Từ vụ khách ăn ốc chuyển nhầm 487 triệu đồng, nên làm gì khi bỗng nhiên có tiền đổ vào tài khoản mà không biết chủ nhân là ai

2023-08-06 11:04
- Bỗng nhiên có tiền chuyển vào tài khoản mà không biết ai gửi, bạn cần lưu ý các điều sau đây.

Mới đây, cư dân mạng xôn xao về câu chuyện chủ một cửa hàng bán ốc được khách chuyển nhầm 487 triệu đồng, dù khách này chỉ ăn hết 487.000 đồng. Sau đó, chủ cửa hàng đã đăng lên mạng xã hội và tìm người chuyển nhầm trả lại đầy đủ.

Hành động này của chủ cửa hàng ốc đã nhận được nhiều lời khen từ cư dân mạng. Đa số ý kiến cho rằng đó là điều nên làm và không nên tham lam.

Bỗng nhiên nhận được khoản tiền lạ, cần làm gì?

Trong trường hợp là người nhận được tiền chuyển khoản nhầm, cần lưu ý quan trọng nhất là không sử dụng số tiền nhận được vào việc chi tiêu cá nhân và chỉ làm việc với ngân hàng để trả lại tiền cho người chuyển nhầm, tuyệt đối không chuyển lại tiền cho người lạ khi không xác minh được và không có bên thứ 3 làm chứng.

Người nhận tiền cũng cần chủ động liên hệ với ngân hàng để thông báo về việc nhận tiền chuyển nhầm hoặc đợi đại diện ngân hàng liên hệ làm việc.

Từ vụ khách ăn ốc chuyển nhầm 487 triệu đồng, nên làm gì khi bỗng nhiên có tiền đổ vào tài khoản mà không biết chủ nhân là ai

Nếu nhận được điện thoại từ ngân hàng, cần kiểm tra xem đó có đúng là số điện thoại của ngân hàng hay không. Để chắc chắn hơn, chủ tài khoản vẫn nên đến ngân hàng làm việc trực tiếp.

Trường hợp khoản tiền chuyển nhầm có giá trị nhỏ thì chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng cung cấp sao kê rồi đối chiếu với những thông tin nhận được và tiến hành chuyển lại.

Với số tiền lớn, chủ tài khoản nên sắp xếp thời gian đến trực tiếp chi nhánh ngân hàng để thực hiện việc xác minh hay thậm chí là liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.

Không trả lại tiền chuyển nhầm bị coi chiếm tài sản người khác?

Trường hợp không biết thông tin người chuyển tiền nhầm thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật, cụ thể như sau:

- Theo điểm đ khoản 2 điều 15 nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội: 

Nếu có hành vi sử dụng, mua, bán, thế chấp, cầm cố trái phép hoặc chiếm giữ tài sản của người khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng. Điểm b khoản 4 điều này cũng quy định người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.

- Theo quy định tại điều 176 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội chiếm giữ trái phép tài sản nếu số tiền bị chiếm giữ trái phép từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. 

Nếu chiếm giữ tài sản từ 200.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Như vậy, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng; nếu sử dụng số tiền từ 10 - 200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; nếu sử dụng số tiền từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 1 - 5 năm.

Ngọc Anh 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những lỗi sai cơ bản khi thực hiện động tác tập bụng