Nguy cơ ung thư vì ăn đồ ăn thừa để qua đêm
Tin liên quan
Mấy ngày trở lại đây, dư luận xôn xao trường hợp người phụ nữ ở Đài Loan (Trung Quốc) mắc ung thư do thường xuyên ăn đồ ăn thừa để trong tủ lạnh. Theo chia sẻ của người con gái của bệnh nhân này, mẹ của cô đang nặng 60kg bị giảm xuống còn gần 30kg. Tình hình bệnh tình tiếp tục diễn biến xấu, do ung thư dạ dày bước sang giai đoạn cuối.
Điều đáng nói là người con gái này chia sẻ: "Tiết kiệm là điều tốt nhưng vì sức khỏe của mình, mọi người đừng ăn thức ăn thừa nữa".
Trên thực tế, nhiều người vẫn thường để đồ ăn thừa còn lại trong tủ lạnh qua đêm. Điều này được xem là thói quen giúp tiết kiệm, tận dụng đồ ăn thừa. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận có thể tiềm ẩn nguy cơ với sức khỏe khi ăn những đồ ăn này.
Trao đổi với chúng tôi bác sĩ Diệu Hương (Chuyên khoa Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng) cho hay, thức ăn khi nấu đã trải qua quá trình biến đổi. Khi cho thêm gia vị, nguyên liệu cũng làm ảnh hưởng đến các thành phần bên trong. Nếu để trong tủ lạnh qua đêm, thức ăn sẽ biến chất thêm lần nữa. Mặc dù, chưa đến mức ôi thiu, nhưng chất lượng không được như khi ăn lần đầu.
"Quá trình biến chất như vậy nên rất dễ làm bạn bị đau bụng do một số vi sinh vật đã bắt đầu phát triển. Nặng hơn có thể dẫn đến rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn nhẹ hoặc nặng. Ngoài ra, mùa đông với thời tiết lạnh nếu không cẩn thận sẽ bị lạnh bụng do những thức ăn để qua đêm", bác sĩ Hương nói.
Cũng theo bác sĩ Hương, ăn đồ ăn thừa để trong tủ lạnh qua đêm cũng làm giảm bớt cảm giác ngon miệng của bạn cũng như các thành viên trong gia đình. Nếu thời tiết có nhiệt độ cao, các loại vi khuẩn phát triển mạnh, dễ ôi thiu nhanh hơn nên có thể khiến người ăn đau bụng, ngộ độc thực phẩm.
"Đồ ăn nếu để từ 5 tiếng trở lên, trong cơm có thể sản sinh khuẩn đường ruột...gây buồn nôn, chóng mặt, đau đầu, nôn hay tiêu chảy", bác sĩ Hương nói.
Ngoài đồ ăn mặn, có nhiều người vẫn thường bảo quản cả canh, rau xanh trong tủ lạnh. Tuy nhiên, đây là điều không tốt với sức khỏe. Bởi, trong rau xanh có chứa nitrate không độc. Nhưng khi được đun nấu sẽ hình thành nên nitrite. Ngoài lượng nitrite đã có sẵn, để trong tủ lạnh qua đêm sẽ hình thành thêm hàm lượng nitrite ở mức cao hơn.
Theo các nghiên cứu, nitrite được đưa vào dạ dày qua ăn uống sẽ hình thành N-nitroso. Hợp chất này có thể gây các căn bệnh ung thư như thực quản, dạ dày và bệnh ở hệ tiêu hóa.
"Khi bạn đun lại bát canh cho nóng lên cũng có nghĩa làm cho lượng nitrite càng tăng lên, có thể ảnh hưởng đến các cơ quan trong cơ thể đặc biệt là gan", bác sĩ Hương nói.
Lưu ý cho gia đình
Về vấn đề lưu ý khi bảo quản đồ ăn, bác sĩ Hương cho rằng, để đảm bảo sức khỏe, tránh ăn thức ăn thừa trong tủ lạnh để qua đêm quá nhiều lần và liên tục. Không nên xem đây là thói quen thường xuyên, bởi khi thực phẩm đã bị biến chất sẽ làm cho cơ thể không hấp thu được chất dinh dưỡng.
Ngoài ra, khi bảo quản đồ ăn trong tủ lạnh phải đặt nhiệt độ 2-4 độ C với ngăn mát còn 0 độ C với ngăn làm đá. Không tận dụng canh, rau thừa để lại qua đêm. Ngoài ra, khi để đồ ăn trong tủ lạnh phải bọc màng bọc thực phẩm hoặc có dụng cụ che đậy cẩn thận. Để trần thực phẩm ở sàn tủ lạnh có thể khiến cho thực phẩm bị khô, nhanh biến chất.
Thức ăn đã bảo quản cần dùng càng sớm càng tốt, không trữ nhiều ngày như thực phẩm tươi sống. Tốt nhất nên ăn sau khi để trong tủ lạnh khoảng 4-5 tiếng, tuyệt đối không để lâu hơn.
Với những thực phẩm khi bảo quản còn nóng dễ dẫn đến có mùi ôi, thiu. Bạn phải kiên quyết loại bỏ những loại thực phẩm này, không nên tiếc rẻ để tránh bị đau bụng, ngộ độc.
Do đó, với thức ăn thừa bạn không nên lãng phí nhưng phải lưu ý với loại thức ăn nào sẽ bảo quản được. Không nên để thức ăn thừa quá lâu mới sử dụng sẽ làm giảm sự ngon miệng cũng như các chất dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, đừng xem thói quen ăn đồ ăn thừa là điều tốt, tiếc một chút có thể gây bệnh về lâu dài.
Đọc thêm bài về thực phẩm:
Thanh Thủy
(Theo Congluan)
Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!
Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất