Bác sĩ nhi nói về 'huyền thoại' trẻ sơ sinh nào cũng cần phơi nắng sáng sớm để hấp thụ vitamin D

2020-09-09 16:36
- Ánh nắng buổi sáng dịu nhẹ, không quá gắt nên rất tốt cho trẻ sơ sinh, đến nay nhiều người vẫn còn giữ quan niệm này và cho trẻ phơi nắng mỗi sáng.

Có rất nhiều quan niệm chăm sóc trẻ nhỏ được lưu truyền từ đời này sang đời khác và đến nay không ít gia đình vẫn còn duy trì. Một trong những quan niệm phổ biến đó là phơi nắng cho trẻ buổi sáng rất tốt, giúp các bé hấp thụ được vitamin D để xương chắc khỏe, cao lớn. Tuy nhiên, quan niệm này đã nhiều lần được các chuyên gia chỉ ra không có cơ sở khoa học. 

Mới đây, một ông bố bỉm sữa đã chia sẻ hình ảnh người bà bế cháu còn nhỏ xíu phơi nắng buổi sáng sớm kèm theo câu chuyện: "Dù mới 7h sáng và nắng khá gắt, mình thấy 2 bà cháu phơi nắng và mình rất muốn qua nói vài lời nhưng lại thôi, vì trong gia đình bác có người làm trong ngành Y. Chú xin lỗi em bé vì đã chọn im lặng nhé!". Sau khi xem bức ảnh này, BSCKI Nguyễn Thanh Sang (Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TP Hồ Chí Minh) đã cảm thấy vô cùng xót xa vì quan niệm sai lầm khi chăm con của người bà này. 

Hình ảnh người bà bế cháu phơi nắng buổi sáng (Ảnh: BSCC). 

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Sang, từ những năm 2008, các chuyên gia Hiệp hội Nhi khoa Thế giới nhận thấy rằng việc phơi nắng không những không giúp được gì cho các bé trong việc hấp thụ vitamin D mà còn làm tăng nguy cơ các vấn đề về da như lão hoá, ung thư da... nên họ bỏ luôn khuyến cáo phơi nắng và nâng liều vitamin D sinh lý lên 400 đơn vị mỗi ngày. 

Hơn 12 năm trước các khuyến cáo đã thay đổi và trẻ nhỏ nên được bổ sung trực tiếp vitamin D dạng nhỏ giọt hoặc dạng xịt rồi. Vậy mà đến hôm nay, chuyện phơi nắng để bổ sung vitamin D nó vẫn là chuyện tranh cãi nảy lửa giữa các thế hệ, thậm chí, là giữa nhân viên y tế với nhau. 

Ánh sáng mặt trời có 3 loại tia UV là A, B và C. Tia UV (C) sẽ bị bật ra khỏi khi gặp tầng ozone nên khỏi bàn. Còn lại UV (A) và UV (B): 

- Tia UV (A) là tia gây tổn thương da, ung thư da, lão hoá da... và đặc biệt là nó xuất hiện từ lúc mặt trời mọc và chỉ kết thúc khi mặt trời lặn. Nên nhiều người nghĩ rằng đi vào sáng sớm ánh sáng dịu nhẹ da sẽ không sao là hoàn toàn sai. 

- Tia UV (B) là cái tia quan trọng trong tổng hợp Vitamin D nhưng mà ngặt nỗi các nghiên cứu ghi nhận rằng để đủ cường độ tia kích thích da tạo vitamin D là từ 9h trưa tới 15h chiều. 

Vấn đề nằm ở chỗ tia UV (B) giúp tạo vitamin D chỉ hiệu quả khi phơi nắng từ 9h sáng - 15h chiều. Ánh nắng buổi sáng dịu nhẹ, không quá khó chịu do góc chiếu thấp nên nhiều người nghĩ lời khuyên phơi nắng buổi sáng có vẻ khoa học nhưng thực ra là phơi nắng giờ đó thì 2 mẹ con chỉ nhận được tia UV (A) mà thôi. 

Thậm chí, GS. R Geronemus, theo GS da liễu ở Đại Học Y Khoa New York thì " Lượng vitamin D chúng ta tạo ra do hấp thụ tia UV (B) cũng có hạn, nếu tiếp xúc quá nhiều thì vitamin D vừa tổng hợp ở da sẽ bị phá huỷ dưới tác dụng nhiệt ". 

Mình để ý thấy rất nhiều người phụ nữ mang thai không hề quan tâm đến việc bổ sung vitamin D cho bản thân. 

Sữa mẹ rất ít vitamin D, nếu không muốn nói là không có. Nên trẻ dưới 6 tháng tuổi bú mẹ hoàn toàn thì việc bổ sung vitamin D là rất cần thiết. 

Giai đoạn bắt đầu ăn dặm 6-12 tháng cũng rất khó tính toán hàm lượng vitamin D trong khẩu phần nên mình vẫn khuyên bổ sung liều sinh lý, nếu dư chút cũng không sao. 

Trẻ từ 1 tuổi thì tăng lên liều 600 - 800 đơn vị mỗi ngày. 

Tóm lại: Hiện nay, quan niệm phơi nắng để bổ sung vitamin D không còn phù hợp. Việc phơi nắng hay tham gia hoạt động ngoài trời vẫn rất khuyến khích để nâng cao sức khoẻ chứ không phải để bổ sung vitamin D. Bổ sung vitamin D nên thông qua đường uống (loại nào cũng được, miễn đủ liều sinh lý). Nếu bổ sung thiếu vitamin D thì dù có sử dụng bao nhiêu canxi thì cơ thể cũng không hấp thụ được và canxi bị thải ra ngoài. 

Liều bổ sung vitamin D theo độ tuổi 

• Dưới 12 tháng tuổi: 400 đơn vị/ngày. 

• Từ 12 tháng tuổi: 600-800 đơn vị/ngày. 

• Phụ nữ có thai và đang cho con bú: 600-800 đơn vị/ngày. 

Đặc biệt, nhóm đối tượng sau nên bổ sung vì thời gian ngoài trời thấp: 

• Dân văn phòng. 

• Bà mẹ chăm con ở gần như 24/24 trong nhà. 

• Trẻ béo phì (liều cao hơn trẻ thường). 

• Trẻ da sậm màu.

 Bổ sung vitamin D tới khi nào? 

Nếu bạn sử dụng liều sinh lý (theo độ tuổi trên) thì cứ yên tâm bổ sung cho trẻ mỗi ngày, không sợ dư liều cũng đừng nghe ai nói bổ sung nhiều gây hại. 

Không dùng loại liều cao 10.000 đơn vị/ngày cho trẻ nhỏ bởi nó có thể gây ra tình trạng biếng ăn. 

Vitamin D không chỉ tốt cho xương khớp mà còn tốt cho hệ miễn dịch và hệ hô hấp (giảm khò khè...). 

Theo Pháp Luật và Bạn Đọc

    

Nhanh tay nhận ngay quà tặng 300k!

Gói quà 300k dành riêng cho bạn khi đăng ký tích điểm MyPoint. Tích điểm cho mọi hoạt động nạp thẻ, mua sắm và nhận tin về đọc báo tích điểm sớm nhất

Những câu chuyện trải nghiệm thập tử có thật trên thế giới