Vắc xin cúm: Tất tần tật những điều cần biết để bé nhà bạn không lo cúm mùa 'hỏi thăm'

2018-02-05 10:45
- Cúm là bệnh lây nhiễm cao qua đường tiếp xúc. Việc tiêm phòng vắc xin sẽ giúp ngăn ngừa được nguy cơ mắc bệnh.

Dưới đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Truyền nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM trả lời một số câu hỏi liên quan tới việc tiêm phòng vắc xin cúm.

- Chào bác sĩ con tôi 2 tuổi, năm trước tôi đã tiêm phòng cúm cho cháu thì năm nay có cần phải tiêm nhắc lại không? Bác sĩ có thể cho tôi biết thêm những biến chứng nguy hiểm đối với trẻ nhỏ?

(Đinh Ngọc Lan, Xuân Đỉnh, Hà Nội)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cúm là bệnh truyền nhiễm lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc. Vi rút cúm có mức lây nhiễm rất cao do lây qua đường hô hấp. Khi tiếp xúc trực tiếp với người đang bị cúm: qua hắt hơi, bắt tay, hoặc gián tiếp như sờ tay nắm cửa, vòi nước có thể bị nhiễm vi rút cúm...

Giải đáp tất cả những thắc mắc về vắc xin cúm

Nên tiêm phòng cúm cho trẻ nhỏ.

Vi rút cúm có rất nhiều tuýp nhưng tuýp A và B được xác định có khả năng biến đổi hàng năm. Cho nên việc tiêm phòng cúm chỉ có giá trị trong một năm, sau đó cần phải được tiêm nhắc lại.

Biến chứng của cúm mùa có thể dẫn tới viêm phế quản, viêm phổi, nếu không được điều trị đúng cách có thể nguy hiểm cho tính mạng.

Thưa bác sĩ con tôi tiêm vắc xin cúm rồi sẽ không bị mắc bệnh đúng không ạ?

(Dương Thu Phương – 32 tuổi, tại Thanh Xuân, Hà Nội)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Khả năng phòng bệnh của vắc xin sẽ tùy theo vùng lưu hành loại cúm gì, năm đó là chủng cúm gì (lưu hành của tuýp cúm) và khả năng miễn dịch của cơ thể. Vi rút cúm có rất nhiều tuýp nhưng tuýp A và B được xác định có khả năng biến đổi hàng năm. Vì vậy, mỗi một mũi tiêm cúm chỉ có giá trị trong một năm.

Dựa trên nghiên cứu bệnh học sẽ dự báo trước được tuýp cúm nào chiếm ưu thế để chế ra loại vắc xin. Vì vậy, việc tiêm phòng cúm chỉ mang tính chất tương đối chứ không thể chắc chắn khi tiêm phòng cúm sẽ tránh được bệnh. 

Khi tiêm phòng cúm cho trẻ, cha mẹ vẫn nên chủ động phòng theo phương pháp thông thường. Khi dịch cúm đang lưu hành, hạn chế đưa trẻ tới nơi đông người, không cho trẻ tiếp xúc với người mắc cúm, rửa tay trước khi ăn và sau khi ăn. Cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng, ngủ đủ giấc để nâng cao sức đề kháng.

Tiêm phòng cúm có ý nghĩa rất lớn đối với những bệnh nhân có cơ địa đặc biệt như: trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch, trẻ bị ung thư, suy thận… Đây là những nhóm đối tượng khi mắc bệnh cúm thường gây ra những biến chứng nặng.

- Chào bác sĩ, tôi đọc được thông tin khi tiêm vắc xin cúm thì trẻ sẽ mắc cúm luôn điều này có đúng không? Hiện nay, tôi thấy trên mạng bán loại vắc xin khô, bác sĩ có thể cho tôi biết khả năng phòng bệnh của loại vắc xin này tới đâu?

(Trung Kiên, Cầu Giấy, Hà Nội)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Vắc xin là chế phẩm từ chính sinh vật hoặc đã bị chết hoặc đã bị làm yếu đi. Vì vậy vắc xin không có khả năng gây bệnh cho cơ thể.

Vắc xin khô mà mọi người đang gọi và mua bán trên mạng hiện nay không phải là vắc xin. Nó chỉ là những dược thảo được bào chế theo cách cổ truyền của Châu Âu, không có tác dụng tạo ra miễn dịch cho cơ thể. Tổ chức Y tế thế giới không xếp loại thuốc trên vào nhóm vắc xin.

Một sản phẩm được gọi là vắc xin khi nó có tính kháng nguyên, đưa vào cơ thể để tạo ra miễn dịch đặc hiệu chủ động. Mục đích của vắc xin là để tăng cường sức để kháng cho cơ thể khi có tác nhân gấy bệnh. Vắc xin cần trải qua sự kiểm nghiệm nghiêm ngặt của cơ quan quản lý thuốc, dùng theo chỉ định chứ không phải mua bán trên mạng.

Ngọc Minh (ghi)

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Mách bạn mẹo dùng bình nóng lạnh thả ga, mà không lo 'đau ví'