Bà nội trợ đổ đi mua hàng, nhiều siêu thị ở Hà Nội đông khách, có quầy hàng tạm thời trống trơn
Tin liên quan
Từ cuối giờ chiều ngày 18/7/2021, một số siêu thị và cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội đông khách hơn thường ngày.
Theo lời nhiều nhân viên bán hàng, khách chủ yếu mua lương thực, thực phẩm. Điều này dẫn đến một số quầy hàng lâm vào cảnh trống trơn chỉ sau ít phút. Tuy nhiên, đây không phải là khan hiếm hàng mà do lượng khách mua đông, nhanh và nhiều nên bị hết tạm thời.
Quầy trứng gần như trống trơn tại một siêu thị nhưng đây là do lượng khách mua đông chứ không phải thiếu hàng.
Anh Sỹ Anh (Mỹ Đình, Hà Nội) cho hay, lúc xuống cửa hàng tiện lợi để mua hàng thì quầy rau đã vơi, thịt còn một ít. Nhiều người mua đầy ắp xe đẩy có vẻ như muốn tích trữ đồ ăn trong những ngày tới.
Một quầy mỳ tôm vơi đi đáng kể.
Hình ảnh được cư dân mạng chia sẻ trên mạng cho thấy, tại một siêu thị lớn ở Hà Nội, kệ hàng bán mỳ tôm vơi đi đáng kể, trong khi đó quầy bán trứng cả 4 tầng gần như trống trơn chỉ sót lại một vài hộp. Tại khu vực tính tiền nhiều người xếp hàng chờ đợi.
"Tôi xếp hàng gần 20 phút mới đến lượt. Quầy rau vơi dần trong ít phút, còn quầy trứng gần như trống trơn. Tôi không thể mua được trứng nên đợi ngày mai mới mua", chị Thuỷ (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay.
Quầy bắp cải chỉ còn lại những sản phẩm không tươi ngon do khách đã chọn hết.
Một số bà nội trợ cho rằng, việc đi mua sắm không phải do sợ nguồn cung không đủ mà muốn tích trữ để đỡ phải đi nhiều lần.
Nhiều khách hàng chờ đợi đến lượt tính toán.
"Từ ngày mai, công ty của tôi cho nhân viên làm việc tại nhà. Vì muốn đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình nên tôi muốn mua thực phẩm nhiều hơn để mấy ngày tới ở nhà, không phải ra ngoài. Còn tôi không hề sợ nguồn cung thiếu vì các chợ dân sinh vẫn mở", chị Hồng Khanh (Hà Nội) cho hay.
Hình ảnh chụp một số quầy hàng hết thực phẩm vì lượng người mua đông, không có chuyện khan hiếm thực phẩm.
Người dân nên an tâm, không lo lắng tích trữ hàng hoá, thực phẩm
Cuối giờ chiều nay, công điện số 15 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước đã được ban hành.
Theo đó, trong công điện, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo duy trì sản xuất nông nghiệp, các hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy hải sản; phối hợp Sở Công Thương đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa tới hệ thống phân phối đảm bảo nhu cầu thiết yếu của Nhân dân trên địa bàn.
Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm không để xảy ra tình trạng đầu cơ, thổi giá đối với các mặt hàng phục vụ công tác phòng chống dịch và hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân.
Sở Công Thương chỉ đạo việc vận chuyển, cung cấp hàng hóa về các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh đảm bảo đầy đủ các mặt hàng thiết yếu; chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát việc sắp xếp các quầy hàng thiết yếu trong các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch; bố trí khu vận chuyển hàng hóa trung gian, đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp; chỉ đạo Ban Quản lý Chợ xây dựng phương án cụ thể quản lý số lượng người ra, vào trong chợ cùng một thời điểm; bố trí khu vực vận chuyển hàng hóa trung gian…và các công tác phòng, chống dịch khác.
Phối hợp UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra việc cung ứng hàng hóa, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của Nhân dân; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và yêu cầu đóng cửa các cơ sở kinh doanh không đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch.
Chỉ đạo Tổng công ty Điện lực Hà Nội đảm bảo điện phục vụ công tác phòng chống dịch, hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trên địa bàn.
Anh Minh
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất