Đề xuất xử lý người tiêu dùng cố tình mua hàng giả

2022-11-04 15:13
- Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) cho rằng nếu không xử lý những người cố tình mua hàng giả sẽ không thể bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững.

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận Tổ về Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Góp ý về dự án Luật, theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Đình), hàng giả có nghĩa là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán. 

Đại biểu đoàn Bình Định cho biết với người bán hàng giả khi bị phát hiện hiện đã có luật để xử lý. Tuy nhiên còn với người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả thì có vi phạm hay không? Theo nữ đại biểu, dự Luật lần này chưa nêu trường hợp nói trên.

"Thực tế có nhiều thương hiệu nổi tiếng được bán giả công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư, trong pháp luật chưa có rõ trong vấn đề này. Do đó để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua", bà Hạnh nhấn mạnh.

Đề xuất xử lý người tiêu dùng cố tình mua hàng giả

Đại biểu đoàn Bình Định cho rằng nếu không nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng thì nhiều khi lẫn lộn, cuối cùng sẽ có nhiều người phải bỏ tiền thật để mua hàng giả.

Đại biểu Phạm Đức Sơn (đoàn Hà Nội) thẳng thắn nêu ý kiến, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vẫn trưng khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế” nhưng chỉ “thượng đế” khi mua hàng thôi nên phải sửa luật để bảo vệ tối đa quyền lợi người tiêu dùng (NTD).

Theo Đại biểu, đôi khi NTD nghĩ những phản ánh về chất lượng hàng hóa của mình là nhỏ nên không lên tiếng nhưng nhiều người cùng gặp hiện tượng tương tự thì vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng. Trong khi đó, cơ chế bảo vệ NTD hiện quá phức tạp, chưa tạo điều kiện cho NTD phản ánh. Do đó, công sức bỏ ra khiếu nại mất gấp nhiều lần ích lợi nhận lại được.

Còn Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn Hà Nội) thông tin, qua tham gia giám sát ở địa phương thì thấy vai trò của Hội Bảo vệ NTD ở địa phương và Trung ương rất yếu. Hiện nay, các phương thức giải quyết tranh chấp chủ yếu là hòa giải thương lượng nên vai trò của hội rất quan trọng trong quá trình này. Toàn quốc mới có 55 tỉnh có hội nhưng chưa thực sự được quan tâm từ địa phương, kinh phí khó khăn, cơ chế đảm bảo nguồn lực cho hội khá hạn chế.

Cùng quan điểm, Đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho biết, hiện nay, hoạt động của các Hội Bảo vệ NTD còn nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là vấn đề cơ chế bảo đảm kinh phí, nguồn lực... Bên cạnh đó, chưa có những cơ chế phối hợp và huy động sự tham gia trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp như Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh.

Thu Trang (tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Bí quyết giúp 'chàng hậu Mr Queen' có được gương mặt baby, làn da mịn màng