Bộ Y tế: Người mắc bệnh đậu mùa khỉ cách ly tối thiểu 14 ngày

2022-07-29 18:12
- Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng chính là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.

Ngày 29-7 Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người.

Bệnh đậu mùa khỉ điều trị triệu chứng là chủ yếu. Cạnh đó, đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý. Sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch,...) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định của Việt Nam. Theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.

Với người mắc đậu mùa khỉ thể nhẹ chủ yếu điều trị triệu chứng như: Hạ sốt, giảm đau; Chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng; Bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải.

Bộ Y tế: Người mắc bệnh đậu mùa khỉ cách ly tối thiểu 14 ngày

Đậu mùa khỉ (monkey pox) là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra.

Cạnh đó, người bệnh cần theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có: viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... để điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức; Phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.

Đối với bệnh đậu mùa khỉ ở thể nặng: Cần điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo các phác đồ đã ban hành.

Thuốc điều trị đặc hiệu được chỉ định trong những trường hợp: Người có biến chứng nặng (nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não...). Người bị suy giảm miễn dịch (HIV, ung thư, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid liều cao...). Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi. Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú. Những người đang có bệnh cấp tính tiến triển.

Các thuốc điều trị sử dụng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Điều trị bệnh đậu mùa khỉ thế nào?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc điều trị bệnh sẽ phân tuyến theo thể bệnh.

Tại y tế xã/phường, quận/huyện: sẽ điều trị ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ có các triệu chứng thông thường của bệnh.

Tuyến tỉnh, trung ương: sẽ tiếp nhận ca bệnh nặng hoặc có nguy cơ trở nặng (trẻ sơ sinh, người bị suy giảm miễn dịch, người cao tuổi, bệnh nền, phụ nữ mang thai), ca bệnh có biến chứng nặng.

Các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị: giảm thị lực, giảm ý thức, hôn mê, co giật, suy hô hấp, chảy máu, giảm số lượng nước tiểu và các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.

Người bệnh cách ly tối thiểu 14 ngày hết các triệu chứng về lâm sàng (không xuất hiện tổn thương trên da mới tối thiểu 48 giờ và các tổn thương cũ đã đóng vảy) sẽ được xuất viện.

Ni Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên