Vụ giả bác sĩ ở khu cách ly: Có dấu hiệu hình sự?

2022-02-24 11:10
- Theo luật sư, việc giả bác sĩ vào làm việc tại một khu điều trị ở TP HCM là câu chuyện tưởng đùa mà lại có thật khiến dư luận vừa cảm thấy khôi hài lại vừa bức xúc.

Sau khi báo chí phản ánh, Công an TPHCM đã vào cuộc kiểm tra, xác minh thông tin liên quan vụ việc một đối tượng giả mạo sinh viên Trường Đại học Y Dược TPHCM để tham gia vào nhóm tình nguyện viên hỗ trợ tại Khu cách ly Trường Cao đẳng Điện lực TPHCM ở quận 12.

Bước đầu, Công an TPHCM xác định, khoảng tháng 7/2021, sau khi UBND quận 12 đề nghị cử nhân sự tham gia hỗ trợ tại Khu cách ly trường Cao đẳng Điện lực TPHCM ở quận 12, trường Đại học Y Dược TPHCM đã tạo lập nhóm 'chat' trên mạng xã hội để sinh viên đăng ký tham gia theo hướng dẫn (bằng đường link Google Form) và nộp kèm bản photo thẻ sinh viên.

Hay tin, Nguyễn Quốc Khiêm (SN 1996, thường trú tỉnh Ninh Thuận) đã làm giả giấy tờ để đăng ký làm tình nguyện viên. Khiêm tự tìm kiếm trên mạng hình ảnh, mẫu Thẻ sinh viên của Trường Đại học Y Dược TPHCM để chỉnh sửa, cắt ghép hình ảnh của bản thân; sau đó chụp hình để đăng ký làm tình nguyện viên.

Thời điểm này, dịch bệnh đang bùng phát, diễn biến hết sức phức tạp, cơ quan chức năng tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, lợi dụng sơ sót trong việc kiểm tra thông tin do sinh viên cung cấp, nên Khiêm đã được tuyển chọn làm tình nguyện viên tại Khu cách ly trường Cao đẳng Điện lực TPHCM ở quận 12.

Vụ giả bác sĩ ở khu cách ly: Có dấu hiệu hình sự?

Nguyễn Quốc Khiêm - người mạo danh bác sĩ vào làm việc tại khu điều trị cách ly

Ngày 16/8/2021, Trung tâm Y tế quận 12 đã có Quyết định về việc điều động, phân công nhân sự, trong đó có Nguyễn Quốc Khiêm hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại khu cách ly tập trung Trường Cao đẳng Điện lực TPHCM với nhiệm vụ tiếp nhận và theo dõi sức khỏe của bệnh nhân COVID-19 và những trường hợp tiếp xúc gần (F1), kiêm nhiệm công tác hậu cần…

Tháng 9/2021, ngay sau khi việc giả mạo sinh viên trường Đại học Y Dược TPHCM có dấu hiệu bị bại lộ, lấy lý do cá nhân, Nguyễn Quốc Khiêm đã nghỉ việc tại Khu cách ly.

Theo Công an, Nguyễn Quốc Khiêm đã từng theo học trường Cao đẳng chuyên ngành Y sĩ đa khoa niên khóa 2016 - 2018 (đã nghỉ học, chưa tốt nghiệp).

Luật sư nói gì?

Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông luật cho biết, nghe qua câu chuyện như đùa nhưng lại có thật khiến dư luận vừa cảm thấy khôi hài, vừa cảm thấy bức xúc. Có thể thấy Khiêm có ước mơ được trở thành bác sĩ. Dù có thể động cơ ban đầu của Khiêm là trong sáng, là muốn lao vào giúp đỡ bệnh nhân nhưng câu chuyện tiếp theo đã quá đà. Hành vi ra y lệnh, phác đồ điều trị... có thể gây ra nguy hiểm cho người bệnh và những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội.

“Do đó, cơ quan chức năng sẽ cần làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ động cơ mục đích, làm rõ quá trình thực hiện các thủ tục tuyển tình nguyện viên, quá trình tham gia tình nguyện và việc mạo danh bác sĩ để thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh của vị bác sĩ giả này.

Việc mạo danh bác sĩ, ra quyết định trong việc đưa các y lệnh, thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh, liên quan trực tiếp đến người bệnh đang nguy kịch là một sự việc nghiêm trọng, đây là hành vi vi phạm pháp luật, là hành vi giả mạo trong công tác. Hơn nữa, để giả mạo bác sĩ, người này còn có thể sẽ làm giả các giấy tờ, tài liệu nhằm hợp thức hóa vai trò của mình nên cơ quan chức năng sẽ làm rõ tất cả các hành vi vi phạm để xử lý theo quy định pháp luật”, luật sư Bình cho biết.

Theo luật sư Bình, những người thực hiện công việc không đúng với chuyên môn, gây ra hậu quả nghiêm trọng, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vậy trong vụ việc này, nhân vật giả mạo thạc sĩ, bác sĩ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh.

Giả sử trong quá trình giả mạo làm bác sĩ mà người này ra các y lệnh, lên phác đồ điều trị làm chết bệnh nhân hoặc gây ra tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe cho bệnh nhân sẽ bị xử lý hình sự về tội Vi phạm quy định về khám chữa bệnh và mức xử phạt cao nhất là 10 năm tù giam.

“Trường hợp trong quá trình người này mạo danh bác sĩ chưa gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản thì hành vi này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Giả mạo trong công tác và tội Làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội Sử dụng tài liệu con dấu giả, thậm chí là tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nếu cơ quan chức năng xác định người này mạo danh bác sĩ, thu lợi bất chính. Với nhiều hành vi vi phạm thì mỗi hành vi vi phạm có thể bị xử lý với những chế tài và mức xử lý khác nhau”, luật sư Bình nhận định.

Ni Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên