Công an xác định bà Nguyễn Phương Hằng có thêm quốc tịch Cộng hòa Cyprus

2022-04-18 15:31
- Công an TP.HCM cho biết vẫn đang làm rõ nhiều vấn đề liên quan hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng và những người khác.

Báo Người Lao Động đưa tin, ngày 17/4, Công an TP.HCM cho biết mở rộng điều tra, bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971) trước đây từng có tên là Nguyễn Thị Thanh Tuyền. Ngoài quốc tịch Việt Nam thì bà Hằng có thêm quốc tịch Cộng hòa Cyprus (Cộng hòa Síp).

Khi còn mang tên Thanh Tuyền, bà từng tố cáo ông Đ.Đ.G (đệ tử Trương Văn Cam, tức Năm Cam). Bà Tuyền quen biết với Đ.Đ.G từ năm 1996, đến năm 1997 thì về sống với ông G. như vợ chồng tại một căn nhà ở quận Tân Bình, TP.HCM. Sau nhiều năm sinh sống, bà Tuyền mua lại căn nhà này với giá 52 lượng vàng.

Tuy nhiên, trong thời gian sống chung với ông G., bà Tuyền thường bị đánh đập nên đã đem giấy tờ nhà gửi cho mẹ ruột. Đến năm 1998, ông G. buộc bà Tuyền viết giấy ghi tên ông này và bà Tuyền đồng sở hữu rồi đuổi bà ra khỏi nhà.

Công an xác định bà Nguyễn Phương Hằng có thêm quốc tịch Cộng hòa Cyprus

Bà Nguyễn Phương Hằng lúc bị bắt.

Trao đổi trê VnExpress, luật sư Võ Đan Mạch (Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV TA PHA), cho biết, căn cứ Điều 5 Bộ luật Hình sự (BLHS), việc bà Hằng mang hai quốc tịch không ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xử lý. Tức là, BLHS được áp dụng để xử lý mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt chủ thể thực hiện hành vi phạm tội là công dân Việt Nam, người nhiều quốc tịch hay người nước ngoài.

Trong một số trường hợp liên quan đến miễn trừ ngoại giao, các cam kết trong Điều ước quốc tế (ĐƯQT) mà Việt Nam gia nhập, ký kết, người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thuộc đối tượng này thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của ĐƯQT hoặc theo tập quán quốc tế đó. Tuy nhiên, bà Hằng không thuộc trường hợp được miễn trừ ngoại giao quy định tại Pháp lệnh về Quyền ưu đãi, miễn trừ dành cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam ngày 23/8/1993 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội; Nghị định số 73-CP ngày 30/7/1994 của Chính phủ.

Theo đó, cơ quan điều tra vẫn giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng thông thường, áp dụng cơ chế xử lý tương tự như một người nước ngoài thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam. Pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để xử lý.

"Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng, Đại sứ quán Cộng hòa Cyprus muốn thăm hỏi, thông tin về công dân của mình thì cơ quan tố tụng vẫn tạo điều kiện cho tiếp xúc trong phạm vi ngoại giao lãnh sự để nắm thông tin. Ngoài ra, không có ngoại lệ nào khác", luật sư Đan Mạch nói.

Trước đó, ngày 24/3, bà Nguyễn Phương Hằng bị Công an TP.HCM khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, theo Điều 331, Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Thời gian vừa qua, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục livestream trên mạng xã hội "tố" nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên, Trấn Thành, MC Đại Nghĩa... ăn chặn tiền quyên góp cho đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2020. Ngoài ra, bà này còn livestream xúc phạm một số người như nhà báo Đức Hiển, Hàn Ni và thậm chí cả lãnh đạo thành phố.

Chi Nguyễn (Dân Việt)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên