Uống nước đúng cách không phải dễ

2015-09-06 14:17
- Uống nước là thói quen hàng ngày nhưng khi uống nước cũng cần phải lưu ý để đảm bảo không ảnh hưởng sức khỏe.
Uống nước là thói quen hàng ngày của mỗi người. Nước vô cùng quan trọng với cơ thể, nếu cơ thể thiếu nước sẽ gây nên nhiều bệnh. Nhưng uống nước thế nào cho đúng cần phải chú ý.
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Thúy Anh cho biết, tùy theo thời tiết mà cảm giác khát của con người cũng thay đổi. Vào những ngày trời mát, bạn sẽ thấy không khát nhiều nhưng ngày trời nóng cảm giác khát tăng lên do toát mồ hôi nhiều khiến cơ thể cần lượng nước bù lại lượng nước đã mất. Bù lượng nước cho cơ thể là cách để không ảnh hưởng đến các hệ cơ quan. Nếu ngồi trong điều hòa, môi trường này rất khô, da bạn cảm thấy thô ráp, bạn cần phải uống nước nhiều hơn hoặc dùng các chất xịt khoáng để cơ thể không bị thiếu nước.
Cũng theo bác sĩ Thúy Anh, uống nhiều nước quá cũng không tốt. Vì điều đó đồng nghĩa với việc bạn khiến thận phải làm việc nhiều hơn. Nhưng uống ít nước cũng khiến thận dễ bị sỏi do chất cặn bã không được đào thải.
Uống nước đúng cách không phải dễ
Không nên để cơ thể cảm thấy khát mới uống nước mà cần duy trì thói quen uống nước đều đặn vào từng thời điểm trong ngày để đảm bảo mỗi ngày đưa vào cơ thể khoảng 2 lít nước. 
Nhiều người có thói quen uống nước đá để xua tan nắng nóng, mệt mỏi và xem đây là cách giải khát nhanh nhất. Nhưng uống nước đá rất dễ gây nên viêm họng, miệng cảm giác mát nhưng thực tế cơ thể vẫn khát và nóng. Bạn có thể uống nước ấm hay nước không lạnh, loại nước này có thể đi vào tế bào bổ sung lượng nước đã mất. Điều này cũng có lợi cho sức khỏe, tránh bị viêm họng.
Không nên uống nước lã hoặc nước chưa được xử lý, chưa được nấu chín để tránh mắc các bệnh về đường ruột, ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, cũng không nên uống nước nấu đi nấu lại nhiều lần do trong nước thường có một lượng nhỏ nitrat và một số kim loại nặng, khi nấu nhiều lần nước bốc hơi làm cho nồng độ nitrat và các kim loại nặng trong nước tăng lên.
Một số người có thói quen khi khát đặc biệt lúc đi nắng về thường tu nước liên tục thậm chí 2-3 cốc một lần. Điều này rất có hại cho sức khỏe. Bởi khi uống như vậy làm cho tim đập nhanh hơn, gây loạn nhịp, hơi thở ngắt quãng, ra mồ hôi lạnh, thậm chí dẫn đến viêm họng, gây kích thích không có lợi cho dạ dày. 

Thói quen sai

Nhiều người có thói quen uống nước khi ăn nhưng điều này là không nên. Bởi khi uống nước như vậy làm cho thể tích dạ dày tăng lên, hệ tiêu hóa phải làm việc nhiều hơn gây ảnh hưởng về lâu dài. Cũng có người bị khát nhiều sau khi tập thể dục, thể hình nhưng uống nước ngay sẽ tạo áp lực cho tim, gây ảnh hưởng nhịp tim. 
Ở người cao huyết áp, nếu ăn nhiều muối, uống nhiều nước thì huyết áp càng có nguy cơ tăng cao. Ở người bình thường, nếu thấy cứ khát nước hoài, phải uống nhiều nước và đi tiểu nhiều bất thường thì cần đến bác sĩ thăm khám  vì có nguy cơ bị đái tháo đường, đái tháo nhạt hoặc một số bệnh lý khác.
Không nên đợi khát mới uống, đó là chỉ dấu cho thấy cơ thể đã thiếu nước... Duy trì việc uống nước đều đặn các buổi trong ngày, có thể 1 tiếng 1 cốc đảm bảo số lượng 2 lít/ngày. Màu nước tiểu cũng có thể báo hiệu cơ thể cần nước hay không. Nếu nước tiểu có màu vàng, sẫm, đục, bạn cần chú ý bổ sung nước cho cơ thể. Còn nếu nước tiểu trong không có màu hơi vàng đó là bạn đã uống quá nhiều nên xem lại lượng nước đưa vào cơ thể. 
Với những người bị ốm, sốt cao, tiêu chảy cần phải bù lượng nước đã mất, có thể uống nước nhiều hơn. Ngoài lượng nước lọc, người ốm có thể bổ sung bằng cách uống các dung dịch điện giải hoặc nước trái cây cụ thể như cam, chanh... để giúp cơ thể tăng cường miễn dịch, sớm khỏi bệnh.
Ngoài ra, bữa ăn hàng ngày cũng cần cung cấp nước cho cơ thể bằng những món ăn có nước. Trong bữa cơm đừng quên rau xanh, bổ sung thêm trái cây sau bữa ăn để có thêm vitamin, giải khát và nóng mùa hè.
Kiều Nga
(Theo Congluan)

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

4 bài tập mông đơn giản với dây kháng lực