Vảy nến không thể chữa khỏi nhưng làm gì để bệnh nhân không gặp nguy hiểm do biến chứng?

2017-10-22 06:45
- Vảy nến không thể chữa khỏi nhưng có thể kiểm soát, bệnh không chỉ đơn giản ngoài da mà còn ảnh hưởng tới tim mạch, gan, khớp, chuyển hóa…

Dễ chẩn đoán nhầm với 100 bệnh khác nhau

PGT.TS.BS Lê Hữu Doanh, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay trên thế giới 3-5% dân số mắc bệnh vảy nến có khoảng 125 triệu người mắc bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến ở nước ta có tỷ lệ mắc từ 1-8% dân số. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi gặp ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi và nếu ở tuổi này thì thường có yếu tố gia đình với biểu hiện bệnh nặng hơn, kéo dài hơn. Tỷ lệ bệnh ở nam và nữ như nhau.

Triệu chứng thường gặp nhất là vảy nến thể thông thường (Psoriasis vulgaris) là bệnh mãn tính, thường tái phát, có mảng và sẩn màu đỏ có vảy trắng bạc.

“Nguyên nhân gây bệnh tới nay còn nhiều ý kiến nhưng 2 yếu tố được nghi ngờ nhiều nhất là gen di truyền và yếu tố môi trường. Bệnh vảy nến xuất hiện ở những người mang sẵn gen bệnh và tiến triển nặng khi có tác động của môi trường bên ngoài như nhiễm vi khuẩn, vi rút hoặc stress tâm lý, rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên. Cho tới nay vẫn chưa có nghiên cứu nào chứng minh ăn uống trực liên quan trực tiếp tới bệnh vảy nến”, bác sĩ Doanh nói.

Vảy nến thể thông thường, gồm vảy nến thể giọt, thể đồng tiền, thể mảng. Ngoài ra, còn có vảy nến thể đặc biệt: thể đảo ngược, thể ở lòng bàn chân-bàn tay, thể đỏ da toàn thân vảy nến, thể mủ, vảy nến móng-khớp, vảy nến niêm mạc.

Theo bác sĩ Doanh, bệnh vảy nến có thể bị chuẩn đoán nhầm với 100 loại bệnh khác nhau. Tổn thương ở móng tay, chân, móng dễ bị tách, sùi gãy món dễ chẩn đoán nhấm là nấm móng. Vảy nến ở kẽ mông, sinh dục có thể nhầm với bệnh lây nhiễm qua đường sinh dục… Vì vậy, khi có vấn đề về da thì phải tới chuyên khoa da liễu khám và xét nghiệm.

Vảy nến là một bệnh mãn tính, diễn biến bệnh lâu dài, có thể khỏi một thời gian dài nhưng cũng có nhiều trường hợp tái phát liên tục. Việc điều trị cần phải có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa thầy thuốc và người bệnh để có thể tìm ra phương pháp điều trị tối ưu nhất, hiệu quả, ít tác dụng phụ và phù hợp với hoàn cảnh người bệnh về kinh tế, công việc và gia đình, xã hội.

Điều trị vảy nến như thế nào?

Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ, sau 6 năm học ngành y dù đã được tiếp xúc với bệnh nhân vảy nến nhưng khi đi làm vẫn có nhiều bất ngờ. 

“Bệnh vảy nến là bệnh không thể chữa khỏi được nhưng có thể kiểm soát được bệnh. Vảy nến không đơn thuần là bệnh ngoài da mà là bệnh toàn thân, có liên quan với các bệnh lý về tim mạch, gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì và các bệnh lý chuyển hóa”, bác sĩ Tâm nói.

Ăn uống có làm bạn dễ mắc bệnh vảy nến?

Bác sĩ Tâm đang khám cho một bệnh nhân vảy nến.

Hiện nay, điều trị bệnh vảy nến có nhiều phương pháp khác nhau trong đó điều trị bằng UVB dải hẹp được áp dụng cho thể vừa và nặng. UVB dải hẹp dùng ánh sáng mặt trời tác động tới những vùng da có tổn thường. Với phương pháp này, bệnh nhân được điều trị một tuần/3 buổi, mỗi lần chiếu 3-4 phút. Chi phí toàn bộ cho một liệu trình chiếu của bệnh nhân khoảng 4-5 triệu và được bảo hiểm hỗ trợ kinh phí.

Bác sĩ Tâm cho biết, phương pháp điều trị ánh sáng có tỷ lệ bệnh nhân đáp ứng điều trị khoảng 80%. Với bệnh nhân đáp ứng kém sẽ chuyển sang phương pháp điều trị khác. Bệnh nhân ổn định sau 6 tháng chiếu là hơn 50%.

Tác dụng phụ không mong muốn của phương pháp điều trị bằng UVB dải hẹp có khoảng 10-20% bị bỏng nắng, nhưng phát hiện sớm không ảnh hướng tới bệnh nhân. Một số bệnh nhân có thể bị ngứa và đen hơn bình thường, nhưng sau dừng chiếu 1 tháng sẽ trở lại bình thường.

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Thịt gà xé phay trộn thêm nguyên liệu này, ngon cuốn lưỡi, chẳng cần ra ngoài hàng