Nỗi đau bệnh nhân ung thư xin được chết

2016-09-14 07:17
- Tiêm tới cả chục mũi giảm đau không ăn thua, mẹ chồng chị Thương vật vã đòi được chết để giải thoát khỏi nỗi khổ sở vì bệnh trọng.

Người chăm sóc theo kèm

Bác Lê Thị Hà (60 tuổi, quê Bắc Ninh) có chồng đang điều trị ung thư phổi tại Khoa Nội Bệnh viện K Trung ương. Nói về việc chăm sóc những người mắc bệnh này, bác Hà ngậm ngùi: “Chỉ gia đình có người mắc bệnh ung thư mới thấu hiểu được nỗi vất vả nhọc nhằn khi chăm sóc cho bệnh nhân”.

Chồng bác Hà phát hiện mắc ung thư phổi khi đã bị di căn sang các cơ quan khác.“Ông nhà tôi thường xuyên kêu đau lưng. Các cháu có đưa ông ấy đi khám ở bệnh viện đa khoa tỉnh sau khi chụp đốt sống thì được chẩn đoán vẹo cột sống, xẹp đĩa đệm. Sau khi được bác sĩ kê đơn uống thuốc thấy bệnh không khỏi. Chỉ sau một tháng ông ấy còn sút mất 5kg. Lúc này cả gia đình quyết định đưa chồng tôi xuống bệnh viện K khám”, bác Hà nói.






Nỗi khổ bệnh nhân ung thư xin được... chết vì quá đau



Nhọc nhằn chuyện chăm sóc bệnh nhân ung thư

Bác Hà rơi nước mắt kể việc về bệnh của chồng.

Theo lời của bác Hà phải mất gần hơn 1 tuần thực hiện xét nghiệm các kiểu theo những chỉ định của bác sĩ, chồng bác Hà được kết luận ung thư phổi, di căn hạch, di căn xương sống, xương sườn. Cả gia đình bác Hà quyết định nói thật tình trạng bệnh tật cho bệnh nhất biết. Vì bác Hà biết rằng đã vào K điều trị thì khó có thể dấu được.

Trong suốt 3 tháng đầu chồng bác Hà phải nằm tại viện hoàn toàn. Bác phải bỏ hết mọi công việc nhà để đi theo chăm sóc chồng.

“Do ông nhà tôi bị khối u di căn vào xương nên đi lại, vệ sinh phải có người dìu.Tôi luôn phải ở bệnh cạnh ông ấy cho uống thuốc, uống nước, cho ăn. Nhất là lúc truyền hóa chất kim truyền bị lệch hóa chất ra nếu không được vệ sinh sẽ gây thối thịt ngay. Nhưng khổ nhất là khoản ăn uống vì khối u đã di căn hạch nên chồng tôi ăn uống rất khó khăn. Chỉ ăn mấy thìa cháo mà ông í cũng bị nghẹn nôn thốc tháo hết cả ra người. Mỗi lần như vậy lại phải thay toàn bộ ga trải giường, quần áo vệ sinh người…”, bác Hà kể.

Khi chăm sóc cho bệnh nhân ung thư không chỉ chuyện vệ sinh ăn uống mà việc động viên tâm lý cũng rất quan trọng. Thời gian ở viện bác Hà luôn tỏ thái độ vui vẻ lạc quan để tiếp thêm hy vọng cho chồng.

Bác Hà kể: “Từ ngày vào viện chồng tôi hay giận dỗi lắm. Có lần tôi đi mua cháo cho ông ấy gặp người quen đi viện, tôi có dừng lại hỏi thăm. Đợi lâu chưa thấy tôi về, khi lên tới phòng ông ấy dỗi bảo tôi bỏ mặc rồi không ăn, đến khổ”

Bác Hà chia sẻ hầu như bệnh nhân ung thư nào điều trị tại viện cũng phải luôn có người theo kèm để chăm sóc hàng ngày. Không chỉ chăm sóc mà còn liên lạc làm các thủ tục khi bác sĩ cần tới.

“Bị căn bệnh này điều trị rất tốn tiền bạc và thời gian. Được cái tôi còn khỏe còn chăm sóc được cho chồng. Chứ để các con chăm sóc tôi không yên tâm và cũng ảnh hưởng tới công việc của chúng”, bác Hà nói.

Đang chăm sóc cho bố ung thư giai đoạn cuối tại bệnh viện K, chị P.T.L (quê Hà Nam) tâm sự, "Bố tôi giờ nằm bất động một chỗ mọi sinh hoạt ăn, uống, vệ sinh... đều diễn ra trên giường điều trị. Nên lúc nào cũng phải có người túc trực. Được cái nhà tôi đông anh chị em phân chia nhau chăm bố theo lịch".

"Các tế bào ung thư đã di căn các cơ quan trong cơ thể. Ông cụ nhà tôi giờ chỉ nằm một chỗ, thở cảm giác như lao lực nên cụ được chuyển sang thở bằng máy. Bác sĩ có nói ông cụ chỉ gắng được một vài ngày nữa. Gia đình tôi đang tính cho xin cho cụ về nhà", chị L. bùi ngùi nói.

Đau đớn tới mức đòi chết liên tục

Nỗi đau đớn vì bệnh ung thư được ví như “chết đi sống lại” đặc biệt ở những bệnh nhân giai đoạn cuối khi bệnh viện chấp nhận đưa về nhà chăm sóc. Chị Phạm Thị Thương (Nam Định) chăm mẹ chồng bị ung thư gan tại nhà cho hay: “Mỗi lúc cụ đau là gào thét đau đớn. Gia đình có làm đơn lên xã nhờ xác định bệnh tật để mua moocphin từ trong bệnh viện giảm đau cho cụ. Lúc đầu tiêm cụ bớt đau ngủ được một ít. Nhưng về sau tiêm tới cả chục mũi cũng không ăn thua. Cụ lại vật vã đòi chết, đừng bắt cụ sống khổ sở đau đớn”.

Sau 2 tháng chỉ nằm một chỗ nên phần mông của cụ bắt đầu nở loét. Có những chỗ thịt bị thối chị Thương khoét bỏ đi để bôi thuốc cho cụ.

Chăm sóc cho cụ ngày nào cũng phải có 2 người túc trực (một người ca ngày, một người ca đêm) xoa bóp. Có lần chị Thương mệt quá ngủ gật không bóp tay là cụ lại đau.

“3 tháng vật lộn với cơn đau đớn về xác thịt, cuối cùng cụ cũng ra đi trong thanh thản”, chị Thương xúc động nói.

(Tên nhân vật trong bài viết đã được thay đổi)

Theo TS.Đinh Văn Lượng, PGĐ Trung tâm Ung thư Phổi Quốc gia: "Chăm sóc cho bệnh nhân ung thư phổi sẽ đặc biệt hơn so với các bệnh ung thư khác. Ở giai đoạn cuối bệnh nhân ung thư phổi sẽ gặp phải các vấn đề về hô hấp. Các bệnh nhân này đều phải dùng tới máy để có thể thở được. Rất nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối xin được chết vì quá đau đớn".

 

 

 

 

 

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng