Người đàn ông ở Hà Nội tử vong sau 2 tháng bị chó cắn
Tin liên quan
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, một người đàn ông 45 tuổi có địa chỉ tại Hưng Yên, liên quan đến Hà Nội đã tử vong vì bệnh dại do bị chó cắn tại thời điểm 2 tháng trước.
Cụ thể, trường hợp này có địa chỉ thường trú tại thôn Duyên Ninh, xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Cách đây 2 tháng, người này bị chó thả rông cắn vào mu bàn tay phải khi đang làm nông tại trang trại của gia đình ở Hưng Yên.
Tuy nhiên, sau khi bị chó cắn, bệnh nhân không đi tiêm phòng dại mà đi khám ở một thầy lang trong thôn. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán không phải bị cắn bởi chó dại.
Ngày 5/11, anh đi từ Hưng Yên đến thăm và sống cùng vợ, con đang thuê trọ tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội). Trong quá trình ở đây, bệnh nhân không đi đâu, không tiếp xúc với hàng xóm xung quanh.
Ngày 8/11, anh này bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sốt nhẹ (từ 37,5 đến 38 độ C), ho, khàn giọng, khó ngủ, đau vai, tê bì dọc cánh tay theo vị trí vết cắn.
Bệnh tình càng lúc càng nặng, anh không uống được nước, không ăn được, có biểu hiện sợ gió, sợ ánh sáng, khó thở và được người nhà đưa vào bệnh viện điều trị ngay trong đêm. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán, theo dõi cơn dại, lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm.
Đến 22h15 ngày 9/11, tình trạng bệnh nhân diễn biến nặng. Sau đó, bệnh nhân được đưa về Hưng Yên và tử vong. Sáng 10/11, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thông báo kết quả xét nghiệm, bệnh nhân này dương tính virus dại.
Việc cần làm sau khi bị động vật cắn
Bệnh dại lây truyền chủ yếu qua vết cắn hoặc vết cào, liếm của con vật nhiễm dại. Biểu hiện của bệnh là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật.
Việc cần làm:
- Xử lý sơ cứu vết thương: Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng (dầu gội, bột giặt,...) đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch. Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine.
- Không làm dập nát thêm vết thương; tránh khâu kín, băng kín ngay vết thương.
- Nếu vết thương chảy máu không nhiều nên đặt lên vết thương bằng miếng gạc y tế và băng lại vết thương.
- Đến ngay Trung tâm Y tế gấn nhất để được tư vấn, xem xét chỉ định huyết thanh kháng dại và vắc xin dại phù hợp.
Không nên làm:
- Cho các chất kích thích vào vết thương như đất, dầu hỏa, đắp thuốc lào, lá trầu không,…
- Khâu, đốt vết thương
- Thử dại; Điều trị thuốc nam.
Ni Trần (tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất