Nếu thấy sau gáy con có biểu hiện này, mẹ chớ lơ là khiến con giảm sức đề kháng

Thu Hà 2018-10-04 18:30
- Chuyên gia dinh dưỡng khẳng định trẻ bị rụng tóc vành khăn ở phần sau gáy, đó là biểu hiện của việc bị còi xương do không hấp thụ được canxi.

Giật mình lý do con bị rụng tóc vành khăn

Bé Bim nhà chị Lan Hương (Hà Nội) sinh ra đã nặng gần 4kg. Bé ham ăn, ít ốm vặt, lại được bà và mẹ tích cực “nhồi” nên lớn nhanh như thổi. Chỉ 2 tháng tuổi, bé đã nặng gần 7kg.

Ngoài 6 tháng tuổi, bé hay bị giật mình khi ngủ, ra nhiều mồ hôi đặc biệt trong lúc ngủ và rụng tóc thành hình vành khăn sau gáy.

Qua internet, chị lờ mờ đoán con bị thiếu canxi, còi xương và muốn mang con đi khám dinh dưỡng. Thế nhưng mẹ chị lại gạt phắt đi, cho rằng chị “dở hơi”, con đang yên đang lành, lại bụ bẫm, to béo như thế việc gì phải khám “còi xương”.

Nếu thấy sau gáy con có biểu hiện này, mẹ chớ lơ là khiến con giảm sức đề kháng

Con bị rụng tóc vành khăn sau gáy, quấy khóc khi ngủ có phải là dấu hiệu còi xương hay không là thắc mắc của rất nhiều bà mẹ. Ảnh minh họa.

Thấy mẹ phản đối “có lí”, chị Hương đã tắt ngúm ý định đưa con đi khám dinh dưỡng. Chị băn khoăn không biết rụng tóc vành khăn có phải là dấu hiệu trẻ thiếu canxi, còi xương hay không? Bởi theo như mẹ chị nói thì đúng là con to béo thế này, còi xương thì thật vô lý quá!

Không chỉ chị Hương mà nhiều bậc phụ huynh khác cũng có chung mối băn khoăn trên. Giải đáp thắc mắc này, Thạc sĩ – Bác sĩ Lê Thị Hải, Nguyên Giám đốc Trung tâm khám và tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng khẳng định rụng tóc hình vành khăn sau gáy là một trong những biểu hiện của trẻ bị thiếu vitamin D. Từ việc thiếu hụt vitamin D, trẻ không hấp thụ được canxi và dẫn tới còi xương.

“Đa phần cha mẹ mặc định con to béo là không còi xương nhưng thật ra con còi xương chứ không hề…còi thịt. Tôi đã gặp nhiều trường hợp con to béo nhưng còi xương rất nặng vì không hấp thụ được canxi do thiếu vitamin D”, Bác sĩ Lê Thị Hải cho biết.

Khi thiếu hụt vitamin D dẫn tới còi xương, trẻ ngoài rụng tóc vành khăn sau gáy còn một số biểu hiện khác như ngủ không ngon giấc, trằn trọc, ra mồ hôi khi ngủ.

Biểu hiện ở xương trẻ bị đầu bẹp, thóp rộng, trán dô, chân tay cong. Răng mọc chậm, chậm phát triển vận động như chậm biết lẫy, bò, đi… Trẻ dễ mắc bệnh tiêu chảy, hô hấp do giảm sức đề kháng.

"Gió lạnh đầu mùa" cũng đừng bao bọc con quá mức!

Theo bác sĩ Lê Thị Hải, vitamin D là chất quan trọng giúp trẻ hấp thụ tối đa canxi để có hệ xương chắc khỏe và tăng cường hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, do chế độ ăn không đúng cộng với lối sinh hoạt bao bọc con quá mức, không cho con tắm nắng, vận động ngoài trời của mẹ Việt đã khiến trẻ em bị thiếu hụt vitamin D một cách không ngờ.

Nếu thấy sau gáy con có biểu hiện này, mẹ chớ lơ là khiến con giảm sức đề kháng

“Vitamin D không có nhiều trong thực phẩm. Vitamin D chỉ có trong gan động vật, cá, dầu cá, lòng đỏ trứng gà, sữa, bánh ăn dặm. Ngoài ra, vitamin D được tổng hợp từ quá trình tắm nắng. Khi ánh nắng chiếu vào chất tiền vitamin D ở dưới da, nó sẽ được biến đôi thành vitamin D3.

Những hiểu lầm trong cách sử dụng thực phẩm, chế độ sinh hoạt khiến con bị thiếu vitamin D. Hậu quả là con mắc bệnh còi xương, mặc dù con vẫn to béo, thậm chí to hơn các bạn đồng trang lứa vẫn mắc bệnh”, bác sĩ Lê Thị Hải phân tích.

 Để phòng ngừa còi xương do thiếu vitamin D, bác sĩ Hải khuyên cha mẹ cho trẻ tắm nắng vào buổi sáng sớm, vận động ngoài trời. Những khi thời tiết giao mùa, trời lạnh nên chú ý giữ ấm cho trẻ khi tắm nắng.

“Cha mẹ hãy cho con đi khám dinh dưỡng khi có các biểu hiện quấy khóc, ngủ không ngon giấc, rụng róc vành khăn để được tư vấn, điều trị đúng cách. Chỉ được sử dụng vitamin D liều cao khi có chỉ định của bác sĩ để tránh bị quá liều, ngộ độc”, bác sĩ Hải khuyến cáo.

Thu Hà

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất


Sài Gòn đi đâu mùa Giáng Sinh?