Vì sao có hiện tượng nắng nóng cực độ ở châu Á?
Các chuyên gia quốc tế mới đây đã cảnh báo về tình trạng sóng nhiệt ghi nhận ở nhiều nơi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cục Khí tượng Ấn Độ cho biết, nhiệt độ những ngày qua đang dao động trong khoảng 40-41 độ C.
Tiến sĩ Soma Sen Roy - Chuyên gia Cục khí tượng Ấn Độ cho biết: "Nhiệt độ phổ biến ở mức 40-41 độ C trên khắp tây bắc Ấn Độ. Ở một số thành phố thậm chí đạt 43-44 độ C, có khả năng là khi vùng nhiễu động phía tây này di chuyển ra xa về phía đông, có thể sẽ có mưa giông. Sau đó, nhiệt độ lại tăng lên và các đợt nắng nóng có khả năng xảy ra từ ngày 19-20 trở đi. Nhiệt độ cao ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt của người dân Ấn Độ.
Anh Rohit Saini - Người dân Ấn Độ nói: "Thời tiết nóng nực quá, không khí ngột ngạt. Giữa trưa, nhiệt độ cứ trên 40 độ. Việc ra khỏi nhà trở nên khó khăn, chúng tôi thậm chí không thể làm các công việc hàng ngày".
Trên tờ USA Today, nhà khí tượng học Jason Nicholls của Công ty AccuWeather cho biết tình trạng thời tiết cực đoan là kết quả của một khối khí nóng và dải áp suất cao kéo dài từ vịnh Bengal đến biển Philippines.
AccuWeather cho biết đợt nắng nóng này cũng là hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu. Các hoạt động do con người gây ra đang khiến các đợt nắng nóng trong khu vực kéo dài hơn và với cường độ cao hơn.
Giáo sư David Karoly của Trường Khoa học Địa lý, Trái đất và Khí quyển của Đại học Melbourne (Úc) cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Chia sẻ với phóng viên đài Channel News Asia, ông nói rằng bản chất khắc nghiệt của những đợt nắng nóng này đang trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Theo Diplomat, hiện tượng El Nino là một trong những yếu tố khiến thời tiết ngày một nóng hơn. El Nino là hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, kéo dài 8 - 12 tháng, thường xuất hiện mỗi 3 - 4 năm.
El Nino có khả năng làm cho mọi thứ tồi tệ hơn. The Straits Times dẫn lời ông Carlo Buontempo, Giám đốc Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), nói với Reuters: “El Nino thường liên quan nhiệt độ tăng cao kỷ lục ở cấp độ toàn cầu. Vẫn chưa biết điều này sẽ xảy ra vào năm 2023 hay 2024”. Năm trái đất hứng chịu nhiệt độ nóng nhất từng được ghi nhận cho đến nay là năm 2016, trùng với hiện tượng El Nino mạnh.
Giáo sư Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết: “Nếu El Nino phát triển, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016, khi thế giới tiếp tục ấm lên và khi con người tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch”.
AM (tổng hợp)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất