Tự trồng rau sạch tại gia: Cần chuẩn bị gì để đảm bảo an toàn?
2016-05-08 14:00
- Người dân tận dụng khoảng trống trên sân thượng, khu đất trống quanh nhà,… để trồng rau sạch khi thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay.
Tin liên quan
Thời gian gần đây, hàng loạt vụ trồng rau bẩn trên địa bàn Thủ đô và các tỉnh lân cận được phanh phui cũng là lúc các bà nội trợ lo lắng về chất lượng mâm cơm hàng ngày. Để có nguồn rau an toàn, dồi dào, không ít người dân đã tận dụng khoảng trống xung quanh nhà, trên sân thượng để trồng rau sạch. Điều này vừa giúp các gia đình cải thiện bữa ăn cũng như tiết kiệm chi phí không nhỏ từ việc mua rau ngoài chợ.
Nhà nhà trồng rau sạch
Dạo quanh các tuyến phố trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt tại các khu chung cư cao tầng; không khó để bắt gặp hình ảnh người dân tận dụng các khoảng đất trống để trồng rau. Nhiều gia đình sẵn sàng “quây” vườn, lập hàng rào để cho rau phát triển.
Đang loay hoay cuốc đất trồng thêm vài luống rau muống, ông Nguyễn Văn Bảy (Nam Trung Yên, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, việc cải tạo đất trống trên sân thượng trồng rau sạch đến với ông rất tình cờ. Ông Bảy cho biết, cách đây hơn 2 năm khi gia đình ông có thêm cháu nội. Đến thời điểm ăn dặm, sợ mua rau ngoài chợ không an toàn nên ông Bảy mua thùng xốp, tận dụng chậu hỏng, xô hỏng trong nhà để trồng rau trên sân thượng cho cháu nội.
Không có đất trồng, nhiều gia đình tại Hà Nội trồng rau sạch trong rổ nhựa.
“Ban đầu chỉ có ý định trồng cho cháu nhỏ ăn. Nhưng sau này, thấy rau nhiều quá, tôi thu hoạch về cải thiện bữa ăn cho cả gia đình. Bây giờ, cứ đi ra ngoài chợ, rau tươi non mơn mởn; khó tránh khỏi bị dính thuốc kích thích, thuốc trừ sâu. Rau do mình trồng ra, mặc dù bề ngoài nhìn không đẹp nhưng chất lượng luôn đảm bảo”, ông Bảy nói.
Để rau mau lớn, ít bị sâu bệnh; ông Bảy thường trồng rau theo mùa. Mùa hè nên trồng rau muống, mồng tơi, rau dền, rau bí, rau đay,… Mùa đông có thể trồng các loại rau cải như cải cúc, cải ngọt, cải bắp, su hào,… Để tránh rau bị sâu phá hoại, một ngày hai buổi sáng sớm và chiều muộn, ông Bảy cùng bà xã ra vườn để bắt sâu, nhổ cỏ.
"Trồng rau vất vả nhất khi nắng nóng và thời tiết rét đậm. Gặp thời tiết như vậy, tôi phải quây bạt, che chắn cây không bị hỏng. Khi mới trồng, việc cần nhất là chăm chỉ tưới nước. Tôi thiết kế một vòi nước ngay trên sân thượng. Nước tưới cũng chỉ vừa phải để tránh bị thối rễ. Với những loại cây như mướp, đỗ cove, cũng phải tốn công làm giàn. Để có chất dinh dưỡng cho cây, tôi quét lá dưới sân nhà cho vào bao tải đem đốt, sau đó tưới cho cây. Vất vả là vậy, phải 1,5 - 2 tháng, rau mới được thu hoạch”, ông Bảy chia sẻ bí quyết.
Không phải gia đình nào tại Hà Nội cũng có sân thượng để trồng rau. Diện tích trong nhà chật hẹp, nhiều gia đình tận dụng các khoảng trống ngoài vỉa hè để “tăng gia” rau sạch. Đang thu hoạch rau chuẩn bị cho bữa cơm chiều, bà Nguyễn Thị Hòa, 62 tuổi (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, thấy đất trống quanh nhà không có ai dùng nên bà đã thuê xe chở đất từ sông Hồng về trồng rau. Vốn đầu tư không đáng là bao, chỉ mất công mua đất về đổ và chăm sóc, tưới nước hàng ngày.
Khoảng đất trống ven bờ đê được tận dụng để trồng rau.
“Trước đây, trung bình một ngày, gia đình tôi tiêu tốn khoảng 25.000 đồng tiền rau dành cho 4 người. Nhưng từ khi có vườn rau này, khoản tiền mua rau ở chợ được chuyển sang đầu tư nước, phân bón. Ban đầu, tôi chỉ có ý định trồng rau ăn cho gia đình. Sau này, hàng xóm xung quanh cũng tới mua nên tôi tiện thể cắt của nhà bán luôn. Toàn các gia đình trong xóm; đặc biệt là những cặp vợ chồng đang nuôi con nhỏ. Mỗi tháng, trừ tất cả chi phí, tôi cũng để ra được gần 1 triệu đồng từ việc bán rau sạch”, bà Hòa chia sẻ thêm.
Trồng rau sạch: Cần phải biết cách mới đảm bảo an toàn
Gần đây, trước tình trạng rau trồng trên mương nước bẩn, rau “ngập” trong thuốc trừ sâu và nhớt thải khiến nhiều gia đình từ trồng rau theo kiểu tự cung, tự cấp. Tuy nhiên, không phải cứ trồng rau tại nhà, rau lớn lên là đảm bảo an toàn và đủ chất dinh dưỡng. Theo ý kiến của các chuyên gia nông nghiệp, quá trình sinh trưởng và phát triển của rau ảnh hưởng bởi 5 yếu tố, đó là nước, ánh sáng, giống, phân, đất trồng.
Việc tự trồng rau ngoài vỉa hè cũng phải tuân thủ đầy đủ các yếu tố kĩ thuật, rau mới đầy đủ chất dinh dưỡng.
Đối với hạt giống rau, cần lựa chọn hạt giống rau còn hạn sử dụng bởi rau hết hạn sử dụng, tỉ lệ nảy mầm không cao. Nếu hạt rau dùng không hết, phải bảo quản nơi khô, thoáng mát; không bị ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào.
Đối với các loại rau mầm trồng trong thời gian ngắn cho thu hoạch, khi trồng rau tại nhà, cần phải kĩ lưỡng trong việc chọn giống để tránh nhiễm chất bảo quản. Bởi hạt rau có chất bảo quản, khi thu hoạch vẫn còn tồn dư hóa chất, sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng. Bạn có thể nhận biết chất bảo quản bằng lớp phấn đỏ hoặc trắng bao quanh hạt. Sau khi thu hoạch, cần rửa rau dưới vòi nước mạnh, sạch cát bẩn và các vi khuẩn gây hại bám trên bề mặt rau.
Sau mỗi kì thu hoạch rau, cần phải làm đất tơi xốp; để đất "nghỉ ngơi" khoảng 3 - 5 ngày trước khi bước vào mùa vụ mới. Trước khi trồng, có thể bón trước một ít phân đạm hoặc phân lân để cung cấp dinh dưỡng cho đất. Khi gieo hạt, phải tưới nước thường xuyên để cung cấp độ ẩm.
Đặc biệt, đối với gia đình trồng rau trong thùng xốp; việc tưới nước và bón phân cho cây phải theo tỷ lệ nhất định. Việc bón phân quá nhiều hoặc quá ít sẽ ảnh hưởng tới chất lượng, giá trị dinh dưỡng của rau sau thu hoạch.
Hữu Dũng
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất
Mách bạn mẹo dùng bình nóng lạnh thả ga, mà không lo 'đau ví'