ ốm

Theo Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (Luật BHXH), người lao động bị ốm đau, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì được nghỉ hưởng chế độ ốm đau. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm được quy định tại Điều 26 Luật BHXH cụ thể:

- Trường hợp làm việc trong điều kiện bình thường hưởng 30 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 40 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 60 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

- Làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên thì được hưởng 40 ngày nếu đã đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm; 50 ngày nếu đã đóng từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm; 70 ngày nếu đã đóng từ đủ 30 năm trở lên.

Ngoài ra, sau khi kết thúc thời gian nghỉ chế độ ốm đau và quay trở lại làm việc thì trong vòng 30 ngày đầu mà sức khỏe chưa hồi phục, người lao động còn được giải quyết hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

Người lao động là F0 được nghỉ làm bao nhiêu ngày và cần thủ tục gì để được nhận trợ cấp?

Căn cứ Điều 29 Luật BHXH, thời gian nghỉ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe trong trường hợp này sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định nhưng tối đa không quá 10 ngày/năm. Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở.

Căn cứ vào Công văn 1492 ngày 19/11/2021 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh, người lao động là F0 nuốn hưởng chế độ ốm đau phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 Thông tư 56/2017 của Bộ Y tế.

2. Nghỉ phép hằng năm

Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019 (BLLĐ), người lao động làm việc đủ 12 tháng thì được nghỉ phép hàng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động cụ thể:

- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.

- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

- Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hàng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Ngoài ra, Điều 114 BLLĐ quy định, cứ đủ 5 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hàng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng một ngày.

Như vậy, bạn là F0 có thể sử dụng chế độ nghỉ phép hằng năm để nghỉ làm, thời gian nghỉ tương ứng theo các quy định trên. Trong khoảng thời gian nghỉ này, người lao động được hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động.

3. Thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ làm không lương

Theo khoản 3 Điều 115 BLLĐ, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương. Thời gian nghỉ do hai bên thỏa thuận.

F0 điều trị tại nhà cần thủ tục gì để được trợ cấp ốm đau?

Theo thông tin từ Bảo hiểm xã hội TP.HCM, chế độ ốm đau được quy định tại điều 25 Luật bảo hiểm xã hội.

Do đó, người lao động nhiễm COVID-19 đang đóng bảo hiểm xã hội và điều trị tại nhà thì được hưởng chế độ ốm đau nếu có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.

Theo công văn của Cục Quản lý khám chữa bệnh, người lao động là F0 muốn hưởng chế độ ốm đau phải có giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội theo mẫu quy định tại thông tư 56/2017 theo hướng dẫn sau:

- Người lao động xin cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Sau khi hoàn thành cách ly, điều trị tại nhà, người lao động là F0 cần liên hệ trung tâm y tế, trạm y tế chăm sóc, quản lý để xin cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

Nếu được cấp không đúng mẫu quy định, người lao động được đề nghị cơ sở y tế cấp lại.

- Tiếp đó, người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho doanh nghiệp trong 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.

Theo quy định tại quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, người lao động phải nộp cho doanh nghiệp bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Nếu nộp muộn khiến doanh nghiệp chậm nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội, phải giải trình lý do bằng văn bản.

Sau khi nhận hồ sơ từ người lao động, doanh nghiệp sẽ lập thêm mẫu số 01B-HSB và gửi toàn bộ hồ sơ cho cơ quan Bảo hiểm xã hội trong 10 ngày làm việc.

- Thời hạn để cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết trả trợ cấp cho người lao động là tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan Bảo hiểm xã hội nhận đủ hồ sơ.

Số tiền trợ cấp được tính theo công thức như sau: Mức hưởng = 75% x Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ/24 ngày x số ngày nghỉ.

Ni Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên