5 khoản tiền có thể được nhận khi mất việc, thôi việc cuối năm, NLĐ cần biết để không bị thiệt

2022-11-04 11:01
- Khi không may bị mất việc làm, người lao động cần nắm rõ những khoản tiền mà mình có thể được nhận để đảm bảo quyền lợi của bản thân.

Ngày 31/10, công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TPHCM) thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 1.185 công nhân vì lý do ảnh hưởng tình hình kinh tế, không có đơn hàng.

Thời điểm cuối năm, không ai mong muốn bị mất việc nhưng tình trạng các doanh nghiệp phải sa thải công nhân vẫn diễn ra cục bộ ở một số nơi do tình hình kinh tế thế giới. Khi không may bị mất việc làm, người lao động cần nắm rõ những khoản tiền mà mình có thể được nhận để đảm bảo quyền lợi của bản thân.

Tiền trợ cấp thôi việc

Theo Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên.

Có 2 trường hợp không được nhận trợ cấp thôi việc là người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu khi chấm dứt hợp đồng lao động và người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên.

5 khoản tiền có thể nhận khi mất việc, thôi việc cuối năm, NLĐ cần biết để không bị thiệt

(Ảnh minh họa)

Tiền trợ cấp thôi việc được tính theo thời gian làm việc, cứ mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tiền trợ cấp mất việc làm

Điều 47 Bộ luật Lao động 2019 nêu rõ người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại khoản 11 Điều 34 của Bộ luật này. Theo quy định của luật, cứ mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động mất việc làm.

Tiền trợ cấp thất nghiệp

Đây là khoản tiền do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả. Để được hưởng khoản trợ cấp này, người lao động phỉa đáp ứng các điều kiện:

- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên;

- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Người lao động đủ điều kiện sẽ được trả trợ cấp thất nghiệp theo Điều 50 Luật Việc làm 2013. Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng sẽ bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cứ đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng, người lao động sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Tiền phép năm

Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm việc đủ 12 tháng sẽ được nghỉ phép hằng năm, hưởng nguyên lương từ 12-16 ngày. Trường hợp người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Theo Khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, trường hợp bị thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Lương những ngày làm việc chưa được thanh toán

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, doanh nghiệp phải thông báo trước việc chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động. Trong khoảng thời gian này, người lao động vẫn được nhận lượng theo hợp đồng, thời điểm tính lương kết thúc vào ngày chấm dứt hợp đồng lao động theo thông báo.

Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động, trong đó có tiền lương. Trong một số trường hợp đặc thù, thời hạn thanh toán khoản tiền này có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Ni Trần (Tổng hợp)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Vụ 662 học sinh ngộ độc ở Trường iSchool Nha Trang: Phát hiện 3 loại vi khuẩn trong nước mắm và cánh gà chiên