Sốt xuất huyết ở trẻ nguy hiểm hơn ở người lớn thế nào?

2016-11-01 15:53
- Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, thì ở người lớn khi mắc sốt xuất huyết dễ gặp phải biến chứng chảy máu (giảm tiểu cầu) còn ở trẻ nhỏ thì dễ bị sốc nhiều hơn.

“3 ngày vàng” chẩn đoán bệnh

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, trong tháng vừa rồi số ca sốt xuất huyết  tới điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tăng, nhưng chưa có trường hợp nào nặng và tử vong.

“Bệnh sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, vi rút truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt. Muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh chủ yếu. Bệnh xảy ra quanh năm, gia tăng vào mùa mưa. Bệnh gặp  có thể mắc cả ở trẻ em và người lớn. Bệnh dễ bùng phát thành dịch tại những nơi tập trung đông dân cư, điều kiện vệ sinh môi trường kém tạo điều kiện cho loại muỗi Aedes aegypti  phát triển”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói .

Cô đặc máu, giảm tiểu cầu nếu điều trị sốt xuất huyết không đúng

Những nơi muỗi gây bệnh sốt xuất huyết có thể để trứng.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp  cho hay, trong 3 ngày đầu bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết sẽ sốt cao như sốt vi rút. Người bệnh sẽ kèm theo các triệu chứng: mệt mỏi, đau nhức người, đau cơ, đau hốc mắt, đau họng, buồn nôn… 

“3 ngày đầu cũng là thời điểm tốt nhất để xét nghiệm và chẩn đoán ra bệnh. Trong thời gian này bệnh cũng chưa có biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi thấy người nhức mỏi, sốt cao không rõ nguyên nhân cần phải người bệnh cần đi khám ngay để điều trị kịp thời”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp cho biết.

Nguy cơ sốc, giảm tiểu cầu gây tử vong

Bệnh sốt xuất huyết, tới ngày thứ 4 đến thứ 7 bệnh nhân sẽ đỡ sốt nên người bệnh thường chủ quan đã khỏi. Nhưng thực tế bệnh lại đang âm thầm tiến triển xấu, nếu không được điều trị có thể tử vong.

Bệnh nhân sốt xuất huyết có thể gặp phải nguy cơ sốc và giảm tiểu cầu. Trường hợp bệnh nhân sốc, là do tính thấm mao mạch gia tăng, với hậu quả thoát huyết tương ra ngoài khoang dịch kẽ với lượng lớn, là nguyên nhân của tình trạng cô đặc máu. Trường hợp bệnh nhân nếu bị thoát dịch quá nhiều có thể dẫn tới sốc. Khi bệnh nhân bị sốc nếu không được xử lý sớm, đúng cách bệnh nhân có thể bị suy đa phủ tạng và có thể dẫn tới tử vong.

“Vấn đề thứ 2 là bệnh nhân sẽ bị giảm tiểu cầu trong máu, khiến cho khi chảy máu bệnh nhân sẽ không cầm được máu. Trong trường hợp chảy máu ở những vị trí quan trọng như: chảy máu não, xuất huyết dạ dày, dong kinh ồ ạt… bệnh nhân mất máu nhiều có thể nguy kịch”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói.

Sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ nguy hiểm hơn người lớn?

sốt xuất huyết

Trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh nhiễm sốt xuất huyết cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, thì ở người lớn khi mắc sốt xuất huyết dễ gặp phải biến chứng chảy máu (giảm tiểu cầu) còn ở trẻ nhỏ thì dễ bị sốc nhiều hơn.

“Sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm vì trẻ ở khi sốt thường nằm lịm đi, bố mẹ không để ý nên thường đưa tới bệnh viện muộn. Còn ở người lớn chỉ cần mệt mỏi , nhức mỏi là có thể kêu ca đi bệnh viện luôn vì vậy ít có trường hợp bị bệnh nặng”, Nguyễn Trung Cấp, chia sẻ.

Ở trẻ nhỏ khi bị mắc xuất xuất huyết thường có những triệu chứng nổi trội như: sốt cao, đau bụng, đau họng. Bước sang ngày thứ 3 các bệnh nhi sẽ hết sốt nhưng sẽ kèm theo biểu hiện xuất huyết nhẹ (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi).

“Trường hợp trẻ nhỏ mắc phải sốt xuất huyết nếu bố mẹ tự ý điều trị tại nhà, điều trị sai cách trẻ có nguy cơ  tiến triển thành xuất huyết đường tiêu hóa. Trẻ có nguy cơ bị suy nội tạng tử vong do bị sốc rất cao”, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp khuyến cáo.

Ngọc Minh

 

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Học nữ chính "Hạ cánh nơi anh" loại bỏ vai u thịt bắp với 5 bài tập đơn giản