Các nước châu Á đón Tết: Những phong tục kỳ lạ khiến nhiều người bất ngờ

2022-01-31 14:00
- Tết Nguyên đán ở một số nước châu Á cũng có nhiều hoạt đông đặc sắc và thú vị.

Hàn Quốc

Ngày lễ lớn nhất trong năm của người Hàn Quốc chính là Tết Âm lịch, hay còn gọi là Seollal - ngày xua đuổi các linh hồn xấu xa, những điều xui xẻo và chào đón những điều tốt lành. Khi năm cũ qua đi và năm mới tới, mọi người trong gia đình quây quần bên nhau và thực hiện những nghi lễ truyền thống.

Nghi lễ đầu tiên của ngày Tết, gọi là Charye, diễn ra tại nơi thờ cúng của gia đình. Các thành viên trong gia đình bái lạy trước bàn thờ để tỏ lòng tôn kính tổ tiên.

Tiếp sau đó là nghi lễ Sebae. Những người trẻ trong gia đình tới bái lạy, chúc thọ những người lớn tuổi và sau đó lại được nhận tiền mừng tuổi từ cha mẹ, ông bà.

Đặc biệt, sẽ là thiếu sót khi không nhắc đến văn hóa ẩm thực trong ngày tết của người Hàn Quốc. Đồ ăn để cúng được các gia đình chuẩn bị từ trước Tết và phải được hoàn tất vào đêm giao thừa. Mâm cỗ cúng lên đến hơn 20 món, trong đó nhất thiết phải có ttok-kuk - một loại phở nước được chế từ bò hay gà và món canh bánh gạo.

Trong 3 ngày Tết, người Hàn Quốc thường mặc trang phục truyền thống Hanbok, tổ chức nhiều hoạt động chào mừng như nhảy múa, ca hát và chơi các trò chơi dân gian.

Vào ngày Tết, trước cửa nhà của người Hàn Quốc còn có một cái xẻng bằng rơm (gọi là Bok-jo-ri) với ý nghĩa hốt thóc gạo rơi vãi ngoài cửa, nhận được phúc lộc quanh năm.

Các nước châu Á đón Tết: Những phong tục kỳ lạ khiến nhiều người bất ngờ

Trung Quốc

Tết Nguyên Đán được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc. Đây là thời điểm nghỉ lễ dài nhất tại nước này. Bắt đầu từ hôm 8/12 Âm lịch, dân Trung Quốc trên khắp thế giới đổ về quê ăn Tết cùng gia đình. Thời gian nghỉ lễ thường kéo dài đến hết ngày 15/1 Âm lịch.

Người dân Trung Quốc thường treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn một năm mới an lành, may mắn. Sắc đỏ từ đồ trang trí cho đến những bao lì xì ngập tràn ở Trung Quốc vào dịp Tết Nguyên đán.

Vào thời khắc giao thừa, các thành viên trong gia đình sẽ sum họp, ăn bữa cơm để chào năm mới. Theo quan niệm của người Trung Quốc, bữa cơm giao thừa mang ý nghĩa quan trọng, thể hiện được sự hạnh phúc của mỗi gia đình.

Ngày đầu năm mới, những người lớn tuổi ở Trung Quốc tặng phong bì đỏ cho trẻ em hoặc những người chưa lập gia đình. Biểu diễn múa lân, đốt pháo sáng là những hoạt động phổ biến đón ở Trung Quốc vào dịp đầu năm mới.

Các nước châu Á đón Tết: Những phong tục kỳ lạ khiến nhiều người bất ngờ

Tết Trăng Trắng ở Mông Cổ: Mặc trang phục truyền thống suốt Tết 

Không chỉ ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, người dân Mông Cổ cũng có lễ hội để chào mừng năm mới âm lịch của riêng mình. Được tổ chức trong ba ngày đầu tiên của năm mới âm lịch, lễ Tsagaan Sar, hay Tết Trăng Trắng, là một trong những ngày nghỉ lễ quan trọng nhất ở đất nước của Thành Cát Tư Hãn. 

Ban đầu, Tết Tsagaan Sar không phải là một ngày lễ chính thức trong phong tục của người Mông Cổ. Tuy vậy, trong quá trình giao lưu văn hóa, người Mông Cổ đã tiếp thu nét đẹp truyền thống này từ người Hán và người Duy Ngô Nhĩ. Khoảng thời gian người Mông Cổ chiếm đóng và trị vì Trung Quốc dưới thời nhà Nguyên càng củng cố thêm vị thế của tết âm lịch trong văn hóa của họ. 

Vào trước đêm giao thừa, người Mông Cổ sẽ vệ sinh quanh nhà hoặc khu lều trại của mình. Gia súc cũng sẽ được dọn dẹp chuồng và tắm rửa sạch sẽ. Trong đêm giao thừa, họ sẽ có hoạt động thắp nến như một biểu tượng về sự giác ngộ luân hồi của chúng sinh. Ba viên đá lạnh cũng sẽ được đặt bên ngoài cửa nhà để làm đồ uống cho con ngựa của Cát Tường Thiên Mẫu, vị thần được cho là sẽ viếng thăm nhà của người Mông Cổ vào đêm giao thừa. Trà và sữa cũng được rải ra quanh nhà như một cách chào mừng Cát Tường Thiên Mẫu.

Vào ngày đầu năm, người Mông Cổ thường quây quần tại nhà của người lớn tuổi nhất trong đại gia đình. Con cháu sẽ dùng khuỷu tay của mình để ghì chặt lấy ông bà, cha mẹ để thực hiện lời chúc mừng năm mới và sức khỏe. Trang phục truyền thống sẽ được người Mông Cổ diện trong suốt Tết Trăng Trắng. Đặc biệt, họ sẽ quàng một dải lụa dài như một biểu tượng của sự trường thọ và may mắn. 

Món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Mông Cổ khá đa dạng và mang đậm chất du mục. Với hy vọng cả năm mới sẽ no đủ, rất nhiều loại thịt sẽ được chuẩn bị trong bữa tiệc đầu năm như thịt cừu, bò hay ngựa. Người Mông Cổ cũng có phong tục ăn đuôi cừu nướng với cơm nấu với nho khô và sữa đông trong Tết Trăng Trắng. Đặc biệt, bữa ăn đầu năm mới của người Mông Cổ không thể thiếu bánh bột hấp (buuz) được xếp chồng lên nhau tượng trưng cho đỉnh núi thiêng Sumeru và sữa ngựa lên men (airag).

Các nước châu Á đón Tết: Những phong tục kỳ lạ khiến nhiều người bất ngờ

Singapore

Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay là 3 sự kiện làm nên “thương hiệu” có một không hai của Tết Nguyên đán ở Singapore. Lễ hội Đường phố Chingay, bắt đầu ở khu vực Vịnh Marina, là hoạt động nổi bật nhất với đoàn diễu hành trên phố.

Thu Trang (tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Top 3 con giáp miệng cứng lòng mềm lời nói có thể khó nghe nhưng tấm lòng lại tốt