Nghe khớp kêu răng rắc đua nhau mua glucosamine để bổ sung, nhưng hậu quả thì không phải ai cũng cảnh giác

2018-05-10 06:45
- Việc dùng glucosamine liên tục kéo dài có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn mà ít người biết tới như: tiểu đường, tiêm mạch, bệnh lý về mắt…

Thời gian gần đây, khi trào lưu mua sắm online ngày càng phát triển, việc tìm mua các sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) từ nước ngoài về cũng trở nên phổ biến hơn. Đặc biệt sản phẩm glucosamine được rất nhiều người Việt Nam tin dùng, vì cho rằng tốt cho người mắc bệnh cơ xương khớp.

Việc dùng glucosamine theo cách truyền tai nhau về tác dụng mà không có ý kiến của chuyên gia khiến cho không ít người còn lầm tưởng glucosamine có thể thay thế chữa bệnh thoái hóa cơ xương khớp. Một số người còn uống kéo dài ngày này qua năm khác mà không có sự tư vấn sẽ rất nguy hiểm… Việc hiểu sai, dùng không đúng sẽ khiến cho bệnh nhân có thể chịu tác dụng phụ của thuốc mà không hay biết.

Glucosamine dùng như thế nào để tránh tác dụng phụ không mong muốn

Dùng glucosamine để chống đau mỏi khớp kéo dài có thể gặp phải những tác dụng phụ nhất định, ảnh minh họa.

Theo Th.BS Nguyễn Trần Trung, Khoa cơ Xương khớp, Bệnh viện E, cần phải hiểu đúng glucosamine không phải là thuốc điều trị. Hiện nay chỉ duy nhất glucosamine sulfat là thuốc điều trị giúp tăng tiết dịch nhầy của khớp. Còn các loại glucosamine khác chỉ là thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ bổ sung trong điều trị bệnh. Bệnh nhân có chỉ định dùng thuốc điều trị không được tùy tiện bỏ thuốc để chuyển sang uống glucosamine.

Glucosamine là TPCN và khác biệt hoàn toàn với thuốc điều trị. TPCN sẽ không qua kiểm nghiệm lâm sàng vì vậy sẽ không thể chứng minh rõ ràng được tác dụng phụ của thuốc. Thuốc thì khác cần phải có một quá trình kiểm định rất khắt khe, chứng minh lâm sàng và qua thực tế mới được sử dụng.

Người mắc các bệnh về xương khớp đã được bác sĩ chỉ định dùng thuốc điều trị vẫn phải duy trì thuốc uống theo đơn. Trong trường hợp nếu muốn bổ sung thêm TPCN glucosamine nên hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn.

“Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thực phẩm glucosamine bán trôi nổi không rõ nguồn gốc, chất lượng người tiêu dùng cần tránh mua phải hàng giả. Khi dùng glucosamine vẫn cần duy trì đi khám định kỳ và tuân thủ uống thuốc theo đơn của bác sĩ”, bác sĩ Trung nói.

Dùng như thế nào để an toàn?

Việc dùng glucosamine hiện nay vẫn chủ yếu là theo lời truyền miệng nhau, mọi người tìm mua từ những nguồn xách tay, nhập khẩu… 

Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, Trưởng khoa Vi phẫu tạo hình, Bệnh viện Sài Gòn ITO cho hay nếu dùng glucosamine liên tục và lâu dài sẽ có ảnh hưởng đến cơ thể như: bệnh lý tiểu đường, xuất huyết, tim mạch, mắt...

Để dùng glucosamine an toàn tránh tác dụng phụ nên uống theo đợt, mỗi đợt 3 tháng và nghỉ một tháng. Riêng với glucosamine sulfat loại 1500mg/ ngày 1 viên vào buổi sáng có thể uống kéo dài.

“Glucosamine không phải là thuốc chính điều trị thoái hóa khớp, nó có tác dụng bổ sung thành phần sụn khớp”, bác sĩ Xuân Anh nói.

Cũng theo bác sĩ Nguyễn Xuân Anh không nên dùng glucosamine khi còn quá trẻ vì lúc đó cơ thể vẫn có thể sản sinh ra chất nhầy để bôi trơn sụn khớp. Độ tuổi thích hợp dùng glucosamine trên 40 tuổi trước khi dùng nên khám và tư vấn của bác sĩ.

Đối với người trẻ thường xuyên bị đau khớp gối nên đi khám chuyên khoa để loại trừ nguyên nhân bệnh lý, cần phải tăng cường vận động, thể dục, thể thao sẽ có lợi rất nhiều cho xương khớp. Thói quen lười vận động có thể là nguyên nhân khiến cho các bệnh lý xương khớp đến sớm hơn. Ngoài ra, cần phải xem xét lại tư thế ngồi làm việc đúng để tránh bệnh lý về cơ xương khớp, đau mỏi vai gáy.

Ngọc Minh

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Serum phục hồi “Ngon - bổ - rẻ” được chị Hà Linh đánh giá cao