Tập tục cúng Rằm Tháng 7 ở các nơi tại châu Á khác Việt Nam thế nào?
Singapore
Phong tục ngày rằm tháng 7 vẫn được gìn giữ trong cộng đồng người Hoa ở Singapore. Trong thời gian này, người dân thường làm cơm cúng, đốt tiền vàng, tới chùa, làm nhiều việc thiện. Đặc biệt, người Singapore còn kiêng kỵ những điều mang tính tâm linh như không huýt sáo, chụp ảnh, treo quần áo bên ngoài nhà, hoặc đi ngoài đường ban đêm... trong tháng 7 âm lịch.
Trung Quốc
Trong quan niệm, phong tục của người Trung Quốc, Rằm tháng 7 còn được gọi là Tết Trung nguyên. Theo quan niệm, vào ngày Tết Trung nguyên là ngày quan dưới đất xá tội. Vì vậy, vào ngày này người dân Trung quốc thường sắm sửa mâm cỗ thịnh soạn, đốt vàng mã để dâng cúng tổ tiên.
Đồng thời, họ cũng tới những ngôi chùa lớn và phát gạo cho người nghèo. Họ mang niềm tin rằng những việc làm của họ sẽ giúp đỡ cho các cô hồn khỏi cảnh đói ăn đói mặc nên họ sẽ không bị quấy rầy nơi trần thế.
Lễ Tết này được kéo dài từ đầu tháng 7 âm lịch cho đến hết ngày 30.7 âm lịch.
Ở chùa, các khóa lễ được tổ chức suốt ngày đêm để cầu nguyện cho các vong hồn đang bị đói khát, giày vò nơi địa ngục. Người dân Trung Quốc cũng thả đèn hoa đăng với nghĩ nghĩa rằng đèn sẽ soi sang đường cho những linh hồn chết trong nước, gọi các linh hồn lên mặt đất để hướng đồ cúng và cầu nguyện cho các linh hồn được siêu thoát và đầu thai.
Hong Kong (Trung Quốc)
Cộng đồng người Triều Châu ở Hong Kong chiếm tỷ lệ lớn nên ngày nay họ vẫn giữ nhiều thói quen thờ cúng từ ông cha. Lễ cúng cô hồn ở Hong Kong kéo dài cả tháng 7 âm lịch và trở thành nét văn hóa độc đáo ở đặc khu này. Bởi lẽ, bên cạnh sự phát triển hiện đại, xứ Hương Cảng vẫn mang trong mình nhiều giá trị truyền thống.
Trong suốt tháng 7 trên khắp Hong Kong, người ta sử dụng mọi không gian công cộng từ quảng trường, bờ sông, bãi đất trống để cúng tổ tiên cũng như những linh hồn lang thang, thắp hương, vàng mã, phát gạo miễn phí. Nhiều nơi họ dựng những đài tế tạm thời trong suốt tháng 7 và sẽ hạ xuống khi kết thúc mùa Vu Lan.
Người Hong Kong còn kiêng một số hoạt động để tránh xui xẻo như quét dọn đồ cúng, phơi quần áo ngoài trời, tiểu tiện ở gốc cây, đi vào rừng hay mở cửa nhà vào ban đêm, chụp ảnh lúc trời tối, bơi lội, cưới hỏi...
Lễ Obon của người Nhật Bản
Nhật Bản cũng có lễ Obon báo hiếu nhưng lại diễn ra vào tháng 8 dương lịch hàng năm. Trong dịp này, hầu hết những người đang ở xa đều về thăm cha mẹ, ông bà, hoặc đi viếng mộ người thân. Đây còn là lễ hội linh thiêng huyền bí của toàn nước Nhật được tổ chức tại cố đô Kyoto thơ mộng. Thường các gia đình sẽ có một đợt nghỉ khá dài, gọi là kỳ nghỉ Obon, được coi như những ngày gia đình đối với họ.
Nhiều hoạt động tín ngưỡng được người Nhật Bản tổ chức để kỷ niệm Lễ hội Obon này. Đặc biệt nhất là Lễ dâng lửa để soi đường cho linh hồn của những người đã khuất quay trở về trời (sau khi ghé về thăm trần thế trong dịp Obon) vào đêm 16 tháng 8. Trong Lễ dâng lửa linh thiêng này, 5 đám lửa lớn sẽ được đốt lên lần lượt ở trên 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng một giờ đồng hồ.
Các đám lửa được sắp xếp theo hình dạng của các chữ Hán ở năm ngọn núi, bắt đầu bằng ngọn núi chữ Đại (Daimonji), Diệu (Myo), Pháp (Ho), Thuyền (Funagata), chữ Đại nhỏ ở đỉnh núi nhỏ hơn gọi là Hidari-Daimonji, gần với Chùa Vàng, và kết thúc bằng đám lửa có hình Torii (có nghĩa là Cổng lên trời).
Mỗi đám lửa sẽ được thắp sáng trong vòng 30 phút, trong thời gian đó mọi người sẽ gửi những lời cầu nguyện đến tổ tiên. Sau khi các đám lửa đã cháy hết, các điệu múa truyền thống là Daimoku và Sashi của Lễ hội Obon sẽ được tổ chức trong vòng một tiếng đồng hồ ở chùa Yusen-ji dưới chân các ngọn núi. Lễ hội kết thúc với nghi thức thả thuyền giấy. Các con thuyền được xếp bằng giấy rồi thả theo các con sông như là biểu tượng để tiễn đưa linh hồn những người quá cố trở về thế giới của họ.
Thu Trang (tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất